Sau khi lao dốc mạnh trong tháng 3, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự hồi phục mạnh mẽ trong tháng 4 với VN-Index tăng hơn 16%, thuộc một trong những thị trường hồi phục mạnh nhất thế giới trong tháng 4.
Đà tăng này tiếp tục duy trì khi thị trường bước vào tháng 5, dù thị trường chứng khoán có nhiều phiên chao đảo và khối ngoại liên tục bán ròng mạnh, nhưng chứng khoán trong nước vẫn tiếp tục tiến bước.
Sau phiên mở đầu tháng 5 điều chỉnh 0,86%, VN-Index đã có chuỗi 6 phiên tăng điểm liên tiếp sau đó với mức tăng 9,55%, vượt qua ngưỡng 830 điểm, qua đó ghi nhận mức tăng 8,61% kể từ đầu tháng 5.
Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch sáng nay, áp lực xả hàng đã diễn ra ồ ạt, đẩy hàng trăm mã giảm giá, sắc đỏ bao trùm bảng điện tử và khiến VN-Index xuống 815 điểm, giảm hơn 17 điểm.
Chứng khoán trong nước sáng nay giảm theo đà của chứng khoán thế giới khi phố Wall và các thị trường chính trong khu vực châu Á đồng loạt giảm điểm do lo ngại về đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2 khi các nước mở cửa trở lại nền kinh tế, trong đó có một số nước được cho là mở cửa hơi vội vàng như Mỹ.
Thực tế, ngay khi nới lỏng lệnh giãn cách, số ca nhiễm mới tại Đức, Hàn Quốc tăng đột biến trở lại, trong khi tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi khởi nguồn của đại dịch bất ngờ ghi nhận những ca nhiễm mới, buộc chính quyền thành phố này lệnh xét nghiệm toàn bộ hơn 11 triệu dân.
Theo các chuyên gia, việc vội vàng mở cửa trở lại nền kinh tế có thể tạo ra những ổ dịch mới với đợt bùng phát khó kiểm soát hơn nhiều, qua đó tác động tiêu cực tới nền kinh tế, khó có thể hồi phục trở lại.
Với những lo ngại trên, cùng với chuỗi tăng ấn tượng trước đó, việc nhà đầu tư trong nước ồ ạt xả hàng trong phiên sáng nay là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, sau ít phút đầu có chút hoảng loạn, lực cầu đã nhập cuộc để gom hàng giá thấp, giúp đà giảm của VN-Index hãm lại, số mã tăng nhiều dần, trong khi số mã giảm ít dần.
Lực cầu sau đó càng lúc càng mạnh, đẩy VN-Index lên trên tham chiếu trước khi đóng cửa giảm nhẹ.
Chốt phiên, VN-Index giảm 1,89 điểm (-0,23%), xuống 833,43 điểm với 192 mã tăng và 138 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 223,75 triệu đơn vị, giá trị 3.836,8 tỷ đồng, tăng 28% về lượng và 18,3% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 21,75 triệu đơn vị, giá trị 391 tỷ đồng.
Về các mã đơn lẻ, HSG là tâm điểm chú ý trong phiên sáng nay khi lội ngược dòng thị trường ngay từ đầu phiên và nhanh chóng được kéo thẳng lên mức trần 9.030 đồng với 7 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần lên tới 4 triệu đơn vị.
Cũng nổi sóng sáng nay là HBC khi đóng cửa ở mức trần 8.620 đồng, khớp 6,48 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn nửa triệu đơn vị.
Trong các mã bluechip, sau thời gian đầu phiên rung lắc, nhiều mã đã đảo chiều tăng trở lại, trong đó có nhiều mã tăng tốt như FPT (+5,92% lên 49.200 đồng), HVN (+3,9% lên 28.000 đồng), BVH (+3,41% lên 51.500 đồng), GVR (+2,4% lên 12.800 đồng), STB (+2,16% lên 9.910 đồng), TPB (+2,24% lên 20.500 đồng), MBB (+1,45% lên 17.450 đồng), HPG (+1,27% lên 23.950 đồng), PLX, VNM, PNJ cũng có sắc xanh khi chốt phiên sáng.
Trong khi đó, sắc đỏ vẫn duy trì tại VIC, VCB, VHM, SAB, CTG, MSN, TCB, VJC, VPB, VRE…, nhưng mức giảm đã được hãm lại khá nhiều. Ngoài trừ VIC giảm 2,58% xuống 94.500 đồng, VJC giảm 2,15% xuống 114.900 đồng, VHM giảm 1,9% xuống 72.100 đồng, VPB, VRE, EIB giảm hơn 1%, còn lại chỉ mức giảm trên dưới 0,5%.
Trong đó, STB là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 11,85 triệu đơn vị được khớp. MBB khớp hơn 6,8 triệu đơn vị, HPG khớp gần 5,85 triệu đơn vị…
Trong các mã nhỏ, ITA hồi phục từ sắc đỏ, đóng cửa tăng 4,21% lên 2.720 đồng, khớp 8,6 triệu đơn vị, chỉ đứng sau STB.
HQC, DLG, AMD, HAI… cũng có sắc xanh với thanh khoản khá tốt, trong khi ROS, FLC giảm giá, nhưng mức giảm không đáng kể. ROS khớp hơn 7 triệu đơn vị, FLC khớp hơn 3 triệu đơn vị.
Diễn biến trên sàn HNX cũng tương tự khi lực cung gia tăng mạnh ngay đầu phiên đẩy HNX-Index rơi thẳng đứng, nhưng sau đó chỉ số hồi phục lên trên tham chiếu và giữ được sắc xanh khi tạm nghỉ phiên sáng.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,12 điểm (+0,11%), lên 111,9 điểm với 63 mã tăng và 58 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,2 triệu đơn vị, giá trị 340 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2 triệu đơn vị, giá trị 31,8 tỷ đồng.
HUT là mã có thanh khoản nhất sáng nay trên HNX với hơn 7 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại bán ra gần 2,47 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa mã này vẫn lên trần 1.900 đồng.
KLF lại dao động từ sàn 1.800 đồng, lên trần 2.000 đồng, trước khi đóng cửa ở mức tham chiếu 1.900 đồng, khớp hơn 3 triệu đơn vị. Trong khi đó, PVX lại không thể thoát được mức giá sàn 900 đồng, đóng cửa khớp 1,9 triệu đơn vị.
Trong các mã bluechip, PVS đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 0,76% lên 13.000 đồng, khớp 3,8 triệu đơn vị. ACB trở lại được tham chiếu 21.800 đồng, khớp 2,3 triệu đơn vị. SHB tăng 0,58% lên 17.400 đồng.
Diễn biến UPCoM cũng tương tự 2 sàn niêm yết khi giảm mạnh đầu phiên, nhưng lực cầu tốt đã kéo chỉ số này hồi phục trở lại và đóng cửa với sắc xanh.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,26%), lên 53,77 điểm với 107 mã tăng và 47 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,6 triệu đơn vị, giá trị 162 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đón góp hơn 0,8 triệu đơn vị, giá trị 11 tỷ đồng.
BSR và LPB vẫn là 2 mã đứng đầu về thanh khoản trên UPCoM với tổng khớp trên 2 triệu đơn vị mỗi mã. Trong đó, BSR đứng giá tham chiếu 6.300 đồng, khớp 2,8 triệu đơn vị, còn LPB tăng 1,3% lên 7.800 đồng, khớp 2,8 triệu đơn vị.