Giao dịch chứng khoán sáng 1/4: Bluechip dẫn dắt VN-Index vượt mốc 1.500 điểm, họ FLC được giải cứu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số VN30-Index bứt tốc mạnh trong 3 phiên gần nhất và đặc biệt trong sáng hôm nay (1/4) cho thấy sự dịch chuyển dòng tiền sang các mã cơ bản đang rõ nét. 
Giao dịch chứng khoán sáng 1/4: Bluechip dẫn dắt VN-Index vượt mốc 1.500 điểm, họ FLC được giải cứu

VN30-Index đang có đồ thị nến khá đẹp khi vượt đỉnh ngắn hạn 1.514 điểm để hướng tới vùng cản mạnh 1.540-1.575 điểm. Động lực cho nhóm này là các mã ngân hàng lớn đã phát tín hiệu tăng điểm, và phiên sáng nay có sự tham gia của một số mã bất động khác như VHM, GVR và đặc biệt là PNJ tăng thẳng đứng lên mức giá trần 118.200 đồng/CP.

Động lực của nhóm mã lớn khiến những lo ngại về tác động xấu từ những tin tức liên tiếp tới ngành chứng khoán được trôi qua nhanh. Cụ thể, chiều qua trong thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra TW, họp Kỳ thứ 13, nhiều lãnh đạo UBCK, Sở GDCK TP.HCM, Sở GDCK Hà Nội và Trung tâm lưu ký bị xem xét kỷ luật do để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

Nhưng diễn biến giao dịch sáng nay cho thấy, thị trường chỉ chịu tác động lúc đầu giờ mở cửa, sự khởi sắc của nhóm bluechip đã giúp các nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu yên tâm hơn.

Diễn biến chi tiết giao dịch phiên sáng nay, ngay khi VN-Index để thủng mốc 1.485 điểm sau hơn 40 phút giao dịch, lực cầu mạnh được kích hoạt đã giúp thị trường bật ngược đi lên và đã lấy lại sắc xanh. Trong đó, đà tăng mạnh của MWG đã lan sang toàn nhóm VN30 là động lực chính kéo VN-Index bật tăng.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, nhóm VN30 có tới 20 mã tăng, gấp đôi số mã giảm. Trong đó, MWG vẫn tăng tốt nhất với biên độ trên dưới 5%, PNJ tăng 4%, FPT và MSN cùng tăng hơn 2%.

Dòng bank cũng khởi sắc hơn với sắc xanh có phần chiếm ưu thế, dù biên độ tăng không quá lớn chỉ trên dưới 1%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, họ FLC vẫn chưa xuất hiện lực cầu bắt đáy với cặp FLC và ROS tiếp tục dư bán sàn lớn vài chục triệu cổ phiếu, trong khi AMD và HAI chưa thể thoát khỏi sắc đỏ khi lực cầu bắt đáy chưa đủ thắng thế bên bán ra.

Bên cạnh họ FLC, nhà đầu tư nắm giữ “cổ phiếu hoa hậu” NVT cũng không mấy khả quan hơn đón nhận phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp sau chuỗi ngày dài tăng trần.

Cổ phiếu nóng HQC đã được giải cứu sáng nay sau khi “nhúng xuống” giá sàn. Tuy nhiên, áp lực bán vẫn khá lớn khiến HQC chưa thể thoát khỏi phiên giảm sâu. Hiện HQC vẫn để mất hơn 5% và đang giao dịch tại mức giá 8.240 đồng/CP.

Dòng tiền sôi động từ nhóm cổ phiếu bluechip đã lan rộng ra thị trường giúp VN-Index tăng tốc, vượt xa ngưỡng kháng cự mạnh 1.500 điểm cùng thanh khoản thị trường tăng vọt.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 244 mã tăng và 203 mã giảm, VN-Index tăng 14,07 điểm (+0,94%), lên 1.506,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 489,3 triệu đơn vị, giá trị 14.738,5 tỷ đồng, tăng 26,1% về khối lượng và 16,74% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,92 triệu đơn vị, giá trị 476,24 tỷ đồng.

Nhóm VN30 là điểm sáng thị trường khi tăng hơn 22 điểm và lấy lại mốc 1.530 điểm khi có tới 26 mã tăng và chỉ còn 4 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu là PDR, VJC, KDH và GAS giảm trên dưới 1%.

Trong số mã tăng, đáng chú ý là cú lội ngược dòng ngoạn mục của PNJ khi mở cửa trong sắc đỏ và đã đảo chiều tăng kịch trần nhờ lực cầu mạnh. Chốt phiên, dù không còn giữ sắc tím nhưng PNJ đã giao dịch bùng nổ khi tăng 6,5% lên mức 117.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, đạt hơn 3 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều mã bluechip khác tăng mạnh như MWG tăng 4,9% lên 153.000 đồng/CP, SAB tăng 3,6% lên 164.700 đồng/CP, BVH tăng 3,3% lên 63.500 đồng/CP, MSN tăng 3,1% lên 146.600 đồng/CP…

Cổ phiếu đột biến trong phiên hôm qua là VNM sau nhịp rung lắc cũng đã khởi sắc trở lại khi chốt phiên tăng 1,4% lên mức 82.000 đồng/CP và khớp hơn 4,52 triệu đơn vị.

Ở nhóm thị trường, điểm nóng vẫn thuộc về họ FLC. Sau 4 phiên liên tiếp bị bán tháo, cuối phiên sáng nay, họ FLC đã đồng loạt nhận được tín hiệu tích cực.

Cụ thể, cặp AMD và HAI đã đảo chiều hồi phục thành công khi chốt phiên cùng tăng hơn 3%. Đặc biệt là FLC và ROS, lệnh mua bắt đáy với khối lượng lớn đã xuất hiện khi chỉ trong khoảng 10 phút giao dịch, hàng chục triệu đơn vị đã được khớp lệnh thành công.

Bên cạnh lực cầu bắt đáy nhập cuộc, một lượng lớn cổ phiếu bị xả bán cũng đã được rút lệnh giúp khối lượng dư bán sàn của ROS và FLC cùng giảm mạnh. Chốt phiên sáng nay, ROS dẫn đầu thanh khoản thị trường khi khớp hơn 24,55 triệu đơn vị và chỉ còn dư bán sàn 18,77 triệu đơn vị, giảm tới gần 70% so với thời điểm đầu phiên; còn FLC khớp 22,38 triệu đơn vị và dư bán sàn cũng đã giảm khoảng 1/2 xuống còn 38,2 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, có thể nói dòng bank đang nhận được sự tham gia của dòng tiền lớn giúp đồng loạt các mã đều khoe sắc xanh. Trong đó, VPB là tâm điểm khi đảo chiều thành công, trở thành mã tăng tốt nhất ngành với biên độ 2,82%, chốt phiên đứng tại mức 38.250 đồng/CP cùng khối lượng khớp lệnh lên tới 24,33 triệu đơn vị. Các mã VIB và TPB cũng tăng hơn 2%; BID, TCB, CTG, LPB tăng hơn 1%...

Nhóm cổ phiếu thép cũng giao dịch khởi sắc sau nhịp điều chỉnh đầu phiên, dù đà tăng còn khá hạn chế. Trong đó, cặp đôi lớn HPG và HSG đang tăng tốt nhất ngành, đều đạt hơn 1%, với giao dịch sôi động tại HPG khi khớp 11,53 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán giao dịch phân hóa với HCM, SSI, VCI, VDS, VIX, VND nhích nhẹ, còn TVB, TVS, FTS giảm nhẹ.

Nhóm thủy sản lấy lại sức nóng với ASM tăng 4,4%, CMX và VHC cùng tăng 3,8%, IDI tăng 3,5%...

Trên sàn HNX, sau nhịp giảm khá sâu đầu phiên, thị trường đã lấy lại thăng bằng khi biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 80 mã tăng và 144 mã giảm, HNX-Index giảm nhẹ 0,26 điểm (-0,06%) xuống 449,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 76 triệu đơn vị, giá trị 1.960,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,2 triệu đơn vị, giá trị 35,56 tỷ đồng.

Cổ phiếu LHC bất ngờ kéo vọt về cuối phiên, trở thành mã tăng tốt nhất trong rổ HNX30 với biên độ 3,5% và chốt phiên đứng tại mức giá 179.000 đồng/CP.

Tuy nhiên, đóng góp tích cực giúp thị trường cân bằng hơn là thành viên họ bank – NVB khi chốt phiên tăng 3,5% lên mức 38.000 đồng/CP.

Các mã bluechip giao dịch khởi sắc khác như TNG tăng 2,3%, TAR tăng 2%, MBS tăng 1,8%, CEO tăng 1,1%...

Trong khi đó, các mã dầu khí giao dịch không mấy khả quan, với PVC và PVB dù đã thoát giá sàn nhưng vẫn giảm khá sâu, lần lượt để mất 7,1% xuống 27.400 đồng/CP và giảm 4,3% xuống 22.400 đồng/CP, PVS giảm 2% xuống 34.000 đồng/CP.

Cổ phiếu IDC sau những phiên tăng tốt cũng đã quay đầu điều chỉnh do gặp áp lực chốt lời. Chốt phiên, IDC giảm 1,1% xuống 79.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 3,3 triệu đơn vị.

Điểm nhấn trên sàn HNX là cặp đôi nhà FLC gồm KLF và ART cũng được giải cứu. Trong đó, KLF có thời điểm được kéo lên giá trần và chốt phiên tăng 8% lên mức 5.400 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, dẫn đầu thị trường khi đạt 8,38 triệu đơn vị; còn ART tăng 7,5% lên mức 8.600 đồng/CP và khớp 3,6 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường chưa thoát khỏi sự điều chỉnh. Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,54 điểm (-0,46%) xuống 116,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 73,75 triệu đơn vị, giá trị 1.069,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,67 triệu đơn vị, giá trị 56,56 tỷ đồng.

Cổ phiếu dược DVN là tâm điểm đáng chú ý của thị trường. Sau nhịp đi ngang đầu phiên, áp lực xả bán ồ ạt đã khiến DVN đáp giá sàn. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy được kích hoạt đã giúp cổ phiếu này thu hẹp biên độ giảm. Chốt phiên, DVN giảm 6,3% xuống mức 23.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch tăng vọt, lên xấp xỉ 10,5 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu dầu khí vẫn chưa thoát khỏi xu hướng điều chỉnh, với PVX giảm 9,2% xuống mức 5.900 đồng/CP, BSR giảm 1,1% xuống 26.000 đồng/CP, OIL giảm 3,4% xuống 17.200 đồng/CP.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục