Giới đầu tư vẫn thờ ơ với thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall nối tiếp đà giảm trong ngày thứ Năm (15/9), khi nhóm cổ phiếu công nghệ và các dữ liệu mới vẫn cho thấy bức tranh kém sắc của nền kinh tế Mỹ.
Giới đầu tư vẫn thờ ơ với thị trường

Phiên này, cổ phiếu Adobe giảm tới 16% và đã gây áp lực lớn nhất đến hai chỉ số Nasdaq và S&P 500, sau khi công ty phần mềm này công bố thương vụ mua Figma trị giá 20 tỷ USD.

Đà sụt giảm lan sang các cổ phiếu công nghệ khác, với cổ phiếu Apple mất 1,9% và Salesforce giảm 3,4%.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng là điểm sáng với cổ phiếu Goldman Sachs và JPMorgan đều tăng hơn 1%, United Health Group tăng 2,6%.

Các dữ liệu kinh tế mới phiên này dường như không tác động lớn đến tâm lý giới đầu tư, với số đơn trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước (kết thúc ngày 10/9) là 213.000, giảm không đáng kể so với tuần trước.

Trong khi đó, doanh số bán lẻ tháng 8 chỉ tăng trưởng 0,3% so với tháng 7, nhưng lại âm nếu không tính nhóm ô tô. Dữ liệu ngành sản xuất cũng cho thấy một nền kinh tế đang giảm tốc.

Mặc dù những báo cáo cho thấy lĩnh vực tiêu dùng của Mỹ hiện vẫn đang đứng vững, nhưng điều đó không giúp làm giảm bớt lo ngại về lạm phát kéo dài. Nhà đầu tư lo ngại rằng Fed sẽ nâng lãi suất quyết liệt hơn để đối phó lạm phát, thậm chí là thêm 1% trong ngày 21/9 tới, qua đó làm tăng khả năng suy thoái nền kinh tế.

Kết thúc phiên 15/9, chỉ số Dow Jones giảm 173,27 điểm (-0,56%), xuống 30.961,82 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 44,66 điểm (-1,13%), xuống 3.901,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 167,32 điểm (-1,43%), xuống 11.552,36 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, ảnh hưởng lớn bởi cổ phiếu năng lượng và công nghệ, do lo lắng về chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và những căng thẳng địa chính trị làm rung chuyển tâm lý rủi ro.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 giảm 0,59% xuống 415,04 điểm, kéo dài phiên giảm thứ ba liên tiếp, với nhóm cổ phiếu năng lượng giảm 2,1% do lo ngại về nhu cầu suy yếu.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu công nghệ giảm 1,8% và nhóm kéo lùi STOXX 600 nhất. Ngành này thường hoạt động kém hơn trong môi trường lãi suất cao do lo ngại về áp lực lên thu nhập trong tương lai.

Thị trường còn chịu ảnh hưởng bởi chính trị, khi giữa bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, thì Trung Quốc hôm thứ Năm cho biết họ sẽ làm việc với Moscow để "tạo ra sự ổn định và năng lượng tích cực trong một thế giới hỗn loạn".

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu các ngân hàng châu Âu tăng 1,7%, được hỗ trợ bởi lãi suất cao hơn. Morgan Stanley đã nâng khuyến nghị của lĩnh vực ngân hàng lên mức "tăng tỷ trọng", với lý do định giá rẻ và thu nhập ổn định.

Trong đó, cổ phiếu ngân hàng Tây Ban Nha bao gồm Bankinter, Sabadell và Caixabank, mỗi cổ phiếu tăng hơn 4% sau khi một báo cáo cho biết Madrid muốn tránh xung đột với Ngân hàng Trung ương Châu Âu và có thể sửa đổi thuế ngân hàng.

Kết thúc phiên 15/9: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 4,77 (+0,07%), lên 7.282,07 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 71,34 điểm (-0,55%), xuống 12.956,66 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 64,57 điểm (-1,04%), xuống 6.157,84 điểm.

Giá dầu thô lao dốc và xuống mức thấp nhất trong một tuần, sau thỏa thuận ngăn chặn thành công cuộc đình công của công nhân ngành đường sắt Mỹ.

Thỏa thuận đạt được sau hơn 20 giờ thương thảo đã giúp thị trường đảo ngược đà leo dốc của giá cả, tạo áp lực cho giá dầu diesel và xăng Mỹ giảm mạnh.

Kết thúc phiên 15/9, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 3,38 USD/thùng (-3,97%), xuống 85,10 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 3,26 USD/thùng (-3,59%), xuống 90,84 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ