Giao dịch chứng khoán sáng 14/3: VN-Index rơi mạnh, tài khoản nhà đầu tư bị "bào mòn"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán diễn ra trên diện rộng khiến thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ với tất cả các nhóm ngành đều giảm giá. Không có bán tháo với tình trạng hàng loạt mã nằm sàn, nhưng nhiều dòng cổ phiếu từ bất động sản, ngân hàng, chứng khoán... đang giảm dần đều khiến tài khoản không ít nhà đầu tư bị "bào mòn" thấy rõ.
Giao dịch chứng khoán sáng 14/3: VN-Index rơi mạnh, tài khoản nhà đầu tư bị "bào mòn"

Thị trường vừa trải qua một tuần giao dịch khá thất thường với những phiên tăng giảm xen kẽ nhau bởi những ảnh hưởng của tình hình chiến sự của quốc tế. Đáng chú ý là phiên cuối tuần ngày 11/3, việc để mất trụ khiến áp lực bán trên toàn thị trường lan rộng và chỉ số VN-Index đã thủng biên dưới khung đi ngang kéo dài hơn 3 tuần qua (1.480 – 1.510 điểm).

Đây là tín hiệu khá xấu cho xu hướng hồi phục, thể hiện tín hiệu điều chỉnh đang được củng cố khi áp lực bán đang lớn dần qua từng phiên. Đặc biệt, trong tuần này, có nhiều thông tin có thể ảnh hưởng tới chứng khoán sẽ diễn ra, đáng chú ý là gần như Fed sẽ tăng lãi suất, và châu Âu cũng có những động thái tương tự báo hiệu chu kỳ tiền rẻ chấm dứt, kinh tế toàn cầu phải chống chọi với lạm phát.

Về mặt kỹ thuật, vùng hỗ trợ cho VN-Index gần nhất nằm ở khu vực 1.425-1.450 điểm, và phiên sáng nay, chỉ số đã nhanh chóng rơi vào vùng hỗ trợ này. Lực mua bắt đáy xuất hiện, nhưng tỏ ra khá yếu ớt.

Về chi tiết phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 14/3, lực bán vẫn khá lớn và lan rộng khiến thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa khiến VN-Index tiếp tục thủng mốc 1.460 điểm.

Mặc dù sau đó VN-Index có hồi phục và biến động nhẹ quanh vùng 1.460 điểm, nhưng áp lực bán khá lớn và lan tỏa thị trường khiến chỉ số chung trở lại trạng thái giật lùi. Sau gần 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index để mất gần 12 điểm và lùi về sát mốc 1.450 điểm.

Trên bảng điện tử, hiện số mã giảm đã gấp hơn 3 lần số mã tăng, trong đó, nhóm VN30 cũng bao phủ trên diện rộng bởi sắc đỏ.

Trong đó, các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, chứng khoán hầu hết không nằm ngoài xu hướng chung với phần lớn đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, thị trường vẫn có những điểm sáng đi ngược xu hướng chung khá thành công. Điển hình như dòng bank với KLB sau phiên tăng khá tốt cuối tuần trước đã bứt mạnh và dễ dàng leo lên mức giá trần trong phiên sáng nay khi tăng 15% lên mức 34.500 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu thép có phần tích cực hơn khi được khoác lên mình sắc xanh, dù biên độ tăng vẫn còn khá hạn chế, chỉ trên dưới 1%, trong đó mã đầu ngành HPG nhích nhẹ 0,2%.

Xét về nhóm ngành, cổ phiếu gỗ vẫn là điểm sáng của thị trường với GTA tiếp tục duy trì đà tăng trần, TTF có thời điểm áp sát mức giá trần và hiện đang tăng hơn 2% với thanh khoản dẫn đầu thị trường, GDT tăng trên dưới 2%...

Trái lại, nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục bị xả bán mạnh sau đợt tăng nóng. Trong đó, GAS, PLX, PVD, PVS giảm trên dưới 3%, BSR giảm hơn 4%, PVB và PVC có thời điểm nằm sàn…

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu phân bón bị chốt lời mạnh cũng đồng loạt quay ra điều chỉnh, trong đó VAF giảm sàn, TSC giảm sát sàn, DCM, DPM và LAS cùng giảm nhẹ...

Lực bán mạnh diễn ra trên diện rộng khiến thị trường tiếp tục lùi sâu. Chỉ số VN-Index duy trì trạng thái giảm mạnh dưới ngưỡng 1.450 điểm trong gần 1 giờ cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 382 mã giảm và chỉ còn 71 mã tăng, VN-Index giảm 20,56 điểm (-1,5%) xuống 1.445,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 490,54 triệu đơn vị, giá trị 15.282,61 tỷ đồng, tăng 6,64% về khối lượng và 5,9% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 11/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 22,75 triệu đơn vị, giá trị gần 870 tỷ đồng.

Nhóm VN30 có diễn biến tiêu cực khi tiếp tục xuyên thủng vùng hỗ trợ ở đáy 5 tháng, vùng 1.467 – 1.477 điểm. Tạm dừng phiên sáng nay, chỉ số VN30 để mất hơn 15 điểm xuống mốc 1.461 điểm khi có tới 26 mã giảm và chỉ còn 3 mã giữ được sắc xanh.

Trong đó, cổ phiếu hàng không VJC đi ngược xu hướng chung khi đảo chiều hồi phục mạnh và chốt phiên ghi nhận mức tăng 5,2% lên 145.700 đồng/CP. Cổ phiếu cùng ngành là HVN cũng đã giao dịch khởi sắc khi chốt phiên tăng 2,52% lên mức 26.450 đồng/CP cùng thanh khoản sôi động, đạt hơn 3.34 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở chiều ngược lại, các đại diện lớn của các nhóm cổ phiếu dầu khí, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm dẫn đầu mức giảm như GAS giảm 4,1%, SSI giảm 3,9%, GVR giảm 3,2%, BVH giảm 2,8%...

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không nằm ngoài xu hướng chung khi hàng loạt mã đều giật lùi về cuối phiên. Cụ thể, HAG giảm 3,2%, FLC giảm 2,4%, ROS giảm 2,8%, ITA giảm 4,4%, HNG giảm 3,4%, HHS giảm 5,9%, TSC giảm 6,4%...

Tuy nhiên, vẫn có những mã lội ngược dòng thành công, điển hình là TTF tiếp tục có phiên giao dịch khởi sắc khi tăng 3%, chốt phiên sáng nay đứng tại mức giá 17.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 9,93 triệu đơn vị; DRH, NVT tăng trần.

Xét về nhóm ngành, dòng bank hầu hết đều mất điểm, ngoại trừ MBB, STB và SHB nhích nhẹ trên dưới 0,5% và EIB tăng 1,55%. Tuy nhiên, mức giảm của các cổ phiếu không quá lớn với biên độ chỉ trên dưới 1%, trong đó có OCB, LPB, VIB giảm hơn 1%.

Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, sắc đỏ cũng phủ kín ngoại trừ ORS đi ngược xu hướng với thông tin được lọt rổ VNM ETF trong kỳ cơ cấu quý I. Chốt phiên sáng nay, ORS tăng 3,91% lên mức 26.600 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, gấp 3-4 lần so với cả phiên giao dịch trong thời gian gần đây, đạt 3,24 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thép sau tín hiệu le lói sắc xanh đầu phiên cũng đồng loạt quay đầu điều chỉnh. Trong đó, HPG giảm 1,6%, NKG và HSG giảm nhẹ hơn 0,5%, còn TLH, POM, SMC giảm trên dưới 2,5%.

Nhóm bất động sản cũng không mấy khả quan, trong đó các mã lớn VHM và VIC giảm nhẹ, BCM giảm tới gần 5%, DIG, PDR, KDH, VCG, TCH, HDG… đều giao dịch trong sắc đỏ. Ngoại trừ một số mã như BCG, DXG, NLG, HDC… xanh nhạt.

Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục sụt giảm mạnh. Bên cạnh GAS giảm sâu, PLX giảm 2,8% xuống mức 56.400 đồng/CP, PVD giảm 3,2% xuống vùng giá thấp nhất trong phiên, tại 35.900 đồng/CP.

Các cổ phiếu phân bón cũng lùi sâu với DCM giảm 3,44%, DPM giảm hơn 3%, VAF giảm 5%, TSC giảm 6,38%...

Trên sàn HNX, thị trường cũng nới rộng đà giảm về cuối phiên do áp lực bán dâng cao.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 51 mã tăng và 185 mã giảm, HNX-Index giảm 6,43 điểm (-1,45%) xuống 435,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 80,91 triệu đơn vị, giá trị 2.167,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,19 triệu đơn vị, giá trị 421,58 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 cũng chỉ còn 3 mã giữ sắc xanh gồm HUT tăng 3,8% lên 38.300 đồng/CP, CEO tăng 0,6% lên 64.800 đồng/CP, NVB tăng 0,3% lên 30.700 đồng/CP.

Trái lại, có tới 25 mã mất điểm. Trong đó, các mã thuộc nhóm ngành hàng hóa giảm sâu nhất như PVC nằm sàn, PVB thoát giá sàn và chốt phiên giảm 7,7% xuống mức 22.700 đồng/CP, LAS giảm 6,7% xuống 22.400 đồng/CP, NBC giảm 6% xuống 20.500 đồng/CP.

Đáng kể, một số mã lớn như PVS giảm 4,1% xuống mức 35.400 đồng/CP, SHS giảm 3,6% xuống 39.800 đồng/CP, IDC giảm 2,9% xuống 67.300 đồng/CP, THD giảm 1,5% xuống 168.600 đồng/CP…

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng bị xả bán mạnh với các mã như KVC, ITQ nằm sàn, KLF giảm 1,5%, ART giảm 5,6%, BII giảm 4,6%, AMV giảm 3,9%...

Xét về nhóm ngành, bên cạnh các nhóm chính như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí đồng loạt mất điểm, nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng – xi măng lại có phiên khởi sắc với các mã BCC, HOM, BTS, QNC, CCM, SCJ tăng khá tốt.

Về thanh khoản, cổ phiếu PVS giao dịch vượt trội với khối lượng khớp lệnh đạt 11,78 triệu đơn vị, trong khi đứng thứ 2 là HUT khớp lệnh hơn 3,91 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau nửa đầu phiên rung lắc thị trường cũng quay đầu giảm điểm.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,63 điểm (-0,55%) xuống 114,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 58,57 triệu đơn vị, giá trị 1.316,18 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chỉ đóng góp hơn 2 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí và phân bón bị bán mạnh, điển hình như BSR giảm 5,8% xuống mức 26.100 đồng/CP và khớp 16,5 triệu đơn vị, OIL giảm 7,4% xuống mức 18.900 đồng/CP và khớp gần 3,3 triệu đơn vị, DDV giảm 8,2% xuống mức 30.100 đồng/CP và khớp 3,59 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều mã đáng chú khác cũng giảm mạnh như C4G giảm 3,9%, MSR giảm 5,8%, G36 giảm 4%..

Các cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt giảm điểm dù không quá lớn, chủ yếu 1-2%, ngoại trừ điểm sáng KLB lội ngược dòng ngoạn mục khi tăng kịch trần và chốt phiên đứng tại mức giá 34.500 đồng/CP.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục