Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi các nhà đầu tư đang lo lắng về thời điểm lãi suất toàn cầu có thể chuyển sang giai đoạn cắt giảm, dữ liệu lạm phát trong tuần này sẽ là tâm điểm chú ý. Ngoài ra, cuộc họp quyết định sản lượng của OPEC+ và dữ liệu từ Trung Quốc sẽ mang lại những dấu hiệu mới về triển vọng tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Dữ liệu lạm phát của Mỹ

Các thị trường đang kỳ vọng báo cáo lạm phát tháng 10 của Mỹ được công bố vào thứ Năm (30/11) sẽ củng cố khả năng chấm dứt việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed dự kiến sẽ tăng 0,1% trong tháng 10. Chỉ số PCE đã tăng 0,4% trong tháng 9, tương tự với mức tăng trong tháng 8.

Chỉ số PCE cơ bản loại bỏ chi phí thực phẩm và nhiên liệu, và đồng thời được xem là thước đo tốt hơn về lạm phát cơ bản, dự kiến sẽ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Các quan chức Fed hiện đã thống nhất xung quanh một chiến lược cân nhắc kỹ lưỡng về con đường chính sách. Biên bản cuộc họp gần đây nhất của Fed cho thấy các quan chức đã lưu ý đến việc lãi suất cao hơn đang bắt đầu gây áp lực lên các hộ gia đình và doanh nghiệp như thế nào.

Fed sẽ phát hành Báo cáo Beige Book vào thứ Tư (29/11), trong đó Fed sẽ tóm tắt về tình hình kinh tế hiện tại và đồng thời cung cấp những đánh giá định tính về tình hình kinh tế.

Kỳ vọng thị trường chứng khoán duy trì đà phục hồi vào cuối năm

Một số dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ đang mở rộng khi nhóm cổ phiếu Magnificent Seven của các công ty công nghệ và tăng trưởng vốn hóa lớn đang củng cố kỳ vọng của nhà đầu tư về một đợt phục hồi đến cuối năm.

Nhóm cổ phiếu Magnificent Seven bao gồm Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon, Nvidia, Meta và Tesla cùng nắm giữ 28% tỷ trọng trong chỉ số S&P 500 và chiếm gần 50% tỷ trọng của Nasdaq 100.

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục hồi phục với chỉ số S&P 500 tăng khoảng 10% trong ba tuần qua, được thúc đẩy bởi lợi suất trái phiếu Kho bạc giảm và chỉ số lạm phát hạ nhiệt có thể báo hiệu sự kết thúc của việc tăng lãi suất của Fed.

Cuộc họp của OPEC+

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã lùi cuộc họp sang ngày 30/11 thay vì ngày 26/11 như dự kiến trước đó. Các đại biểu cho biết, họ đang cần thêm thời gian khi Angola và Nigeria không hài lòng với các mục tiêu sản lượng thấp hơn.

Jan Stuart, nhà kinh tế năng lượng toàn cầu tại Piper Sandler & Co. cho biết: “Việc dời một cuộc họp như vậy là một vấn đề lớn”.

Việc bất đồng quan điểm nảy sinh từ tháng 6, khi Ả Rập Xê Út thúc đẩy Angola, Congo và Nigeria chấp nhận giảm mục tiêu sản lượng cho năm 2024. Các quốc gia châu Phi này đã phải vật lộn trong những năm gần đây với tình trạng thiếu đầu tư, gián đoạn hoạt động và các mỏ dầu đã cũ.

Lạm phát khu vực đồng euro

Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ công bố dữ liệu lạm phát vào thứ Năm (30/11), dự kiến sẽ chỉ ra áp lực giá cả sẽ giảm nhẹ trở lại vào tháng 11.

Lạm phát giá tiêu dùng dự kiến ​​sẽ tăng với tốc độ hàng năm là 2,8%, giảm nhẹ so với mức 2,9% của tháng trước. Lạm phát cơ bản dự kiến sẽ chậm lại ở mức 3,9%.

Nhưng bất chấp những dấu hiệu cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde vẫn cảnh báo rằng chi phí đi vay sẽ cần phải được duy trì ở mức hạn chế lâu hơn.

Biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của ECB đã chỉ ra rằng các quan chức đồng ý rằng nên sẵn sàng tăng lãi suất trở lại nếu cần thiết. Lạm phát được dự báo sẽ quay trở lại mục tiêu 2% của ECB vào nửa cuối năm 2025.

Dữ liệu kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc sẽ công bố chỉ số quản lý mua hàng chính thức (PMI) cho tháng 11 vào thứ Năm (30/11), trong khi các nhà đầu tư đang theo dõi bất kỳ dấu hiệu phục hồi nào ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Vào tháng 10, dữ liệu sản xuất cho thấy hoạt động của nhà máy đã giảm sút bất chấp một loạt biện pháp của chính phủ nhằm củng cố nền kinh tế đang có nguy cơ suy thoái, vốn bị ảnh hưởng bởi mức tiêu thụ suy yếu và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến 4,9% trong quý III, nhưng nước này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5%.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục