Giao dịch chứng khoán phiên sáng 28/11: Nhà đầu tư đứng ngoài, thị trường ảm đạm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư đứng ngoài khi thiếu vắng thông tin trợ lực, dòng tiền theo đó có dấu hiệu yếu đi đang khiến giao dịch trên thị trường nhìn chung đang khá nhàm chán.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 28/11: Nhà đầu tư đứng ngoài, thị trường ảm đạm

Trong phiên hôm qua, sau ít phút mở cửa rung lắc nhẹ quanh tham chiếu, VN-Index đã quay đầu giảm điểm khi lực cầu khá yếu, còn áp lực bán luôn lực chờ khiến bảng điện tử luôn trong trạng thái tràn ngập sắc đỏ và chỉ số duy trì trạng thái giằng co quanh ngưỡng 1.090 điểm cho đến khi đóng cửa.

Điểm đáng chú ý vẫn là thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh mẽ, với khối lượng và tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE ghi nhận thấp nhất trong khoảng gần 1 tháng.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 28/11, sau ít phút le lói sắc xanh, thị trường đã suy yếu nhanh khi số mã giảm tiếp tục gia tăng trên diện rộng và chỉ khi thủng ngưỡng hỗ trợ 1.080 điểm, lực cầu nhập cuộc giúp VN-Index bật nhẹ trở lại.

Dù vậy, giao dịch nhìn chung khá ảm đạm khi thanh khoản duy trì ở mức thấp, nhiều nhà đầu tư chỉ túc tắc mua bán với sự thận trọng cao, đa số các cổ phiếu chỉ biến động với biên độ hẹp.

Điểm nhấn lác đác tại một vài cổ phiếu xây dựng như C47, HHV, CTD, khi nhích từ khoảng 2,5% đến hơn 5%. Trong đó, hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông theo tỷ lệ 4:1, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Còn ngày mai, C47 cũng có ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức 2022 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10:1.

Thanh khoản thị trường dù được cải thiện đáng kể so với phiên sáng hôm qua, nhưng đóng góp của giao dịch thỏa thuận lại có phần vượt trội và nhìn chung nhà đầu tư vẫn đang bỏ rơi thị trường.

Về diễn biến chỉ số, VN-Index sau khi hồi phục trở lại từ dưới 1.080 điểm vào giữa phiên đã thêm một lần đảo chiều đi xuống và lần này đã tiến sát đến về hỗ trợ 1.075 điểm trước khi bật nảy nhẹ ở những phút cuối.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 60 mã tăng và 407 mã giảm, VN-Index giảm 9,92 điểm (-0,91%), xuống 1.078,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 341,5 triệu đơn vị, giá trị 7.071 tỷ đồng, tăng hơn 40% về khối lượng và 50% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 63,4 triệu đơn vị, giá trị 1.478,7 tỷ đồng.

Sắc xanh trong nhóm bluechip chỉ còn BID nhích 1,1%, BVH và VHM tăng nhẹ, cùng VJC đứng tham chiếu và 26 mã giảm.

Trong đó, SSI và BCM dẫn đầu đà giảm, khi mất hơn 2% xuống 30.300 đồng và 57.200 đồng. Thanh khoản SSI cao nhất nhóm với hơn 11,1 triệu đơn vị khớp lệnh.

Phần còn lại chỉ giảm nhẹ, với VCB, STB, MSN, GAS, MWG, PLX, POW, TCB, HDB giảm 1,1% đến 1,7%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, lực cầu dè dặt khiến đa số những cổ phiếu tăng đều chỉ tăng nhẹ, ngoại trừ một vài cái tên riêng lẻ như C47 +4,9% lên 8.300 đồng, MIG +3,4% lên 18.100 đồng, HHV +2,9% lên 14.100 đồng…

Trái lại, một số nới đà giảm đáng chú ý như ở nhóm bất động sản với FIR -6,1% xuống 20.000 đồng, TNT -5,6% xuống 4.340 đồng, DLG -4,1% xuống 2.130 đồng, NBB -3,9% xuống 19.800 đồng, TDC -3,7% xuống 9.400 đồng, HDC -3,2% xuống 31.950 đồng, NHA -3,2% xuống 16.850 đồng, HTN -3,1% xuống 15.700 đồng, DXS -3% xuống 6.800 đồng…

Các mã công ty chứng khoán có VDS và BSI khi cùng giảm 3,5% xuống 15.300 đồng 43.500 đồng. Nhóm bán lẻ với DGW -3,4% xuống 48.100 đồng, FRT -3% xuống 96.000 đồng…

Nhóm các cổ phiếu thanh khoản cao trên sàn như PDR, GEX, DXG, DIG, VND, NVL và VIX cũng nới thêm đôi chút đà giảm, mất 2-3%, khớp từ 5,82 triệu đến hơn 17,7 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau phút tăng nhẹ đầu phiên cũng đã đảo chiều giảm và cũng chỉ kịp có nhịp nảy nhẹ ở cuối phiên thu hẹp đà đi xuống.

Chốt phiên, sàn HNX có 34 mã tăng 109 mã giảm, HNX-Index giảm 2,56 điểm (-1,15%), xuống 221,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,5 triệu đơn vị, giá trị 621,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,27 triệu đơn vị, giá trị 8 tỷ đồng.

Phần lớn các mã lớn nhỏ đều giảm, với MBS, HUT, SHS và CEO mất trên dưới 2,5% và là bốn cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn, khớp từ 1,55 triệu đến hơn 9,37 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khớp từ 0,3 triệu đến hơn 1,2 triệu đơn vị cũng đều giảm, nhưng mức giảm cũng chỉ ở mức thấp, trên dưới 1% như APS, PVC, TNG, IDC, IDJ, TIG, PVS…

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Idnex cũng đã chịu sức ép từ giữa phiên và liên tục tìm đến các mức thấp hơn cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,51 điểm (-0,61%), xuống 83,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,3 triệu đơn vị, giá trị 154,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 19,2 triệu đơn vị, giá trị 228,5 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là 15 triệu cổ phiếu PRT, trị giá 180 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất là HSV, khi tăng mạnh 9,8% lên 6.700 đồng, khớp hơn 0,6 triệu đơn vị.

Phần còn lại, ngoài TCI nhích 3,4%, QTP tăng 1,4%, VHG và VEA đứng tham chiếu, thì đều giảm.

Trong đó, cổ phiếu BSR -1,6% xuống 18.500 đồng, khớp lệnh vẫn là mã tốt nhất UpCoM với 2,51 triệu đơn vị.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 154,884 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.1 0.11% 447 tỷ