Tiền mới kỳ vọng chảy tiếp vào thị trường

(ĐTCK) Lâu nay, khối nội thường đóng vai trò dẫn dắt trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đợt hồi phục của chỉ số VN-Index vừa qua, vai trò này càng trở nên rõ nét.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Bước sang tháng 4, chỉ số VN-Index giao dịch khởi sắc hơn, thanh khoản trung bình trong 7 phiên là 288 triệu cổ phiếu/phiên, trong khi 10 phiên giao dịch cuối tháng 3, thanh khoản bình quân phiên là 242,5 triệu cổ phiếu, tức thanh khoản gần đây tăng 18,8% so với giai đoạn trước đó.

Dòng tiền tham gia giao dịch tích cực hơn đã giúp chỉ số VN-Index trong phiên cuối tuần qua (10/4) tăng 14,4%, chỉ số VN30 tăng 13,91% so với đầu tháng.

Tiền mới kỳ vọng chảy tiếp vào thị trường ảnh 1

Ðà hồi phục của thị trường chứng khoán diễn ra trên diện rộng. Trong đó, đà tăng của nhóm cổ phiếu thủy sản, dệt may, chứng khoán có sự vượt trội so với nhiều ngành khác.

Tuy nhiên, đóng góp tích cực cho sự hồi phục vẫn đến từ nhóm cổ phiếu trụ như VHM, VIC, BID, VCB, GAS, VNM…

Sự khởi sắc của dòng tiền đến từ nhà đầu tư trong nước, trong khi nhà đầu tư ngoại vẫn liên tục bán ra với giá trị lớn.

Cụ thể, kể từ ngày 1/4 tới 9/4, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 10,1 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, tương ứng với giá trị bán ròng 1.939,5 tỷ đồng.

Ðặc biệt trong phiên 6/4, khối này đã bán ròng 670 tỷ đồng trên HOSE. Phiên giao dịch cuối tuần qua, khối ngoại tiếp tục bán ròng 60,31 tỷ đồng trên HOSE.

Ðà tăng của chỉ số cùng nhịp với các chỉ số chứng khoán toàn cầu. Trong cùng thời gian, chỉ số Dow Jones của Mỹ đã tăng trên 23,7%, FTSE 100 của Anh tăng 17%, chỉ số Shanghai của Trung Quốc tăng 5,9%, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 17,5% và chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 27,2%…

Số ca nhiễm mới dịch bệnh Covid-19 tại châu Âu và Mỹ suy giảm và có dấu hiệu chạm đỉnh dịch giống như tại Trung Quốc, Hàn Quốc thời gian trước, cộng với việc chính phủ các nước tung ra nhiều gói cứu trợ nền kinh tế với quy mô “khủng” đã khiến giới đầu tư kỳ vọng vào việc dịch bệnh được kiểm soát trong thời gian không xa và hoạt động sản xuất - kinh doanh dần được khôi phục lại.

Diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu những ngày qua phần nào đã phản ánh kỳ vọng đó.

Ở trong nước, ngoài câu chuyện dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt, thì kỳ vọng dòng tiền mới vào thị trường chứng khoán đã giúp các nhà đầu tư thêm tự tin.

Ngoài các doanh nghiệp công bố kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, lãnh đạo doanh nghiệp mua thêm cổ phiếu với tổng giá trị đăng ký lên tới 6.000 tỷ đồng. Công ty TNHH Ðầu tư SCIC đăng ký mua vào hàng triệu cổ phiếu FPT.

Mới đây, Tổng công ty Ðầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có văn bản kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho SCIC liên quan tới đầu tư tài chính.

Theo đó, SCIC muốn được cho phép dùng nguồn vốn hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Ðiều này giúp nhà đầu tư trong nước có thêm niềm tin về khả năng bổ sung dòng tiền mới vào thị trường sau giai đoạn cổ phiếu bị bán tháo mạnh và hiện ở mức định giá thấp trong nhiều năm (theo dữ liệu Bloomberg tính tới ngày 10/4, hệ số P/E của VN-Index là 11,85 lần, thấp hơn mức đỉnh tháng 4/2018 là 22 lần).

Có thể thấy, sau giai đoạn cổ phiếu giảm sâu, cổ phiếu Việt Nam mặc dù vẫn bị khối ngoại tiếp tục bán ra, nhưng nhờ các thị trường chứng khoán thế giới hồi phục, cũng như những dòng tiền mới từ doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ, lãnh đạo, người liên quan mua vào cổ phiếu doanh nghiệp mình và đặc biệt SCIC đang trình Chính phủ khả năng giải ngân trực tiếp trên sàn, giới đầu tư trong nước bắt đầu quay trở lại mua vào các cổ phiếu có nền tảng tốt và tỷ lệ tiền mặt cao để kỳ vọng sóng hồi phục sau giai đoạn quá bán kéo dài.

Các chỉ báo thị trường chạm đáy bật tăng và bắt đầu hồi phục dần. Kỳ vọng đà hồi phục này sẽ vẫn tiếp diễn sau một vài phiên rung lắc khi nhà đầu tư ngắn hạn chốt lời T+.               

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục