Giao dịch chứng khoán phiên sáng 6/10: Niềm vui qua nhanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau phiên hồi phục mạnh hôm qua (5/10), thị trường nhanh chóng quay đầu giảm trở lại trong phiên sáng nay (6/10), trả lại phân nửa những gì đã có trong phiên trước đó.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 6/10: Niềm vui qua nhanh

Trong phiên hôm qua, thị trường đã sớm bật tăng mạnh khi mở cửa. Tuy nhiên, lực cầu yếu khiến VN-Index 2 lần không thể chinh phục thành công mốc 1.100 điểm.

Sau giờ nghỉ trưa, lực cầu gia tăng kéo VN-Index vượt qua mốc 1.110 điểm này, trước khi hạ nhiệt trong những phút cuối phiên, khi động lực hỗ trợ là không quá lớn và ghi nhận phiên tăng tốt nhất kể từ ngày 18/5/2022. Dù vậy, thanh khoản lại sụt giảm mạnh xuống mức thấp nhất 2 tuần.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 5/10, thị trường đã chậm lại đáng kể, VN-Index chỉ sớm xanh thời điểm mở cửa, sau đó đã dần bị đẩy xuống dưới sắc đỏ, giảm gần 10 điểm về dưới 1.100 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch, với giao dịch mỏng, độ rộng thị trường tiêu cực với gần 300 mã giảm, và nhóm bluechip trong rổ VN30 có tới 27 mã giảm gây sức ép.

Các điểm đáng chú ý trên thị trường không nhiều, ngoài ITC có thời điểm tăng trần, NBB nhích gần 6%. Trong khi đó, HPG đang dẫn đầu thanh khoản trên HOSE, giá cổ phiếu giảm khá mạnh, mất gần 3%.

Đáng kể khác là mã chứng quyền CTCB2206, khi khối lượng khớp lệnh vọt lên hơn 3 triệu đơn vị, nhưng giá giảm sàn -50% xuống 10 đồng/cq.

Tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng khiến thanh khoản mất hút, thậm chí đã quay trở lại trạng thái bi quan, lực cung theo đó tăng dần, dù không xảy ra tình trạng bán giá thấp quá lớn, nhưng cũng đủ để đẩy VN-Index về các ngưỡng điểm sâu hơn cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 81 mã tăng và 344 mã giảm, VN-Index giảm 13,84 điểm (-1,25%), xuống 1.090,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 177,7 triệu đơn vị, giá trị 3.644,2 tỷ đồng, giảm 19% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,4 triệu đơn vị, giá trị 355,3 tỷ đồng.

Các trụ cột chỉ còn ba cổ phiếu tăng nhẹ là GAS, HDB và VIC, chỉ đều dưới 1%.

Trong khi đó, áp lực gia tăng ở một số cổ phiếu lớn như MSN -4,8% xuống 87.000 đồng, HPG -4,2% xuống 18.400 đồng, TPB -4% xuống 23.040 đồng, VIB -4% xuống 20.600 đồng.

Các cổ phiếu VCB, POW, STB, KDH, GVR, NVL, MWG, MBB, SSI giảm từ 1,7% đến 2,7%.

Thanh khoản trong nhóm HPG vượt trội và dẫn đầu sàn HOSE với hơn 15,4 triệu đơn vị khớp lệnh và bị bán ròng tới hơn 6,4 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu TCB, POW, MBB, VPB, SSI, STB khớp từ 2,23 triệu đến gần 4 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, chỉ một số ít ngược dòng thị trường với mức tăng đáng kể như tại hai cổ phiếu bất động sản là NBB +5,8% lên 20.900 đồng, ITC +5,4% lên 11.800 đồng.

Lác đác các sắc xanh đáng kể có CII, IDI, TGG, CTF, ELC, với mức tăng chỉ từ 1,6% đến 2,6%.

Trái lại, sắc đỏ nhuốm màu ở nhiều nhóm ngành, trong đó, các cổ phiếu bất động sản, xây dựng vẫn chịu áp lực lớn nhất, với DIG, GEX, PTL, HDG, CTI, VNE, EVG, DXS giảm từ 3,2% đến hơn 4%. Các cổ phiếu KBC, HHV, DPG, HHS, FIR, SAM, BCE, DRH, CRE…cũng đều giảm về dưới tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu thép chịu ảnh hưởng chung từ HPG với HSG -2,6% xuống 13.200 đồng, NKG -3,8% xuống 16.750 đồng, SMC, TLH mất gần 2%.

Nhóm công ty chứng khoán, với HCM dẫn đầu đà giảm -3,6% xuống 21.500 đồng, VIX -3,3% xuống 8.910 đồng, VCI, CTS, VDS, VND, TVS, ORS giảm từ 2% đến hơn 3%.

Cặp đôi HAG và HNG cũng đều giảm, trong đó, HAG -4,4% xuống 11.850 đồng, khớp lệnh chỉ sau HPG với hơn 11,2 triệu đơn vị, HNG -2% xuống 5.440 đồng, khớp 1,08 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến không khác so với sàn HOSE, với HNX-Index tăng nhẹ khi mở cửa và bị đẩy xuống dưới tham chiếu, lùi dần xuống các mức điểm thấp hơn cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 30 mã tăng và 122 mã giảm, HNX-Index giảm 2,9 điểm (-1,20%), xuống 239,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16 triệu đơn vị, giá trị 302,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,4 triệu đơn vị, giá trị 2 tỷ đồng.

Ở nhóm các cổ phiếu thanh khoản cao, chỉ còn PVC nhích 2,3% và SCG tăng 1,2%, cùng các cổ phiếu PVS, ART, BII, TIG, HHG đứng tham chiếu.

Còn lại đều giảm điểm, dù đa phần chỉ giảm nhẹ, trừ một số giảm đáng kể như HUT -4% xuống 21.600 đồng, MST -4,3% xuống 6.600 đồng, DXP -5% xuống 11.400 đồng.

Đáng chú ý là KLF, khi biến động rất mạnh, khi có thời điểm tăng vọt lên giá trần, trước khi lực bán gia tăng, kéo mã này giảm sàn -7,1% xuống 1.300 đồng khi kết phiên, khớp hơn 0,37 triệu đơn vị.

Thanh khoản phiên này trên sàn cũng nhỏ giọt, với SHS cao nhất cũng chỉ có hơn 2,2 triệu đơn vị khớp lệnh, PVS khớp 2,21 triệu đơn vị, CEO khớp 1,51 triệu đơn vị…

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng nhích nhẹ khi mở cửa, sau đó lao xuống tham chiếu và tìm đến các mức giá thấp hơn cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,75 điểm (-0,89%), xuống 83,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,35 triệu đơn vị, giá trị 162,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,3 triệu đơn vị, giá trị gần 7 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý là PFL, khi vọt lên giá trần +13% lên 5.200 đồng, khớp gần 0,6 triệu đơn vị.

Một vài cổ phiếu còn tăng khác tại BSR +2% lên 20.400 đồng, OIL +1% lên 10.600 đồng, DSC +0,3% lên 38.300 đồng. Trong đó, BSR khớp lệnh cao nhất UpCoM với 3,32 triệu đơn vị.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục