Giao dịch chứng khoán phiên sáng 30/8: VN-Index trở lại mạnh mẽ, nhiều nhà đầu tư tiếc nuối

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những tín hiệu tích cực từ cuối phiên hôm qua đã được hiện thực hóa ngay từ sớm, khi ngay từ sớm trong phiên sáng nay (30/8), VN-Index đã tăng tốc để test lại vùng quanh 1.280 điểm.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 30/8: VN-Index trở lại mạnh mẽ, nhiều nhà đầu tư tiếc nuối

Trong phiên hôm qua, chịu tác động từ thông tin bên ngoài, thị trường chìm trong sắc đỏ từ sớm, kích hoạt lệnh đua bán, khiến VN-Index có thời điểm giảm hơn 30 điểm, thủng mốc 1.250 điểm.

Tuy nhiên, sau giờ nghỉ trưa, những người đã đua lệnh bán phiên sáng đã bắt đầu thấy tiếc nuối khi lực cầu bắt đáy hoạt động mạnh, kéo nhiều mã hồi phục trở lại hoặc thu hẹp đà giảm, qua đó giúp VN-Index hồi hơn 20 điểm, đóng cửa ở mức cao nhất này, trên mốc 1.270 điểm. Trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index đóng cửa ngày với cây nến hammer.

Lực cầu bắt đáy mạnh cũng giúp thị trường có thanh khoản lần đầu tiên vượt mức 20.000 tỷ đồng trong hơn 3 tháng qua. Đây là tín hiệu khả quan giúp nhà đầu tư kỳ vọng phiên điều chỉnh 29/8 chỉ mang tính chất kỹ thuật do ảnh hưởng tâm lý từ bên ngoài.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 30/8, thị trường như bừng tỉnh và tăng điểm từ sớm, tiến tới test lại ngưỡng 1.280 điểm một cách dễ dàng. Nhiều nhà đầu tư vội vã thoát hàng phiên sáng qua càng thêm tiếc nuối khi nhìn bảng điện tử nhuộm sắc xanh trong phiên sáng nay khi số mã tăng gấp 3 lần số mã giảm.

Trong các mã bluechip, nổi bật nhất là GVR khi bất ngờ tăng vọt lên mức giá trần +6,8% lên 26.650 đồng.

Các mã khác như LSS, PHR, SBT, DPR, DGC, SFC, BMC cũng đang vượt trội về biên độ tăng giá so với phần còn lại, trong đó LSS sớm đã tăng hết biên độ lên 10.900 đồng, còn lại nhích từ 3% đến gần 6%.

Trong khi đó, giao dịch sôi động nhất trên thị trường đang là KBC với hơn 8,4 triệu đơn vị khớp lệnh. Sau phiên giảm tạo cây nến rút chân hôm qua, tưởng chừng KBC sẽ bứt tốc sớm trong phiên sáng nay, nhưng lực cung lớn một lần nữa lại đẩy giá cổ phiếu này giảm ngay khi mở cửa và xuống test lại mức 34.500 đồng, mức giá thấp nhất trong phiên hôm qua, cũng là mức giá thấp nhất trong 6 tuần. Tuy nhiên, sau đó lực cầu bất đáy nhập cuộc mạnh không chỉ giúp KBC có giao dịch sôi động nhất sàn HOSE, mà còn kéo giá cổ phiếu này lên trở lại trên tham chiếu, trở lại ngưỡng MA50.

Đáng chú ý nhất là hôm qua, KBC đã có thông tin bất ngờ về việc chênh lệch lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 của báo cáo tự lập và sau kiểm toán soát xét.

Cụ thể, theo báo cáo tự lập, KBC ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất hơn 2.456 tỷ đồng, tuy nhiên, tại báo cáo soát xét, con số này chỉ còn hơn 200 tỷ đồng, tương ứng mức chênh lệch hơn 90%.

Theo đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Ernst& Young Việt Nam nhận định, do số lượng tài sản lớn và tính định giá phức tạp, việc soát xét định giá trên chưa được hoàn tất sau khi KBC ghi nhận phát sinh giá trị đầu tư của CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng số tiền 2.493 tỷ đồng.

Sau khi bật lên chạm dải trên của bollinger band (1.290 điểm), do thiếu sự hỗ trợ của dòng tiền lớn, VN-Index đã bị đẩy ngược trở lại vào trong, số mã tăng cũng bớt đi hàng chục mã, trong khi số mã giảm nhiều thêm hơn 35 mã. Tuy nhiên, điều may mắn là VN-Index vẫn giữ được ngưỡng 1.280 điểm trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 272 mã tăng và 140 mã giảm, VN-Index tăng 10,46 điểm (+0,82%), lên 1.281,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 270 triệu đơn vị, giá trị 7.538,4 tỷ đồng, giảm 28% về khối lượng và 19% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 25,8 triệu đơn vị, giá trị 907 tỷ đồng.

Nhóm bluechip trong rổ VN30 đã có nhiều sắc xanh hơn với 22 mã tăng, dù phần lớn chỉ nhích nhẹ, như VNM, VHM, HPG, TCB, VPB, MSN, TPB, MBB, CTG…nhích từ 0,7% đến 1,8%.

Bốn cổ phiếu bật lên đáng chú ý có VCB +2,5% lên 84.600 đồng, PDR +2,6% lên 55.200 đồng, BID +2,7% lên 40.050 đồng và nổi bật nhất là GVR khi đứng vững ở mức giá trần +6,8% lên 26.650 đồng.

Ở chiều ngược lại, không mã nào giảm sâu, với các cổ phiếu VIC, PLX, NVL, VJC và MWG chỉ mất từ 0,2% đến 0,8%, còn ba cổ phiếu GAS, SAB và STB đứng giá tham chiếu.

Thanh khoản HPG cao nhất nhóm với hơn 6,88 triệu đơn vị khớp lệnh, MBB khớp gần 6 triệu đơn vị, SSI khớp 5,7 triệu đơn vị, VPB khớp 5,3 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu nguyên vật liệu vẫn là những cái tên nổi trội hơn với LSS tăng trần +6,9% lên 10.900 đồng, PHR +5% lên 71.500 đồng, SBT +4,5% lên 18.700 đồng, DPR +3,7% lên 76.200 đồng, DGC +3,4% lên 100.600 đồng, BMC +2,9% lên 17.450 đồng, DRC +2,7% lên 30.500 đồng.

Các mã đơn lẻ khác đáng chú ý là TGG tăng trần +7% lên 7.070 đồng, TDC +4,5% lên 23.300 đồng và KPF, khi tiếp tục duy trì sức nóng +5,41% lên 23.400 đồng, mức đỉnh lịch sử mới.

Ở những nơi khác, với các cổ phiếu thanh khoản cao còn tăng là FRT, AMD, BAF, TTF, IDI, AAA, BCG, DBC, DPM, PAN, HQC, HSG, PVD, dù mức tăng phần lớn chỉ trên dưới 1%, khớp từ 1,1 triệu đến gần 6,5 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, không quá nhiều mã giảm sâu, trừ AGM -4,7% xuống 26.600 đồng, nhưng khớp lệnh chỉ hơn 0,16 triệu đơn vị, VNS -3,4% xuống 17.050 đồng, ADS -2,2% xuống 18.100 đồng, ITA -2,2% xuống 7.150 đồng…

Sắc đỏ khác còn tại TSC, VPG, SCR, LDG, DIG, VCI, CII, HCM, DXG, HNG, VND, HAG, nhưng mức giảm cũng chỉ ở mức thấp, khớp từ 1 triệu đến gần 8 triệu đơn vị.

Giao dịch sôi động nhất phiên này là KBC với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,68 triệu đơn vị, giá cổ phiếu giảm nhẹ 1% xuống 35.250 đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng bật tăng từ sớm, nhưng cũng như trên HOSE, khi chỉ số này đạt mức cao và dần hạ nhiệt về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 103 mã tăng và 61 mã giảm, HNX-Index tăng 0,81 điểm (+0,27%), lên 296,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 36 triệu đơn vị, giá trị 815,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,95 triệu đơn vị, giá trị 31,8 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa mạnh, với một số cổ phiếu đáng kể như BII tăng kịch trần +8,3% lên 5.200 đồng, VKC +7,1% lên 4.500 đồng, ART +4,7% lên 4.500 đồng, KLF +3,8% lên 2.700 đồng.

Các sắc xanh khác còn tại HUT, TNG, HDA, LAS, HTP, MBG, SRA và đều chỉ là xanh nhạt.

Trong khi đó, PVS, IDC, CEO, TAR, APS, TVC giảm nhẹ, API -4,6% xuống 49.800 đồng. Các cổ phiếu SHS, PVC, AMD, IDJ đứng giá tham chiếu.

Thanh khoản cao nhất thuộc về PVS với 5,13 triệu đơn vị khớp lệnh, SHS khớp 4,67 triệu đơn vị, IDC khớp 2,03 triệu đơn vị, HUT khớp 1,59 triệu đơn vị, CEO khớp 1,31 triệu đơn vị…

Trên UpCoM, sắc xanh phủ rộng, nhưng chỉ số ít tăng khá khiến UpCoM-Index không thể giữ được mức đỉnh trong phiên mà hạ nhiệt nhẹ khi tạm kết thúc phiên sáng.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,61 điểm (+0,67%), lên 92,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,8 triệu đơn vị, giá trị 451,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,16 triệu đơn vị, giá trị 6,56 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu đáng chú ý là SSN và HD2, khi tăng kịch trần lên 7.400 đồng và 21.900 đồng, khớp 0,25 triệu và 0,2 triệu đơn vị.

Nhiều cổ phiếu tăng khác còn có PXS +5,7% lên 7.400 đồng, PFL +5,7% lên 5.600 đồng, OIL +5,3% lên 13.900 đồng, DRI +5,2% lên 12.200 đồng, QNS +4,1% lên 48.500 đồng…

Cổ phiếu BSR vẫn là mã thanh khoản tốt nhất với hơn 5,17 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 2,4% lên 26.100 đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục