Giao dịch chứng khoán phiên sáng 6/6: VN-Index gặp khó tại ngưỡng 1.100 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền tuy chậm lại đáng kể trên thị trường do sự thận trọng của nhà đầu tư gia tăng, nhưng bảng điện tử vẫn khá tích cực và một số cổ phiếu lớn đang nỗ lực kéo VN-Index vượt qua ngưỡng cản EMA 200 tại 1.100 điểm.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 6/6: VN-Index gặp khó tại ngưỡng 1.100 điểm

Trong phiên hôm qua, sau nhịp giao dịch khởi sắc đầu phiên, nhiều mã ngân hàng trở nên đuối sức thì “anh cả” VCB đã làm tốt vai trò gánh vác, giúp VN-Index vững vàng trên 1.100 điểm.

Dù vậy, áp lực bán gia tăng khiến thị trường phân hóa, VN-Index chững lại ở nửa sau của phiên, nhưng với việc cổ phiếu VCB đứng vững đã giúp VN-Index có thêm phiên tăng điểm với thanh khoản khá sôi động, chỉ thua phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 2/6 tính trong 6 tháng đầu năm 2023.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 6/6, chỉ số VN-Index thêm một lần vượt qua 1.100 điểm nhờ sự tích cực chung trên bảng điện tử, dù số mã tăng không quá vượt trội.

Tuy vậy, giao dịch trở lại trạng thái phân hóa mạnh trong nhóm bluechip khiến VN-Index chưa thể bứt hẳn lên mà chỉ đang bám sát ngưỡng cản trên sau hơn 1 giờ giao dịch.

Cổ phiếu VCB phiên sáng nay đã mất đà và có thời điểm giảm nhẹ, nhưng một số mã lớn khác đang gánh vác khá tốt cho thị trường như GAS, VHM, VIC, BVH, CTG, TCB, dù mức tăng cũng chỉ trên dưới 1%.

Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dòng tiền cũng đã chậm lại, thanh khoản có sự sụt giảm do lượng hàng T+ trong phiên bùng nổ cuối tuần trước về tài khoản khiến nhiều nhà đầu tư có phần thận trọng. Lác đác một vài sắc tím đáng kể xuất hiện như PLP, POM và đáng chú ý là QCG, khi vẫn tăng hết biên độ, thanh khoản khớp lệnh hơn 120.000 đơn vị.

Trái với những phiên sôi động gần đây, thị trường sáng nay giao dịch tương đối thận trọng với thanh khoản suy giảm khá mạnh, dòng tiền nhấp nhá thăm dò là chủ yếu, thậm chí các cổ phiếu nhỏ vốn được ưa thích thời gian qua cũng đã chững lại.

Dù vậy, chỉ số VN-Index vẫn tăng nhẹ và chạm ngưỡng cản 1.100 điểm nhờ một số mã lớn đứng vững như cặp đôi VHM-VIC, GAS, trong khi sắc đỏ cũng chỉ lác đác ở các bluechip khác.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 196 mã tăng và 153 mã giảm, VN-Index tăng 2,70 điểm (+0,25%), lên 1.100,52 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 351,5 triệu đơn vị, giá trị 6.433,7 tỷ đồng, giảm 20% về khối lượng và 21% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 32,7 triệu đơn vị, giá trị 602 tỷ đồng.

Cặp đôi VIC và VHM phiên này đóng góp lớn nhất cho VN-Index với tổng cộng gần 1,5 điểm tích cực, dù cả hai mã này đều chỉ tăng 1,3% lên 52.800 đồng và 54.400 đồng.

Ngoài ra, thị trường còn được hỗ trợ từ một số bluechip khác, dù mức tăng cũng chỉ khiêm tốn, như BVH, TCB, GAS, SSI khi nhích từ 0,7% đến 1,7% cùng MWG +1,9% lên 42.000 đồng – là cổ phiếu tăng tốt nhất trong rổ VN30.

Ngược lại, sắc đỏ chỉ còn tại MSN, VNM, VCB, BID, STB, PLX, TPB, với mức giảm chỉ từ 0,1% đến hơn 1%.

Thanh khoản đáng kể nhất là SSI khi cao nhất nhóm và đứng thứ hai trên sàn với hơn 12,67 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tại các mã vừa và nhỏ, đáng chú ý nhất là QCG, khi có thời điểm chạm giá trần và kết phiên ở sát ngay mức giá này, +6,8% lên 8.670 đồng, khớp lệnh đột biến với hơn 3,11 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ cuối tháng 1/2022.

Một vài sắc tím xuất hiện có PLP, POM, khớp lệnh 0,4 triệu và 0,17 triệu đơn vị, trong khi SVC, SVD, VAF, LAF cũng tăng kịch trần, nhưng thanh khoản thấp.

Các cổ phiếu tăng tốt khác đều phân hóa và không tập trung vào nhóm ngành nào cụ thể, với MSH +4,7% lên 35.400 đồng, TNT +4,4% lên 4.970 đồng, VND +4,4% lên 18.850 đồng, BMP +4,3% lên 78.000 đồng, DLG +4,1% lên 3.040 đồng, ITA +4,1% lên 5.800 đồng. Các mã IDI, DAH, PGV, JVC, FCN, CTD, DAG có mức tăng từ gần 3% đến 3,7%.

Trong đó, cổ phiếu VND vượt trội khi khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 25,94 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, bảng điện tử phân hóa mạnh khiến HNX-Index giằng co quanh tham chiếu và tạm kết phiên tăng nhẹ.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 91 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 0,76 điểm (+0,33%), lên 227,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 60,2 triệu đơn vị, giá trị 896,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 16,5 triệu đơn vị, giá trị 181,6 tỷ đồng, với đóng góp chủ yếu từ hơn 16,1 triệu cổ phiếu SHS, trị giá hơn 177 tỷ đồng.

Một vài mã hút lực cầu tốt như AAV tăng trần +9,3% lên 5.900 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị, MST +6,7% lên 6.400 đồng, khớp 1,35 triệu đơn vị, VC6 +5,7% lên 16.700 đồng, khớp 0,41 triệu đơn vị, CVN +4,8% lên 4.400 đồng, khớp 1,18 triệu đơn vị và SHS +3,3% lên 12.400 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 22,1 triệu đơn vị.

Trái lại, sắc đỏ hiện diện khá nhiều tại CEO, IDC, PVS, HUT, IDJ, API, PVC, DVM, trong khi hàng loạt cổ phiếu như TNG, TIG, MBG, BCC, LIG, TTH, TC6 đứng giá tham chiếu, khớp từ 0,38 triệu đến hơn 4 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng rung lắc, giằng co, nhưng chủ yếu là ở trên tham chiếu và biên độ hẹp, kết phiên tăng nhẹ.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,11%), lên 84,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,1 triệu đơn vị, giá trị 265,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,61 triệu đơn vị, giá trị 28,5 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nhỏ hoạt động tốt với VHG +9,1% lên 3.600 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với gần 4,4 triệu đơn vị.

Tăng mạnh khác còn HHG +9,1% lên 2.400 đồng, CEN +7,3% lên 5.900 đồng, PXI +7,3% lên 4.400 đồng và KVC khi tiếp tục tăng trần +12,5% lên 2.700 đồng, khớp lệnh từ 0,57 triệu đến hơn 1,1 triệu đơn vị.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục