Trong phiên hôm qua, VN-Index giao dịch tích cực ngay khi mở cửa và có thời điểm đã tăng vọt 20 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh cùng áp lực bán có dấu hiệu gia tăng sau đó đã khiến thị trường hạ nhiệt.
Sự chững lại thấy rõ của thị trường và tâm lý thận trọng quay trở lại sau giờ nghỉ trưa đã thêm một lần kéo chỉ số đi xuống, nhưng may mắn đóng cửa vẫn tăng khá và vượt lên mốc 765 điểm.
Theo nhận định của TVSI thì thanh khoản giảm phiên thứ 2 liên tiếp xuống mức bình quân 20 phiên gần nhất cho thấy sự thận trọng của dòng tiền. Yếu tố này nếu không có sự cải thiện sẽ gây áp lực lên nhịp tăng giá của thị trường.
Trong ngắn hạn, chỉ số vẫn đang nhịp hồi phục với mục tiêu là vùng giá 780-810 điểm. Khả năng tiến xa hơn ở nhịp tăng giá này hiện không được đánh giá cao, trong khi đó rủi ro điều chỉnh đang có sự gia tăng.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 14/4, thị trường mở cửa tăng điểm và leo dần lên sát 770 điểm sau hơn 20 phút nhờ sự hưng phấn từ sớm của VPB và VRE, khi nhanh chóng tăng kịch trần, cùng FPT tăng tốt nhờ thông tin chia cổ tức bằng cả tiền và cổ phiếu theo tỷ lệ tổng cộng 25%.
Mặc dù vậy, đà tăng của VN-Index nhanh chóng bị chặn lại với áp lực bán bỗng gia tăng mạnh, khiến nhiều bluechip hạ độ cao, kể cả VRE, VPB, và thậm chí không ít đã đảo chiều xuống sắc đỏ, khiến VN-Index dần lùi xuống và thủng tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.
Một số cổ phiếu đáng chú ý trong nửa đầu phiên sáng nay có BMI, GEX, TCM, MSH, TNA khi đều có thanh khoản được cải thiện và đều có thời điểm chạm mức giá trần.
Trái lại, ROS vẫn bị bán mạnh và giảm khá sâu, đi cùng thanh khoản dẫn đầu sàn HOSE.
Thủng tham chiếu vào giữa phiên và chỉ khi xuống gần 755 điểm, chỉ số VN30 mới bật lại về cuối phiên, nhưng chỉ lên gần được 760 điểm, do áp lực bán trên diện rộng vẫn thường trực duy trì trên bảng điện tử.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 101 mã tăng và 242 mã giảm, VN-Index giảm 6,76 điểm (-0,88%), xuống 759,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 144,75 triệu đơn vị, giá trị 2.169,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% về khối lượng nhưng giảm 10% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,3 triệu đơn vị, giá trị 214 tỷ đồng.
Nhóm các cổ phiếu lớn và bluechip tại rổ VN30 đa số đảo chiều giảm giá với 25 mã đỏ khi kết phiên, trong đó, giảm đáng kể có VJC -4,4% xuống 110.600 đồng; PLX -3,1% xuống 39.100 đồng; GAS -2,9% xuống 66.000 đồng; VCB -2,5% xuống 69.000 đồng; HDB -2,3% xuống 19.750 đồng.
Các mã lớn khác như BID, CTG, MSN, CTB, NVL, MWG, PNJ, CTD mất từ 1 đến gần 2%.
Tăng điểm chỉ còn VPB +4% lên 20.750 đồng; VRE từ sắc tím lùi xuống chỉ còn +1,2% lên 25.750 đồng; SAB +1,6% lên 143.200 đồng; FPT +2,8% lên 47.800 đồng; POW +2,3% lên 9.000 đồng.
Thanh khoản kể trên POW cao nhất với hơn 6,23 triệu đơn vị khớp lệnh; VPB có 5,55 triệu đơn vị; HPG có 4,5 triệu đơn vị và đứng tham chiếu; CTG, STB, MBB, SSI, FPT, VRE có từ 1,85 triệu đến 3,9 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thị trường đa số cũng mất điểm, trong đó ROS thanh khoản cao nhất HOSE với hơn 10,66 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên ROS -5,1% xuống 3.870 đồng.
Các cổ phiếu đi ngược xu hướng thị trường có BMI, DRH, TCM, GEX, MSH, TTF, ASM, HAX, HDG, TNI, HCD…trong đó, đáng kể là sắc tím được bảo toàn bị BMI tại 44.900 đồng và GEX +4% lên 15.600 đồng sau thông tin đưa ra ngày bắt đầu giao dịch mua 29 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ.
Trên sàn HNX, sau nửa đầu phiên giằng co nhẹ quanh tham chiếu, chỉ số HNX-Index cũng đuối sức và chìm sâu hơn trong sắc đỏ cho đến hết phiên.
Sự phân hóa mạnh cũng diễn ra, tuy nhiên các mã tăng phần lớn là các mã vừa và nhỏ như sắc tím tại TNG, PVX, MPT cùng MBG +3,3%; NDN +0,6%; TAR +3,8%.
Trong khi đó, các mã lớn đa số giảm như SHB -2,8% xuống 17.300 đồng; PVS -1,6% xuống 12.100 đồng; PVI -1,6% xuống 30.300 đồng; VCG -0,8% xuống 24.500 đồng; VCS -0,5% xuống 56.800 đồng; SHS -1,1% xuống 8.900 đồng; CEO -1,5% xuống 6.700 đồng; PVB -2,4% xuống 12.300 đồng;
Còn lại, ACB, NVB cùng các mã nhỏ KLF, ART, KSD đứng tham chiếu.
Thanh khoản trên sàn SHS cao nhất với hơn 3,3 triệu đơn vị khớp lệnh; PVS có 2,4 triệu đơn vị; SHB có 2,22 triệu đơn vị; PVX có 2 triệu đơn vị; TNG có 1,8 triệu đơn vị; ACB có gần 1,7 triệu đơn vị …
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 27 mã tăng và 60 mã giảm, HNX-Index giảm 0,91 điểm (-,0,85%), xuống 106,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,9 triệu đơn vị, giá trị 296,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,55 triệu đơn vị, giá trị 60,4 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index giữ được sắc xanh nhạt chỉ trong gần 1 giờ đồng hồ sau khi mở cửa và cũng nhanh chóng lùi xuống dưới tham chiếu và kết phiên ở mức thấp nhất.
2 mã thanh khoản cao nhất đều giảm là BSR -5,2% xuống 5.500 đồng, khớp hơn 2,65 triệu đơn vị và LPB -1,5% xuống 6.400 đồng, khớp hơn 1,09 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,39 điểm (-0,76%), xuống 50,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,11 triệu đơn vị, giá trị 100,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.