Giao dịch chứng khoán phiên sáng 2/3: Không thể cầm cự, VN-Index lao dốc mạnh

(ĐTCK) Việc giá dầu thô tăng vọt trong đêm hôm qua đã kéo nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh trở lại sau mấy phiên điều chỉnh vì áp lực chốt lời. Trong khi đó, nhóm ngân hàng vẫn đang là lực cản lớn với thị trường.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 2/3: Không thể cầm cự, VN-Index lao dốc mạnh

Trong phiên hôm qua (1/3), với sự hỗ trợ đắc lực từ VIC, cùng sự trợ giúp của GVR và một số mã lớn khác, VN-Index đã lấy lại đà tăng sau phiên giảm trước đó. Tuy nhiên, ngưỡng tâm lý 1.500 điểm đã trở thành ngưỡng kháng cự mạnh của VN-Index khi chưa có nhóm ngành nào thực sự đủ mạnh để dẫn dắt thị trường.

Cũng như thị trường tài chính toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng từ căng thẳng giữa phương Tây và Nga liên quan đến xung đột vũ trang ở Ukraine. Ngoài ra, yếu tố rất quan trọng khác chính là chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong phiên tối qua theo giờ Việt Nam, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm trong bối cảnh dự đoán về khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 3 thấp hơn nhiều so với trước do xuất hiện tình hình mới về xung đột vũ trang Nga - Ukraine. Phố Wall cũng giảm mạnh với sự mất điểm đến từ nhóm bank, công nghệ, trong khi đó nhóm năng lượng tăng lại tăng giá khi giá dầu thô WTI tăng vọt lên trên ngưỡng 103 USD/thùng, cao hơn cả giá dầu thô Brent.

Cùng hưởng lợi từ diễn biến giá dầu thô, nhóm cổ phiếu dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên sáng nay cũng đồng loạt tăng mạnh, trong đó đã xuất hiện những sắc tím. Hai mã lớn đầu ngành là GAS và PLX tăng tốt từ hơn 2% đến hơn 3%, có lúc PLX tăng hơn 4%, đóng góp lớn nhất vào điểm số của VN-Index.

Ngoài ra, nhóm bất động sản vẫn duy trì phong độ. Trong khi VIC sáng nay quay đầu điều chỉnh nhanh, thì đã có NVL thay thế, bên cạnh đó, các mã PDR, DIG cũng có đà tăng tốt, hay mã liên quan đến đất công nghiệp như GVR cũng tiếp tục duy trì đà tăng tốt.

Tuy nhiên, từng đó là chưa đủ, VN-Index yếu dần trong phiên sáng nay, VIC và một loạt mã ngân hàng rơi sâu đã kéo VN30-Index mất hơn 20 điểm, tác động tới chỉ số chung VN-Index giảm theo. Ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật là đường trung bình giá 50 ngày (MA50) ở khu vực 1.489 điểm vốn hỗ trợ rất tốt thị trường mấy phiên vừa qua nhanh chóng bị xuyên thủng, và chỉ bật trở lại khi chạm khu vực hỗ trợ tương đối mạnh 1.480 điểm.

Ngoài nhóm cổ phiếu lớn mất điểm, trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG, IDI, YEG cũng chịu áp lực chốt lời nên mất sắc tím, trong khi OGC vẫn duy trì sức nóng khi tiếp tục tăng trần lên 10.750 đồng và còn dư mua giá trần hơn 1,5 triệu đơn vị, khớp hơn 5 triệu đơn vị.

Nhóm dược phẩm VMD sau khi tăng dựng đứng với 5 phiên trần liên tiếp sau thông tin thuốc trị Covid của Công ty được cấp phép, đã bị chốt lời mạnh phiên hôm qua và hôm nay tiếp tục giảm sàn.

Chốt phiên, VN-Index giảm 13,62 điểm (-0,91%), xuống 1.485,16 điểm với 115 mã tăng (8 mã trần), trong khi có tới 340 mã giảm (7 mã sàn) và 46 mã tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt 595,4 tỷ đồng, tổng giá trị 19.070,6 tỷ đồng, tăng 17,2% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thoả thuận đóng góp 6,9 triệu đơn vị, giá trị 271,8 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng toàn bộ chìm trong sắc đỏ, trong đó giảm mạnh nhất là CTG giảm 3,5% xuống 32.150 đồng, khớp 11,8 triệu đơn vị. Tiếp đến là MBB, STB và VIB giảm trên dưới 3,2% xuống 32.900 đồng, 31.600 đồng và 45.500 đồng, trong đó MBB khớp 38,3 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE, STB khớp 29,2 triệu đơn vị, còn VIB chỉ khớp 2,2 triệu đơn vị.

Tiếp đến là HDB giảm 3% xuống 27.700 đồng, khớp 6,3 triệu đơn vị, VPB giảm 2,8% xuống 36.700 đồng, khớp 20,6 triệu đơn vị, MSB giảm 2,6% xuống 25.800 đồng, khớp 7,8 triệu đơn vị, LPB giảm 2,5% xuống 21.700 đồng, khớp 9,5 triệu đơn vị. SHB, BID, TPB, TCB giảm trên dưới 2%; OCB, EIB, ACB giảm từ hơn 1,2% đến 1,7%, SSB giảm 0,8% và may mắn cho VN-Index là mã đầu ngành VCB chỉ giảm 0,6% xuống 84.500 đồng.

Tương tự nhóm ngân hàng, nhóm chứng khoán cũng chìm trong sắc đỏ, trong đó SSI giảm 2,2% xuống 45.000 đồng, VND giảm 2,8% xuống 76.300 đồng, HCM giảm 1,6% xuống 37.300 đồng.

Trong nhóm bất động sản, VIC quay đầu giảm 1,5% xuống 78.000 đồng, trả lại hơn phân nửa những gì đã có trong phiên hôm qua. VHM cũng mất 1% xuống 77.200 đồng. Ngoài ra, còn có nhiều mã khác cũng giảm, nhưng chỉ dưới 1,7%. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, NVL tăng 1,9% lên 76.800 đồng, đóng góp lớn nhất cho VN-Index sáng nay. Các mã khác chỉ tăng trên dưới 1%, ngoại trừ mã bất động sản công nghiệp SZL tăng trần.

Nhóm dầu khí cũng hạ độ cao khi PVD tăng 3,6% lên 36.150 đồng, GAS chỉ còn tăng 0,9% lên 118.800 đồng.

Nhóm thép cũng chỉ còn vài ba mã tăng, ngoại trừ DTL vẫn duy trì sắc tím, chỉ còn có TNA và NKG tăng ở mức khiêm tốn, cùng HSG, VIS đứng giá tham chiếu, còn lại giảm. HPG dù đầu phiên có sắc xanh, nhưng chốt phiên cũng quay đầu giảm 0,3% xuống 46.750 đồng.

Nhóm VN30 ngoài trừ các mã như PLX, GAS, GVR, NVL, KDH, PDR, chỉ có thêm VJC, SAB, MSN tăng giá, cộng thêm FPT và POW may mắn đứng tham chiếu, còn lại 20 mã chìm trong sắc đỏ, trong đó giảm mạnh nhất là các mã ngân hàng như đã đề ở trên.

Ở nhóm vừa và nhỏ, áp lực chốt lời khiến HAG không còn duy trì sắc tím, đóng cửa tăng 2,7% lên 11.250 đồng, mức thấp gần nhất phiên, thanh khoản 18,1 triệu đơn vị. TSC từ sắc tím hôm qua, sáng nay cũng may mắn lắm mới giữ được sắc xanh nhạt với mức tăng 0,2% lên 21.150 đồng, khớp 11 triệu đơn vị. Chỉ có OCG vẫn giữ sắc tím 10.750 đồng, khớp 5,4 triệu đơn vị và còn dư mua trần 1,4 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, dù duy trì sắc xanh tốt trong phần lớn thời gian của phiên, nhưng áp lực bán mạnh từ HOSE đã ảnh hưởng tới sàn HNX, khiến sàn này cũng lao mạnh trong cuối phiên.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,91 điểm (-0,44%), xuống 441,61 điểm với 74 mã tăng (5 mã trần), trong khi có 152 mã giảm (duy nhất HPM giảm sàn với 1 lệnh khớp tối thiểu duy nhất, cung cầu cũng không còn gặp nhau). Tổng khối lượng giao dịch đạt 72,5 triệu đơn vị, giá trị 2.302,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thoả thuận đóng góp 3,9 triệu đơn vị, giá trị 90 tỷ đồng.

HNX hãm đà giảm cũng nhờ níu kéo của nhóm dầu khí, trong đó PVS tăng 4,6% lên 36.600 đồng, khớp 10,1 triệu đơn vị, đứng đầu sàn. PVC thậm chí tăng tốt hơn, thiếu chút nữa giữ được mức trần 24.800 đồng, tuy nhiên cũng đóng cửa chỉ dưới mức này 1 bước giá ở mức 24.700 đồng, tăng 9,3%, khớp 2,34 triệu đơn vị.

Ngoài ra, HNX-Index còn có sự hỗ trợ của IDC với mức tăng 0,8% lên 75.000 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị. HUT với mức tăng 1,1% lên 28.800 đồng, khớp 1,76 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các mã lớn ngân hàng, bất động sản, chứng khoán đều đua nhau giảm giá. Trong đó, SHS giảm 2,7% xuống 43.300 đồng, CEO giảm 1,3% xuống 70.900 đồng, BAB giảm 0,45% xuống 22.000 đồng, VCS giảm 0,65% xuống 106.300 đồng...

UPCoM cũng không ngoại lệ khi có phiên giảm sâu theo 2 sàn niêm yết sáng nay.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,92 điểm (-0,82%), xuống 111,46 điểm với 121 mã tăng, 158 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 58,2 triệu đơn vị, giá trị 1.270 tỷ đồng, trong đó giao dịch thoả thuận đóng góp 9,3 triệu đơn vị, giá trị 213,6 tỷ đồng.

Nhóm dầu khí vẫn là nhóm đóng vai trò hãm phanh với BSR tăng 2,2% lên 28.400 đồng, khớp hơn 10,6 triệu đơn vị. OIL tăng 3,5% lên 20.600 đồng, khớp 3,3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VGT giảm 3% xuống 25.900 đồng, khớp 3,3 triệu đơn vị, BVB giảm 2,5% xuống 19.900 đồng, khớp 3 triệu đơn vị. VHG giảm 1,1% xuống 9.300 đồng, khớp 2,44 triệu đơn vị....

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục