Sau khi phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1.470 điểm, thị trường bước vào xu hướng giảm với nhiều tín hiệu kỹ thuật tiêu cực, như dải bolliger mở rộng xuống phía dưới, đường MACD phân kỳ, đường ADX tăng, báo hiệu xu hướng giảm mạnh, trong khi RSI giảm. Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo trong xu hướng giảm của VN-Index là vùng đáy cũ 1.420 - 1.440 điểm. Nếu ngưỡng này bị xuyên thủng, thì ngưỡng hỗ trợ mạnh tiếp theo là là vùng 1.400 - 1.420 điểm.
Tuy nhiên, trong 2 phiên gần nhất, ngưỡng 1.440 điểm đã phát huy vai trò là ngưỡng hỗ trợ mạnh cho thị trường, khi mỗi lúc xuống vùng này, VN-Index đều hồi kỹ thuật trở lại, đặc biệt trong phiên hôm qua, sau 2 lần thử thách, VN-Index đã bật trở lại có sắc xanh, lên trên mốc 1.450 điểm khi chốt phiên. Nếu không có VCB cản bước, chỉ số này còn có mức tăng mạnh hơn.
Tuy nhiên, đây dường như chỉ là phiên hồi kỹ thuật trong xu hướng giảm, giống như phiên 10/3, bởi các phiên tăng này có mức tăng khiêm tốn và thanh khoản thấp hơn nhiều các phiên giảm.
Bước vào phiên sáng nay (16/3), sắc xanh tiếp tục duy trì, nhưng cũng giống các phiên hồi phục vừa qua, mức tăng khiêm tốn với thanh khoản thấp. Sự hồi phục sáng nay của thị trường nhờ vào nhóm tài chính là chủ yếu, nhất là có sự trở lại của VCB với mức tăng nhẹ dưới 1% sau khi bị đè mạnh phiên hôm qua.
Tuy nhiên, thiếu đi động lực từ dòng tiền lớn khiến đà tăng không vững, nhiều mã ngân hàng nhanh chóng hạ nhiệt hoặc đảo chiều, trong đó dáng chú ý là BID đi ngược hướng với VCB. Trong phiên hôm qua, BID là một trong những mã tăng tốt nhất nhóm ngân hàng và cũng là một trong các mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index thì hôm nay đã quay đầu giảm, trong khi VCB đảo chiều tăng.
Nhóm thép cũng đang có giao dịch tích cực khi đa số tăng giá, trong đó mã đầu ngành HPG đang có mức tăng nhẹ và vẫn chưa trở lại “mặt đất” 50.
Nhóm dầu khí có sự phân hóa khi các mã lớn chìm trong sắc đỏ, ngoại trừ GAS “đào thoát” thành công khi đóng cửa với mức tăng tối thiểu. Trong khi đó, các mã nhỏ tăng, thậm chí có mã tăng mạnh.
Lực cầu yếu, nên khi lực bán vừa chớm gia tăng đã khiến nhiều mã quay đầu, VN-Index cũng hạ nhiệt, chỉ còn mức tăng tương đối với thanh khoản dưới 10.000 tỷ đồng.
Chốt phiên, VN-Index tăng 3 điểm (+0,21%) lên 1.455,74 điểm với 246 mã tăng, trong khi có 173 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 319,2 triệu đơn vị, giá trị 9.652,5 tỷ đồng, giảm 17% về khối lượng và 21% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8 triệu đơn vị, giá trị 255,7 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng chỉ còn 8 mã tăng, với mức tăng khiêm tốn, chỉ trên dưới 1%, ngoại trừ VIB tăng mạnh nhất gần 2% khi có thông tin về kế hoạch kinh doanh tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức sáng nay.
Đáng chú ý, VCB vẫn duy trì được đà tăng hơn 1,2% lên 82.100 đồng, là nhân tố chính giúp VN-Index giữ được sắc xanh sáng nay khi đóng góp 1,2 điểm cho chỉ số.
Nhóm bất động sản cũng giống nhóm dầu khí có sự phân hóa rõ. Tuy nhiên, các mã giảm chỉ có mức giảm nhẹ dưới 2%, chỉ yếu trên dưới 1%, trong khi ở chiều ngược lại có NVT lên trần 18.050 đồng, LDG tăng 5,8% lên 20.900 đồng, VPH, VRC và DXG tăng trên dưới 3%. ROS, SCR, FLC, CCI, BCM, CRE tăng hơn 2%. Trong đó, FLC là mã có giao dịch sôi động nhất thị trường với 11,4 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,4% lên 12.850 đồng. SCR và LDG khớp trên dưới 6,9 triệu đơn vị.
Trong các nhóm thị trường, ngoài các mã bất động sản vừa và nhỏ kể trên, nhóm cổ phiếu họ Louis có biến động đáng chú ý, trong đó ngoài 2 mã AGM và DDV giảm nhẹ, còn lại đều đang tăng với 2 sắc tím tại SMT và TGG.
Đặc biệt, TGG sau 3 phiên giảm sàn liên tiếp, tiếp tục mở cửa với mức giá sàn 22.850, nhưng sau đó lực cầu bất ngờ gia tăng, kéo mã này tăng thẳng một mạch lên mức trần 26.250 đồng và còn dư mua giá trần, khớp gần 2,5 triệu đơn vị.
Ngoài TGG, sàn HOSE còn có một số mã đáng chú ý khác khi tăng trần với sức mua mạnh sáng nay, trong đó là APH khi tăng trần 26.600 đồng, khớp 9,51 triệu đơn vị, chỉ đứng sau FLC về thanh khoản. Ngoài ra, còn phải kể đến JVC và TTB khi cũng lên trần 11.150 đồng và 12.300 đồng, khớp trên dưới 5 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.
Trong khi VN-Index đang có những phiên hồi kỹ thuật không chắc chắn, thì HNX-Index sáng nay lại có phiên tăng điểm khá tốt.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 3,11 điểm (-0,70%), lên 446,63 điểm với 132 mã tăng, trong khi có 90 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,6 triệu đơn vị, giá trị 1.362 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1 triệu đơn vị, giá trị 48 tỷ đồng.
Trong các mã lớn trên chỉ có VCS và PVS giảm 1,5% và 1,1% xuống 108.100 đồng và 34.800 đồng, còn lại đều có sắc xanh. Trong đó, tăng mạnh nhất là HUT tăng 6,1% lên 46.900 đồng, CEO tăng 1,5% lên 72.000 đồng và IDC tăng 1,6% lên 69.500 đồng, còn lại đều tăng khiêm tốn.
Không chỉ tăng mạnh nhất nhóm vốn hóa lớn, HUT cũng là mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX với hơn 4 triệu đơn vị. PVS đứng thứ 2 với 3,2 triệu đơn vị. KLF, CEO và BII là các mã tiếp theo với thanh khoản từ hơn 2,5 triệu đơn vị đến hơn 3 triệu đơn vị.
Trên thị trường UPCoM, chỉ số chính của thị trường này cũng giao dịch trong sắc xanh suốt phiên sáng, nhưng giằng co trong biên độ hẹp.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,51 điểm (+0,44%), lên 116,07 điểm với 198 mã tăng, gấp hơn 2 lần so với 97 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,5 triệu đơn vị, giá trị 545 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Trong khi nhiều mã dầu khí trên 2 sàn niêm yết quay đầu giảm, thì nhóm dầu trên UPCoM vẫn có sắc xanh, trong đó BSR tăng 0,8% lên 25.500 đồng, thanh khoản tốt nhất thị trường với 2,6 triệu đơn vị. OIL tăng 0,5% lên 18.400 đồng, khớp chỉ 0,64 triệu đơn vị. PVO thậm chí còn có sắc tím 17.200 đồng.
Ngoại trừ DDV giảm 2,8% xuống 28.000 đồng, còn lại tất cả các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị ở UPCoM sáng nay đều tăng. Ngoài BSR, còn có VHG tăng 3% lên 10.200 đồng, SDD tăng 12,5% lên 9.000 đồng, C4G tăng 2,1% lên 24.500 đồng, thậm chí BOT tăng trần lên 16.100 đồng và còn dư mua trần.