Giao dịch chứng khoán phiên sáng 8/6: Thị trường vẫn trong mạch điều chỉnh, cổ phiếu nhỏ có niềm vui

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất chấp niềm vui chiến thằng 4-0 của đội tuyển Việt Nam tối qua, sáng nay thị trường vẫn tiếp nối nhịp điều chỉnh bình thường, khoác lên màu áo đỏ. Cổ phiếu đã tăng nóng chịu áp lực chốt lời và con sóng đang có dấu hiệu chuyển hướng tới nhóm cổ phiếu thị trường.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 8/6: Thị trường vẫn trong mạch điều chỉnh, cổ phiếu nhỏ có niềm vui

Những bất cập về bảng điện tử tiếp tục được thể hiện trong phiên sáng nay, nhà đầu tư sau cú sốc phiên sáng qua, có lẽ đã phải chấp nhận thực tế này. Tình trạng bán tháo không còn diễn ra dù tiếp tục phải "chơi cờ mù", thị trường có một phiên sáng điều chỉnh hợp lý nối tiếp nhịp giảm phiên đầu tuần.

Tâm điểm của phiên sáng nay vẫn là dòng cổ phiếu "bằng chứng thép" (ngân hàng, chứng khoán, thép) có bổ sung thêm nhóm dầu khí.

Cổ phiếu của các nhóm này, đã tăng mạnh trước đây và được xác định là nguyên nhân chính tạo ra tình trạng căng margin, có thêm nhịp "hạ cánh mềm". Những nhà đầu tư muốn giảm tỷ lệ đòn bẩy hoặc chốt lời, đều dễ dàng thực hiện được nhờ sức cầu vẫn khá tốt tuy ở vùng giá thấp.

Nhóm cổ phiếu trụ giúp thị trường không giảm sâu chủ yếu vẫn là các gương mặt ngày hôm qua như VJC, VHM, VIC, MSN, VNM..., tạo ra sự yên tâm đáng kể cho các nhà đầu tư. Đây là nhóm cổ phiếu mà đa số gần như không tăng hoặc có mức tăng thấp suốt 3 tháng vừa qua, nên kịch bản sụp đổ về giá khó diễn ra trong hoàn cảnh hiện nay, giúp giữ lửa cho thị trường qua nhịp điều chỉnh này.

Về mặt kỹ thuật, các phân tích cho thấy đợt điều chỉnh này của thị trường là bình thường và khả năng không lớn nếu không có những thông tin đột biến. Dòng tiền lớn vẫn ở lại thị trường, câu chuyện chính với các nhà đầu tư là tìm ra được sự luân chuyển của dòng tiền đó vào các nhóm nào.

Rất có thể các nhóm đang nhận điều chỉnh như ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí sẽ tìm lại được đà tăng sau vài phiên nữa. Nhưng cũng có thể dòng tiền theo cách truyền thống lan tỏa sang các nhóm chưa tăng giá hoặc dự báo kết quả kinh doanh nửa đầu năm tích cực. Hoặc cũng có thể như một cách bình thường, dòng tiền phiêu lưu tìm tới nhiều hơn các mã nhỏ, mã thị trường để có số nhân tài khoản bằng lần,...

Bảng treo, lệnh nghẽn, và không cho sửa, hủy lệnh là thực tế, dù chả ai thích nhưng không sửa đổi được, sự trích với đơn vị vận hành cũng chỉ đơn thuần là sự giải tỏa vì chính đơn vị này cũng không có một giải pháp hữu hiệu ngắn hạn cho 10-15 phiên tới.

Quay lại phiên giao dịch sáng nay 8/6, dư âm của phiên giảm hôm qua khiến VN-Index mở cửa với sắc đỏ nhạt. Tuy nhiên, lực mua nhanh chóng nhập cuộc đã giúp chỉ số này quay đầu tăng trở lại.

Dù vậy, hiện tượng phải đánh “cờ mù”, “loạn giá” tiếp tục diễn ra, khi phải tương đối lâu bảng giá mới nhấp nháy, giao dịch trở nên khó khăn, VN-Index và thanh khoản chính của thị trường vẫn đứng hình, không nhảy số như những ngày gần đây.

Về diễn biến của các mã, một số cổ phiếu đang có mức tăng tốt, hỗ trợ chính cho thị trường là VJC, VHM, SBT khi tăng từ 3% đến gần 4%, cùng VNM, MSN, VIC có sắc xanh tương đối vững ở gần 2%. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng khiến nhiều cổ phiếu quay đầu giảm giá.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thị trường lại phát dấu hiệu đóng sóng mới, trong đó HQC và SCR tăng trần, nhiều mã khác như FLC, ITA, DLG, HNG, ROS, FIT, HAG..., đang tăng khá tốt.

Sau nửa đầu phiên cố gắng giữ sắc xanh, áp lực bán quay trở lại và hướng đến không ít đến các bluechip đã khiến VN-Index đảo chiều trở lại xuống dưới tham chiếu.

Giao dịch vẫn “tù mù” khi bảng điện tử gặp lỗi, việc đặt lệnh tiếp tục trở thành cơn ác mộng của nhà đầu tư.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 152 mã tăng và 242 mã giảm, VN-Index giảm 11,15 điểm (-0,82%), xuống 1.347,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 532,81 triệu đơn vị, giá trị 16.662,8 tỷ đồng, giảm 12% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuân đóng góp hơn hơn 19,25 triệu đơn vị, giá trị 935,9 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn, bluehchip còn giữ được mức tăng tốt chỉ còn VJC +4,7% lên 117.000 đồng, SBT +2,4% lên 21.400 đồng, VHM +2,1% lên 108.200 đồng, trong khi VNM chỉ còn +1%, MSN +0,8%, VIC +0,7%, REE +0,5% và MWG +0,1%.

Còn lại đều giảm, với không ít giảm tương đối mạnh như POW -3,5% xuống 12.450 đồng. Tiếp theo là nhóm ngân hàng với HDB -3,3% xuống 33.500 đồng, STB -2,9% xuống 29.800 đồng, MBB -2,9% xuống 38.600 đồng, BID -2,6% xuống 45.600 đồng, TPB -2,3% xuống 36.350 đồng, TCB -2,1% xuống 51.300 đồng.

Các cổ phiếu khác như PLX, VPB, VCB, VRE, CTG, HPG mất từ 1,4% đến 1,9% và NVL -2,2% xuống 135.500 đồng.

Trong đó, VPB khớp lệnh cao nhất nhóm và cũng là lớn nhất HOSE với hơn 24,1 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, nổi bật có SCR, FTM, HAP, khi đều tăng kịch trần, với SCR khớp được hơn 15,8 triệu đơn vị. Một số khác tăng cao có HQC +5,4% lên 3.900 đồng, ITA +3,1% lên 7.950 đồng, DPM +5,9% lên 20.800 đồng…

Còn lại đa phần chìm trong sắc đỏ. Đáng kể là DXG khi vọt lên thanh khoản khớp lệnh với 24 triệu đơn vị, chỉ đứng sau VPB trên sàn, nhưng mã này đã bị bán ồ ạt và giảm sàn -6,8% xuống 25.900 đồng.

Thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến từ việc tài liệu Đại hội cổ đông thường niên tới đây được công bố cho thấy, DXG muốn phát hành 7 triệu cổ phiếu ESOP với giá 0 đồng/cổ phiếu và phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ, với giá dự kiến chiết khấu tới 20% bình quân giá đóng cửa của cổ phiếu DXG trong 20 phiên giao dịch gần nhất trước thời điểm quyết định giá.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã có nửa đầu phiên tích cực, nhưng áp lực bán chung trên toàn thị trường đã tác động không nhỏ, khiến chỉ số lao nhanh về dưới tham chiếu.

Một vài mã còn tăng như NBC, khi kết phiên ở mức giá trần +9,3% lên 9.400 đồng, TVD +6,1% lên 8.700 đồng, cùng các cổ phiếu nhỏ BCC, MBG, ACM nhích trên dưới 3%, và VND, KLF, ART đứng tham chiếu.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu SHB -2,7% xuống 29.200 đồng, PVS -5% xuống 28.500 đồng, NVB -3,5% xuống 19.500 đồng, S99 -6% xuống 22.100 đồng, PVC -7,3% xuống 12.700 đồng, TVC -6% xuống 14.200 đồng, BVS -3,6% xuống 26.900 đồng.

Các mã khác như SHS, IDC, CEO, MBS, APS, AMV, TNG, BSI, VCS, PVI, PAN cũng đều kết phiên giảm điểm.

Thanh khoản trên sàn, SHB vẫn đứng đầu với hơn 20 triệu đơn vị khớp lệnh, PVS có 14,8 triệu đơn vị, SHS khớp 5,8 triệu đơn vị, IDC khớp hơn 4,8 triệu đơn vị…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 78 mã tăng và 115 mã giảm, HNX-Index giảm 3,8 điểm (-1,19%), xuống 314,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 112,9 triệu đơn vị, giá trị 2.700,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 11,9 triệu đơn vị, giá trị 337,4 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index gặp khó từ sớm khi giảm điểm, nhưng hồi dần lên trên tham chiếu vào giữa phiên, mặc dù sau đó áp lực bán đồng loạt cũng đã không giúp chỉ số giữ được đà tăng mà quay về dưới sắc đỏ.

Phần lớn các cổ phiếu có giao dịch sôi động đều giảm, thậm chí giảm khá sâu như BSR -5,4% xuống 19.400 đồng, ABB -3,8% xuống 22.500 đồng, SBS -8,6% xuống 11.700 đồng, OIL -6,9% xuống 14.900 đồng, AAS -3,3% xuống 11.700 đồng.

Tăng tốt có DVN +7,4% lên 24.800 đồng, MSR +3,8% lên 21.800 đồng, DDV +2,1% lên 14.600 đồng…

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,67 điểm (-0,75%), xuống 88,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 57,4 triệu đơn vị, giá trị 1.020,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7 triệu đơn vị, giá trị 102,6 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục