Giao dịch chứng khoán phiên sáng 4/3: Nhà đầu tư xả hàng ồ ạt, VN-Index mất hơn 26 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khoảng 1 tiếng giao dịch giằng co, bên nắm giữ cổ phiếu đã bắt đầu rũ hàng đẩy VN-Index rơi theo phương thẳng đứng, thanh khoản cũng tăng vọt.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 4/3: Nhà đầu tư xả hàng ồ ạt, VN-Index mất hơn 26 điểm

Trong phiên hôm qua, sự phân hóa mạnh ngay từ sớm khiến VN-Index chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu và tâm lý thị trường có phần bị dao động với thông tin nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu.

Điểm đáng chú ý trong phiên hôm qua đó là thông tin về khả năng nâng lô giao dịch cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu/lệnh mua - bán. Thông tin này lập tức tác động tới thị trường khi nhiều mã thị giá nhỏ hút dòng tiền và được kéo lên ở mức trần.

Thông tin mới dừng ở mức đề xuất, thăm dò ý kiến phát ra từ một lãnh đạo HOSE. Tuy nhiên, ngay lập tức nhận được phản hồi rất lớn, một vài lãnh đạo công ty chứng khoán đăng đàn ủng hộ phương án này, nhưng hàng loạt nhà đầu tư thì phản đối kịch liệt trên mạng xã hội, các diễn đàn và cả trong trả lời phỏng vấn các phương tiện thông tin đại chúng.

Thông tin này gây chú ý tới nỗi, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng phải viết bài nêu quan điểm của mình, và thậm chí át cả một giải pháp chính tắc từ Ủy ban Chứng khoán đó là chuyển một số mã sang HNX trên cơ sở... tự nguyện.

Thảo luận, tranh luận, phản đối, đồng thuận, góp thêm ý kiến triển khai,... tất cả vẫn đang diễn ra cho một thực tế tệ hại trong giao dịch trên HOSE là: nghẽn lệnh. Bên cạnh đó, một thứ khác cũng vẫn diễn ra đó là: đặt lệnh.

Thị trường vẫn duy trì đà hưng phấn, bản thân việc nghẽn lệnh cũng phản ánh một điều tích cực là kênh chứng khoán vẫn thu hút dòng tiền và nhiều nhà đầu tư. Thị trường có một thứ được quan tâm không kém chuyện nghẽn lệnh đó là giá trị tài khoản của từng cá nhân. Mốc VN-Index 1.204 điểm, kỷ lục mọi thời đại của chứng khoán Việt Nam liệu có được phá trong đợt tăng điểm này?

Khảo sát mà tinnhanhchungkhoan.vn đang thực hiện cho kết quả rằng, đa số nhà đầu tư tin tưởng là mốc sẽ được phá trong tháng 3, thay vì một thời gian dài hơn. Thường thì tháng 3 khi mùa đại hội bắt đầu, với những kế hoạch kinh doanh lạc quan được các doanh nghiệp đưa ra thì thị trường thường tăng điểm tốt.

Kỳ vọng là như vậy, nhưng câu trả lời có thể khác. Thị trường đã có nhiều lần rung lắc trước đỉnh lịch sử, nhưng xuống rồi lại lên trở lại để test đỉnh. Phiên sáng này diễn biến đang theo chiều xuống, lực bán đang áp đảo, và liệu đây phải một lần rung lắc nữa hay không? Câu trả lời có thể có ngay trong phiên chiều, tiếc rằng giá trị giao dịch đã gần tới ngưỡng nghẽn lệnh 14.000-15.000 tỷ đồng.

Diễn biến cụ thể phiên giao dịch sáng nay 4/3, giao dịch vẫn chủ đạo là sự thận trọng, khi sau nhịp tăng lên trên 1.190 điểm đã nhanh chóng quanh về trạng thái giằng co quanh tham chiếu với sự phân hóa cao trên bảng điện tử.

Các cổ phiếu đang có những tín hiệu tích cực đến từ nhóm nguyên vật liệu và thép với TLH, POM, SHI, TTF, STK, BMC, TNT tăng kịch trần đi kèm thanh khoản tốt.

Hai cổ phiếu nóng hôm qua là FLC và TDH đã hạ nhiệt, chỉ còn nhích nhẹ 1 đến 2%, trong đó, FLC đang duy trì khối lượng khớp lệnh dẫn đầu HOSE với gần 18 triệu đơn vị.

Cổ phiếu RIC duy trì mạch tăng trần từ sớm, +7% lên 45.150 đồng, khớp hơn 35.000 đơn vị và dư mua giá trần hơn 150.000 đơn vị.

Tuy nhiên sau 10h, lực bán bất ngờ diễn ra mạnh mẽ và trên diện rộng đẩy hàng loạt mã quay đầu giảm giá, qua đó đẩy VN-Index rơi theo phương thẳng đứng, mất hơn 26 điểm, xuống ngưỡng 1.160 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 80 mã tăng và 378 mã giảm, VN-Index giảm 26,52 điểm (-2,23%), xuống 1.160,43 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 563,1 triệu đơn vị, giá trị 13.730,7 tỷ đồng, tăng 34% về khối lượng và 31% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,5 triệu đơn vị, giá trị 481,3 tỷ đồng.

Các bluechips nối nhau nới rộng đà giảm, trong đó, rổ VN30 duy nhất còn VIC +0,3% lên 107.200 đồng.

Các mã giảm sâu nhất là SBT -5,2% xuống 21.700 đồng, SSI -4,7% xuống 33.200 đồng, TCH -4,6% xuống 21.700 đồng, HDB -4,1% xuống 25.850 đồng, KDH -4% xuống 31.500 đồng, TPB -4% xuống 28.550 đồng.

Giảm từ 3,1% đến 3,9% có VHM, MWG, STB, HPG, TCB, VRE, MBB, REE, PLX, trong khi FPT, PDR, BID, MSN, CTG, BVH, POW mất từ 2,3% đến 2,8%.

Thanh khoản HPG dẫn đầu nhóm với hơn 23,2 triệu đơn vị khớp lệnh. Theo sau là nhóm ngân hàng STB, MBB, TCB, CTG, khớp từ 8,2 triệu đến 21,3 triệu đơn vị, cùng SSI khớp hơn 13,5 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thị trường le lói vài sắc xanh là PVT, DCM, DPM, IDI, AGR, HAP, DBC, TLH, HDC, JVC, còn lại kết phiên trong sắc đỏ, thậm chí KSB, TTB, LSS còn giảm sàn, khớp từ 1,76 triệu đến 9,8 triệu đơn vị.

Đi ngược xu hướng khi tăng kịch trần là DQC, TGG, NVT, DRP và RIC, trong đó, DQC khớp hơn 0,5 triệu đơn vị, RIC khớp hơn 40.000 đơn vị.

Trên sàn HNX, giao dịch cũng tiêu cực khi sắc đỏ cũng chiếm ưu thế trên bảng điện tử, nhưng may mắn hơn VN-Index là HNX-Index giảm với biên độ thấp hơn.

Các cổ phiếu lớn đều hụt hơi với SHB -2,5% xuống 15.700 đồng, PVS -1,3% xuống 22.400 đồng, VCS -3,2% xuống 86.000 đồng, SHS -5,1% xuống 26.300 đồng, MBS -4,3% xuống 22.100 đồng, CEO -3,5% xuống 10.900 đồng, PLC -6,1% xuống 27.500 đồng, TNG -5,2% xuống 23.700 đồng, NVB -2% xuống 15.000 đồng.

Chỉ số HNX-Index hãm được đà rơi nhờ cổ phiếu vốn hóa lớn nhất THD về lại tham chiếu 203.000 đồng, cùng LAS +8,1% lên 10.700 đồng.

Đặc biệt là cổ phiếu cổ phiếu BAB của Ngân hàng TMCP Bắc Á, có phiên giao dịch thứ hai kể từ khi chuyển từ UpCoM vẫn giữ sắc tím +9,6% lên 22.800 đồng, và giá trị vốn hóa chỉ đứng sau THD và SHB với hơn 16.100 tỷ đồng.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 41 mã tăng và 116 mã giảm, HNX-Index giảm 1,23 điểm (-0,48%), xuống 252,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 107,2 triệu đơn vị, giá trị 1.621,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,45 triệu đơn vị, giá trị 7,7 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng chỉ sau nửa phiên cố gắng giữ sắc xanh và đảo chiều nhanh xuống dưới tham chiếu sau đó.

Điểm tích cực là ở nhóm cổ phiếu có giao dịch lớn, trong đó đặc biệt là BSR, khớp hơn 26,3 triệu đơn vị, tăng 4,3% lên 14.600 đồng.

Các mã tiếp theo như SBS +9,7%, OIL +3,2%, KSH +5,3%, VGI +3,2%, khớp lệnh chỉ đứng sau BSR, từ 2,33 triệu đến 6,15 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,55 điểm (-0,71%), xuống 77,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 68,6 triệu đơn vị, giá trị 953,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,1 triệu đơn vị, giá trị 5,15 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục