Trong các khuyến nghị mua bán tại nhiều diễn đàn, câu phổ biến là "đáy đã ở quanh đây". Khi mà số đông nhà đầu tư có niềm tin như vậy đã giúp lực bán chủ động giảm đáng kể, tiếc rằng, những nhà đầu tư cầm tiền dường như không đồng tình với nhận định này thể hiện ở lực mua vào quá yếu khiến thị trường giảm sâu phiên hôm qua và bỏ ngỏ khả năng phiên hôm nay cũng diễn ra theo một kịch bản tương tự.
Có một điểm khác biệt trong phiên hôm nay, thị trường mở của với sắc xanh, số mã tăng điểm đã ở khoảng 150 mã, thay vì chỉ 50 mã như phiên hôm qua. Lực mua giá thấp đã có sự cải thiện hơn đáng kể, tất nhiên, các nhà đầu tư chỉ mua ở giá đỏ nên thị trường cứ bật lên rồi lại giảm xuống. Đồng thời, khi giảm xuống sâu lại được kéo lên.
Về mặt kỹ thuật, nhiều mã đã đến ngưỡng hỗ trợ, nhiều mã đã có diễn biến tạo đáy khiến chứng khoán trở lại điểm hấp dẫn hơn. Vấn đề hiện tại lại nằm ở những phân tích cơ bản, về vĩ mô thì dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, điều này được dự báo sẽ có tác động không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó làm suy giảm kết quả kinh doanh quý III và cả năm.
Thế nên khi giá chứng khoán đã rơi khá sâu so với vùng đỉnh, VN-Index về vùng "hỗ trợ cứng" 1.200 (+/-) và rất gần với vùng giá bình quân 200 ngày (MA200) ở khoảng 1.160 điểm, thì câu hỏi với nhiều nhà đầu tư cầm tiền thời điểm này là bắt đáy nhóm ngành nào?
Câu trả lời dường như chưa có, một vài đánh giá tích cực về nhóm dược phẩm - y tế, nhóm bán lẻ là chưa đủ vì đây là những nhóm không có khả năng dẫn dắt chỉ số. Nhóm bất động sản với đại biểu Nhà Khang Điền (KDH), phiên hôm qua là đại diện duy nhất trong nhóm VN30 có giá màu xanh, hay tương tự là Hà Đô (HDG) - cổ phiếu chiến thắng thị trường, ngày hôm nay đã chìm trong sắc đỏ.
Tìm mã có khả năng bật lại tốt nhất, những nhóm ngành trong thời gian tới sẽ dẫn dắt thị trường vẫn đang là câu hỏi khó.
Quay lại với diễn biến giao dịch sáng nay 20/7, thị trường đã tạm thời ngắt được đà rơi và chuyển sang trạng thái giằng co, rung lắc quanh tham chiếu với biên độ hẹp, chủ yếu do sự phân hóa mạnh nhỏ nhóm bluechip.
Ở nhóm cổ phiếu lớn, đáng chú ý là MWG đã tăng tốt nhất nhóm, nhích hơn 3%, sau phiên hôm qua mất điểm mạnh nhất trong các bluechip. Trong khi VRE, VJC đang tạo gánh nặng lớn khi nới đà giảm.
Trên bảng điện tử, nhóm cổ phiếu dược phẩm, y tế vẫn đang có sức bật tốt hơn cả với VMD, DBT, VPS, JVC tăng kịch trần từ sớm.
Đáng chú ý khác tại một mã có phiên giao dịch đầu tiên trên UpCoM là VBA của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), với giá tham chiếu 13.500 đồng và đã nhanh chóng tăng vọt lên mức giá trần +40% lên 18.900 đồng, khớp gần 1,5 triệu đơn vị sau hơn 1 giờ giao dịch…
Một tân binh khác mới chào sàn HNX là KHG của CTCP Bất động sản Khải Hoàn Land đã tăng mạnh hơn 9% trong phiên sáng nay lên hơn 21.000 đồng, sau khi tăn hết biên độ trong phiên hôm qua.
Sau phiên giảm điểm mạnh ngày hôm qua, vài quan ngại về khả năng một số nhóm mã bị bán giải chấp (force margin) trong phiên hôm nay đã không xảy ra. Có lẽ, đợt giảm mạnh từ đầu tháng 7 đã giúp làm "xẹp hơi" bong bóng margin.
Sau nửa đầu phiên cầm cự, chờ đợi dòng tiền bắt đáy hoạt động tích cực hơn nâng đỡ thị trường. Tuy vậy, điều đó chưa đến, trong khi áp lực bán lại gia tăng ở nhiều nhóm ngành khiến VN-Index dần lùi bước và có thời điểm thủng 1.230, trước khi có nhịp nảy trở lại vào những phút cuối.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 132 mã tăng và 218 mã giảm, VN-Index giảm 9,53 điểm (-0,77%), xuống 1.233,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 244 triệu đơn vị, giá trị 7.768,3 tỷ đồng, giảm hơn 29% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 15,8 triệu đơn vị, giá trị 661,4 tỷ đồng.
Các bluehip vấn phải lực cản ngày một lớn về cuối phiên, khiến một số nới rộng đà giảm và không ít còn đảo chiều xuống dưới tham chiếu.
Theo đó, VRE là cổ phiếu dẫn đầu đà giảm, mất 6% xuống 25.200 đồng. Tiếp theo là PNJ -3,9% xuống 88.000 đồng, VJC -3,3% xuống 110.200 đồng, VIC -2,4% xuống 100.400 đồng, PLX -2,3% xuống 47.850 đồng, SBT và VCB cùng giảm 2,2%, trong khi VPB, PDR, MBB, GAS mất 1,7%. Chìm trong sắc đỏ còn có TCB, CTG, BVH, VHM, POW, FPT…
Ở chiều ngược lại, sắc xanh chỉ còn tại 6 mã, với MWG tăng tốt nhất, nhưng cũng chỉ còn +2,2% lên 159.900 đồng, HPG +1,2% lên 44.850 đồng, và nhích nhẹ là MSN, TPB, TCH, REE.
Thanh khoản phiên này HPG cao nhất với hơn 20,7 triệu đơn vị khớp lệnh. Theo sau là bộ tứ nhóm ngân hàng TCB, CTG, STB và MBB, khớp từ 8,8 triệu đến 13,5 triệu đơn vị. Đây cũng là các cổ phiếu có khối lượng giao dịch cao nhất trên toàn sàn HOSE.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã giảm cũng dần nhiều hơn, với một số như HID, HCD, APH, PSH, PHC đều giảm sàn.
Giảm sâu khác còn có những cổ phiếu quen thuộc như PVD -5,9% xuống 16.800 đồng, VIX -6,3% xuống 19.300 đồng, VCI -5,1% xuống 46.050 đồng, HNG -4,7% xuống 7.850 đồng, DXG -3,2% xuống 19.450 đồng, VIB -4,2% xuống 40.000 đồng…
Một số ít nhích lên, nhưng đa số cũng chỉ tăng nhẹ là HSG, KBC, AAA, DCM, TTF, GVR, CKG…cùng với nhóm cổ phiếu dược phẩm, y tế như JVC, VMD, DBT, VPS đứng vững sắc tím.
Trên sàn HNX, sự phân hóa mạnh cũng diễn ra ở nhóm cổ phiếu lớn, thanh khoản tốt, khiến HNX-Index gần như giằng co quanh tham chiếu trong suốt cả phiên sáng.
Cổ phiếu PVS phiên này giảm mạnh nhất trong số các mã lớn, mất 5,3% xuống 21.300 đồng và thanh khoản cũng dẫn đầu sàn với hơn 8,19 triệu đơn vị khớp lệnh.
Cũng giảm khá mạnh là NVB -4,1% xuống 16.300 đồng, DXS -3,9% xuống 26.900 đồng, APS -2,6% xuống 11.400 đồng, PVC -7,2% xuống 7.700 đồng…
Trái lại, tân binh KHG khởi sắc nhất, khi có thêm một phiên tăng kịch trần +9,7% lên 21.400 đồng, khớp hơn 830.000 đơn vị.
Tăng tốt còn có TNG +5,8% lên 20.000 đồng và cổ phiếu nhỏ BII +8,4% lên 9.000 đồng, trong khi SHS, VND, CEO, IDC nhích từ 1,3% đến gần 2%, còn SHB đứng tham chiếu tại 25.600 đồng.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 62 mã tăng và 95 mã giảm, HNX-Index giảm 0,58 điểm (-0,2%), xuống 291,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 49,6 triệu đơn vị, giá trị 1.106,9 tỷ đồng.
Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,85 triệu đơn vị, giá trị hơn 375,5 tỷ đồng, với đóng góp chủ yếu từ 9,228 triệu cổ phiếu PVI, trị giá 345,5 tỷ đồng và nhiều khả năng đây là thỏa thuận liên quan đến HDI Global SE, khi cổ đông lớn này của PVI có thông báo đăng ký mua hơn 9,22 triệu cổ phiếu từ ngày 20/7 đến 18/8 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng chịu áp lực trong nửa sau của phiên và tạm nghỉ trong sắc đỏ.
Các cổ phiếu có thanh khoản cao phần lớn đều giảm như BSR, ABB, BVB, SBS, ORS, OIL, AAS và mức giảm tương đối mạnh, từ 4 đến hơn 5%.
Trong khi tân binh VAB khởi sắc và là điểm nhấn chính, khi tiếp tục đứng vững ở mức giá trần +40% lên 18.900 đồng, khớp hơn 1,45 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,21%), xuống 82,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,98 triệu đơn vị, giá trị 377,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,02 triệu đơn vị, giá trị gần 47 tỷ đồng.