Giao dịch chứng khoán phiên sáng 24/8: Nhà đầu tư thận trọng, thanh khoản tiếp tục suy giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lo ngại những phiên biến động mạnh của các chỉ số sẽ xảy ra như vài phiên gần đây, nhà đầu tư đã chậm lại khá nhiều và chủ yếu chỉ mua thăm dò, tỷ trọng thấp trong khi hạn chế bán quá mức đã khiến thanh khoản thị trường tiếp tục xuống thấp.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 24/8: Nhà đầu tư thận trọng, thanh khoản tiếp tục suy giảm

Trong phiên hôm qua, thị trường mở cửa khá tích cực khi VN-Index có nhịp tăng hơn 10 điểm. Tuy nhiên, phút ngẫu hứng qua nhanh và áp lực bán quay trở lại khiến chỉ số hụt hơi và đảo chiều về dưới tham chiếu.

Tâm lý lo sợ bắt phải dao rơi duy trì trong phần lớn thời gian còn lại của phiên, khiến có thời điểm VN-Index về dưới 1.170 điểm, tương đương rơi 23 điểm so với mức đỉnh trong phiên. Nhưng đã kịp thu hẹp đà giảm đôi chút trong những phút cuối khi lực bán chững lại.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 24/8, sau chút rung lắc đầu đầu phiên, thị trường đã giao dịch tích cực hơn khi sắc xanh dần chiếm ưu thế trên bảng điện tử, cùng với nhóm bluechip góp sức, điển hình như SAB, MSN, FPT đã giúp VN-Index hướng lên ngưỡng 1.180 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Tuy vậy, giao dịch nhìn chung vẫn khá thận trọng khi thanh khoản suy giảm rõ rệt, có lẽ do lo ngại về biên độ dao động của chỉ số đang có xu hướng mở rộng hơn sau những phiên ‘giông bão’ vừa qua.

Một vài mã cổ phiếu riêng lẻ đang thu hút nhà đầu tư như SHA, SHS và hai cổ phiếu mía đường LSS và SBT, khi đã sớm tăng kịch trần, khớp lệnh tương đối tốt, với SBT khớp hơn 3 triệu đơn vị, đang thuộc nhóm cao nhất sàn và dư mua giá trần đã hơn 1,2 triệu đơn vị.

Cổ phiếu VNZ của CTCP Vinagame tăng vọt lên gần mức giá trần tại 1,245 triệu đồng/cổ phiếu sau khi có thông tin VNG Ltd, cổ đông sở hữu 49% của VNG đã nộp hồ sơ đăng ký lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) và dự kiến sẽ IPO cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch là VNG.

Chạm tới 1.180 điểm nhờ đà tăng của nhóm bluechip, nhưng cũng chỉ cần một vài mã hạ độ cao cũng đủ khiến chỉ số VN-Index thu hẹp đà tăng, khi mà sức mua trên bảng điện tử cũng chậm lại.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 264 mã tăng và 179 mã giảm, VN-Index tăng 4,56 điểm (+0,39%), lên 1.177,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 260,2 triệu đơn vị, giá trị 5.750,7 tỷ đồng, giảm 24% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,7 triệu đơn vị, giá trị 236,6 tỷ đồng.

Cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho VN-Index là FPT với mức tăng 4,4% lên 89.300 đồng. Hôm nay cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2023 của FPT bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10%.

Ngoài ra còn có SAB khi +2,7% lên 154.100 đồng, MSN +1,9% lên 79.000 đồng, TCB và VNM nhích 1,5%, còn HPG và MWG cùng tăng 1%.

Phần còn lại tăng nhẹ, như GAS, PLX, TPB, VRE, VCB, HDB, STB, SSI với mức tăng từ 0,1% đến 0,8%.

Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu BCM và VIC cùng mất 2% xuống lần lượt 66.100 đồng và 63.700 đồng. Trong khi sắc đỏ khác chỉ còn tại BVH, SHB, VIB, CTG, SSB với mức giảm nhẹ.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là bốn cổ phiếu SHA, SJS và cặp đôi mía đường LSS và SBT đứng vững ở mức giá trần, với SBT khớp 3,12 triệu đơn vị, LSS khớp 0,53 triệu đơn vị và cả hai mã này đều dư mua trần từ 1,3 đến 1,7 triệu đơn vị.

Tăng khá khác chỉ tại những mã riêng lẻ, như HSL +4,1% lên 9.180 đồng, CKG +4% lên 29.600 đồng, ITC +3,6% lên 11.500 đồng, DGW +3,3% lên 53.100 đồng, PTB +3,3% lên 55.600 đồng, NAF +3% lên 16.950 đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý còn có DXG khi +2,9% lên 19.450 đồng, khớp lệnh phiên này cao nhất sàn HOSE với hơn 11,2 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác trong nhóm thanh khoản cao nhất sàn và tăng điểm còn HHV, HDC, HCM, NLG, LDG, DGC, HSG, VCG, BCG, DIG, VND, VIX, khớp từ 1 triệu đến hơn 10 triệu đơn vị, nhưng mức tăng phần lớn chỉ trên dưới 1%.

Trái lại, dù có gần 180 mã giảm, nhưng lực cung giá thấp không xuất hiện nhiều, khiến đa số các mã giảm phần lớn chỉ mất điểm nhẹ, ngoại trừ PIT khi về giá sàn -6,9% xuống 8.880 đồng, chỉ khớp được 2.000 đơn vị và dư bán sàn 0,16 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nửa đầu phiên giằng co nhẹ cũng đã bật lên, nhưng cũng thu hẹp đà tăng về cuối phiên khi nhiều cổ phiếu hạ độ cao.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 71 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index tăng 0,53 điểm (+0,22%), lên 238,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,6 triệu đơn vị, giá trị 473,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,97 triệu đơn vị, giá trị 51 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa mạnh, trong đó, SHS, CEO, DDG, TIG, TAR nhích nhẹ, DTD +3,8% lên 27.500 đồng, trong khi APS, MBS, TNG, API, NRC, IPA mất điểm với mức giảm thấp, còn HUT, PVS, IDJ, AMV đứng tham chiếu.

Trong đó, SHS và CEO khớp lệnh vượt trội khi có 7,15 triệu và 3,45 triệu đơn vị.

Cổ phiếu đáng chú ý là LDP khi chạm giá trần +9,6% lên 10.300 đồng, khớp lệnh có hơn 0,18 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index bật tăng từ sớm và tiếp tục tìm đến các mức cao hơn cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 1,02 điểm (+1,14%), lên 90,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 12,73 triệu đơn vị, giá trị 252,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,13 triệu đơn vị, giá trị 12,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu QNS theo sóng mía đường đã thu hút lực cầu, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 2,16 triệu đơn vị, giá cổ phiếu tăng khá +5,9% lên 48.800 đồng.

Theo sau ngay là BSR khi khớp 1,97 triệu đơn vị, giảm 1,1% xuống 18.200 đồng.

Cổ phiếu VNZ kết phiên tăng 12,9% lên 1,246 triệu đồng/cổ phiếu, khớp lệnh chỉ đạt gần 3.000 đơn vị.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ