Trong phiên hôm qua, thị trường sau ít phút mở cửa giằng co nhẹ về điểm số đã quay đầu giảm khi áp lực bán thường trực và ngày càng gia tăng biên độ giảm.
Nỗ lực “vá” lại mốc 1.250 điểm sau đó bất thành và thị trường “đi xa” hơn về cuối phiên do áp lực bán mạnh hơn và VN-Index đã tạm dừng ở vùng giá thấp nhất phiên, đóng cửa mất hơn 10 điểm.
Như vậy, chỉ trong hai phiên gần nhất, VN-Index đã giảm 20 điểm và để thủng hỗ trợ mạnh 1.250 điểm.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 5/11, vẫn chưa có tín hiệu hồi phục đáng kể nào xuất hiện và VN-Index tiếp diễn giằng co, rung lắc với biên độ hẹp quanh tham chiếu. Trong khi bảng điện tử phân hóa và dòng tiền ghin nhận chỉ ở mức thấp.
Một vài điểm nhấn hiếm hoi tại số ít các mã nhỏ, có tính đầu cơ cao như TDH, C47, TVB, QCG, TMT khi tăng từ gần 3% đến hơn 6%, nhưng thanh khoản phần lớn không cao, ngoài QCG khớp được hơn 0,5 triệu đơn vị sau hơn 1 giờ giao dịch.
Cổ phiếu TLG tăng kịch trần +6,9% lên 59.000 đồng, khớp gần 0,5 triệu đơn vị sau thông tin chốt danh sách cổ đông vào ngày 15/11 tới đây để trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10:1 và tạm ứng năm 2024 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10%.
Không có thêm diễn biến mới nào đáng kể ở nửa sau của phiên sáng nay, khi VN-Index tiếp tục rung lắc nhẹ quanh ngưỡng tham chiếu với biên độ hẹp với bảng điện tử phân hóa, thanh khoản toàn thị trường suy yếu.
Chốt phiên, sàn HOSE có 157 mã tăng và 172 mã giảm, VN-Index giảm 0,40 điểm (-0,03%), xuống 1.244,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 187,7 triệu đơn vị, giá trị 4.533,6 tỷ đồng, giảm 14% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 40,5 triệu đơn vị, giá trị 937,5 tỷ đồng.
Các bluechip hoạt động yếu, phân hóa cao và không cổ phiếu nào vượt quá biên độ 1%. Trong đó, ở hướng tăng điểm, POW là mã tăng cao nhất chỉ +0,9% lên 11.550 đồng, HPG theo sau với chỉ +0,6% lên 26.450 đồng và ở chiều ngược lại, cổ phiếu SSB -0,9% xuống 16.550 đồng là mã giảm mạnh nhất.
Thanh khoản nhóm VN30 cũng ảm đạm, với TPB khớp lệnh cao nhất cũng chưa đạt 5 triệu đơn vị, VHM khớp 4,55 triệu đơn vị, VPB khớp 4,2 triệu đơn vị, HDB khớp 3,9 triệu đơn vị…
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, với một số mã nổi sóng từ đầu phiên duy trì sắc tím có VSI, TMT, SMA, DXV, nhưng thanh khoản khớp lệnh khá thấp.
Đáng kể hơn là QCG khi nới biên độ tăng và chạm gần mức giá trần +6,1% lên 13.850 đồng, khớp 0,79 triệu đơn vị, cổ phiếu TLG hạ nhiệt đôi chút +6% lên 58.500 đồng, khớp 0,59 triệu đơn vị.
Ngoài ra là cổ phiếu ngân hàng EIB khi nhích hơn 3,7% lên 19.400 đồng, khớp hơn 3,46 triệu đơn vị.
Trái lại, các cổ phiếu giảm mạnh đi kèm thanh khoản cao không xuất hiện nhiều, với chỉ CIG -4,7% xuống 8.330 đồng, NAF -3,7% xuống 20.950 đồng, khớp 0,11 triệu đơn vị, FIR -3,2% xuống 5.080 đồng, khớp 0,11 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng liên tiếp có những nhịp giằng co, rung lắc quanh tham chiếu với biên độ hẹp trong suốt phiên sáng nay.
Chốt phiên, sàn HNX có 44 mã tăng và 51 mã giảm, HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,03%), xuống 224,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,4 triệu đơn vị, giá trị 188,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 16,8 triệu đơn vị, giá trị 274,7 tỷ đồng.
Các cổ phiếu trong top thanh khoản cao phân hóa và ít thay đổi về giá, như CEO, MBS, DXP, VC2 tăng điểm nhẹ, trong khi PVS, VTZ, API giảm không đáng kể, cùng loạt cổ phiếu SHS, NRC, TIG, TNG, PGN, VFS đứng giá tham chiếu.
Đáng chú ý là cổ phiếu TVC khi vươn lên khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn, dù chỉ khớp hơn 1,1 triệu đơn vị, giá cổ phiếu tăng mạnh 6,9% lên 10.800 đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index có nhịp bật tăng ở cuối phiên nhờ nhiều cổ phiếu đảo chiều tăng nhẹ.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,23%), lên 91,82 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8,7 triệu đơn vị, giá trị 106,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,1 triệu đơn vị, giá trị 1,1 tỷ đồng.
Các cổ phiếu tăng đáng kể chỉ còn HNG +4,3% lên 4.900 đồng, DFF +5,8% lên 1.800 đồng, trong khi AAH, BCR, VGT, VEA, VGI, BVB, QNS chỉ có được mức tăng nhẹ, khớp từ 0,16 triệu đến gần 1 triệu đơn vị.