Giao dịch chứng khoán sáng 15/6: Sóng penny vẫn lớn

(ĐTCK) Trong khi thị trường diễn biến khá rung lắc trước tâm lý giao dịch thận trọng bởi dòng tiền có phần kém sôi động, thì nhóm cổ phiếu penny vẫn tiếp tục nổi sóng lớn.
Giao dịch chứng khoán sáng 15/6: Sóng penny vẫn lớn

Mặc dù có một số dự báo cho rằng thị trường đã xuất hiện dấu hiệu phân phối đỉnh nhưng trên thực tế, sau quãng thời gian dài liên tục trong 2 tháng rưỡi qua - thị trường gần như không có nhịp điều chỉnh nào đáng kể, thì phiên giảm mạnh ngày 11/6 cũng không quá bất ngờ.

Thị trường không thể tăng mãi mà không có sự điều chỉnh nên việc quay đầu giảm sớm muộn gì cũng sẽ xẩy ra, vấn đề là sự điều chỉnh giảm tự nhiên hay có chủ đích, hiện có xác suất ngang nhau.

Tuy nhiên, những diễn biến thiếu tích cực trong 2 phiên cuối tuần đã khiến thị trường quay đầu giảm sau 5 tuần liên tiếp tăng điểm. Kết thúc tuần, chỉ số VN-Index giảm 2,5% và dừng chân tại mốc 863,52 điểm, còn HNX –Index giảm 1% xuống 116,91 điểm.

Theo ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK BVSC, rủi ro đối với thị trường trong tuần tới vẫn đang hiện hữu, đặc biệt là khi thị trường quay lại thử thách các vùng kháng cự mạnh như 883-891 hay 900-920 điểm. Hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs và ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 6 có thể sẽ khiến cho thị trường xuất hiện các phiên biến động mạnh về cuối tuần.

Ngoài ra, trong thời gian tới, các thông tin đồn đoán về kết quả lợi nhuận quý II của các doanh nghiệp sẽ bắt đầu xuất hiện và có thể tạo ra những hiệu ứng không tích cực lên diễn biến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết, bởi nhiều khả năng triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ kém khả quan trong quý II do chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 15/6, mặc dù tâm lý nhà đầu tư thận trọng khiến dòng tiền tham gia có phần suy yếu nhưng những tín hiệu tích cực từ một số bluechip đã giúp thị trường hồi phục sắc xanh.

Tuy nhiên, đà tăng khá yếu khiến chỉ số VN-Index chỉ kịp nhích nhẹ và nhanh chóng quay đầu đi xuống trước áp lực bán gia tăng. Sắc đỏ lan rộng trên bảng điện tử cùng sự suy giảm của phần lớn các mã trong nhóm VN30 khiến VN-Index bị đẩy xuống dưới mốc 855 điểm.

Và ngay khi thủng ngưỡng kháng cự trên, lực cầu bắt đáy nhập cuộc tích cực đã giúp thị trường bật ngược đi lên. Chỉ số VN-Index dần thu hẹp biên độ giảm và hướng về mốc tham chiếu.

Điểm đáng chú ý là dù thanh khoản sụt giảm cùng những dự báo không mấy tích cực về nhóm cổ phiếu nhỏ tăng nóng, nhưng trong phiên sáng nay, đợt sóng tăng của các mã này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Bên cạnh HQC tiếp tục trạng thái dư mua trần chất đống tới hơn 16 triệu đơn vị, các mã DLG, SJF, EVF, RSC, FIT, TGG tiếp tục tăng trần. Các mã ITA, ROS, FLC, HHS, SCR, DXG, JVC cũng khởi sắc.

Thị trường biến động giằng co nhẹ quanh mốc 860 điểm trong nửa thời gian còn lại của phiên sáng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 151 mã tăng và 201 mã giảm, VN-Index giảm 4,99 điểm (-0,58%), xuống 858,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 250,52 triệu đơn vị, giá trị 3.496,62 tỷ đồng, giảm 41,39% về khối lượng và 30,21% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (12/6). Giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,3 triệu đơn vị, giá trị 558,17 tỷ đồng.

Dòng bank diễn biến phân hóa và các mã lớn vẫn giao dịch không mấy tích cực như VCB -1,8% xuống 84.100 đồng/Cp, BID -1,9% xuống 41.700 đồng/CP, trong khi đó, STB có thời điểm được kéo trở lại trần và chốt phiên +3% lên 12.150 đồng/CP, HDB sau thông qua kế hoạch chia cổ tức và cổ phiếu thưởng 65% đã tăng khá tốt +3% lên 27.700 đồng/CP.

Bên cạnh đó, một số bluechip khác cũng le lói sắc xanh nhạt như BVH, SAB, VRE, NVL, POW.

Trái lại, “ông lớn” VNM mở cửa hồi phục khá tốt sau 3 phiên điều chỉnh, nhưng áp lực bán vẫn khiến cổ phiếu này chưa thoát khỏi sắc đỏ khi -0,8% xuống 117.000 đồng/CP. Ngoài ra, các mã lớn khác như VHM, VIC, GAS, PLX cũng giảm nhẹ trên dưới 1%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, ROS sau 3 phiên giảm sàn hoặc sát sàn đã hồi nhẹ khi +1,3% lên 3.050 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh 20,18 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau STB khớp 21,33 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã nhỏ khác như DLG, HQC, SJF, EVG… vẫn giữ sắc tím.

Trên sàn HNX, diễn biến chủ đạo là giằng co nhẹ quanh tham chiếu với sự phân hóa mạnh trên bảng điện tử. Kết phiên, HNX-Index tạm mất điểm do một số cổ phiếu lớn nới rộng đà giảm.

Theo đó, ACB -1,22% xuống 24.200 đồng; PVI -1,9% xuống 30.300 đồng; PVS -1,6% xuống 12.300 đồng; NVB -2,3% xuống 8.400 đồng; CEO -3,1% xuống 9.400 đồng; MBS -1,9% xuống 10.300 đồng; AMV -2,8% xuống 17.100 đồng; TVC giảm sàn xuống 17.100 đồng.

Tăng điểm lác đác còn SHB +1,3% lên 16.200 đồng; SHS +0,8% lên 12.900 đồng; TAR +1% lên 21.000 đồng; HUT +3,7% lên 2.800 đồng; và sắc tím tại một số mã nhỏ như MST, ACM, HKB, SPI.

Thanh khoản cao nhất sàn là HUT với hơn 4,85 triệu đơn vị khớp lệnh; MBG có 3,9 triệu đơn vị; SHB có 3,46 triệu đơn vị; PVS có 2,76 triệu đơn vị; MST có 2,5 triệu đơn vị…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 38 mã tăng và 52 mã giảm, HNX-Index giảm 0,45 điểm (-0,39%), xuống 116,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37,2 triệu đơn vị, giá trị 330,84 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,47 triệu đơn vị, giá trị 51,9 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số Up-Index mờ cửa tích cực, nhưng sau đó bất ngờ đảo chiều khá nhanh xuống dưới tham chiếu, nhưng với việc các mã lớn nới đà đi lên đã kéo chỉ số trở lại sắc xanh.

Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao đa số tăng như LPB, BSR, OIL, C4G, PXL, VIB, VRG, CTR, QNS, ACV, DVN…

Trong đó, LPB giao dịch đột biến sau thông tin muốn chuyển sang niêm niêm yết trên HOSE trong năm nay với hơn 9,56 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 7,1% lên 9.100 đồng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,17%), lên 56,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,39 triệu đơn vị, giá trị 178,31 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,1 triệu đơn vị, giá trị 1,36 tỷ đồng.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục