Giao dịch chứng khoán phiên sáng 16/8: Cổ phiếu VIC bứt tốc nhờ “động cơ” Vinfast

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc cổ phiếu Vinfast (VFS) tăng 68% trong ngày giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ, giúp vốn hóa của hãng xe của Vingroup có mức vốn hóa tới 85 tỷ USD đã hâm nóng cổ phiếu VIC.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 16/8: Cổ phiếu VIC bứt tốc nhờ “động cơ” Vinfast

Sau nhiều thời gian chờ đợi, thời khắc lịch sử của một doanh nghiệp Việt cũng đã tới với sự kiện cổ phiếu VFS của hãng xe Vinfast, thành viên của Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq với 2,3 tỷ cổ phiếu. Ngay sau tiếng chuông mở cửa phiên, cổ phiếu VFS tăng lên mức 22 USD/cổ phiếu, giúp vốn hóa của hãng xe vượt mốc 50 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức định giá trước khi lên sàn là 23 tỷ USD.

Mọi việc không dừng lại ở đó, sau khi hạ nhiệt xuống ngưỡng 17 USD/cổ phiếu, cổ phiếu VFS đã trở lại đường đua và bứt tốc một mạch lên ngưỡng hơn 37 USD/cổ phiếu khi đóng cửa phiên giao dịch, giúp vốn hóa của hãng lên mức trên 85 tỷ USD.

Sự kiện chào sàn chứng khoán Mỹ thành công mỹ mãn của Vinfast đã tiếp thêm sức nóng cho cổ phiếu VIC đang niêm yết trên sàn HOSE ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay. Việc vốn hóa của Vinfast tăng vọt lên 85 tỷ USD cũng giúp cho giá trị của Tập đoàn Vingroup tăng mạnh theo, do đó ngay khi mở cửa phiên sáng nay, dòng tiền ồ ạt tranh mua cổ phiếu VIC, giúp mã này tăng kịch trần ngay đầu phiên, lên 75.600 đồng. Tuy nhiên, với nhiều nhà đầu tư tạo tin đã mua vào từ 2 tuần trước, đây chính là thời điểm tốt để hiện thực hóa lợi nhuận khi đã có mức lãi hơn 40%, nên cổ phiếu này có lúc mất sắc tím. Tuy nhiên, bên tranh mua vẫn thắng thế và sau đó hoàn toàn áp đảo, hấp thụ hết tất cả lệnh bán chốt lời, kéo VIC trở lại mức trần với thanh khoản rất tốt, hơn 11 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần tới hơn 6 triệu đơn vị.

Sức nóng của VIC sau đó lan tỏa dần ra nhiều mã bluechip khác, giúp VN-Index lên trên ngưỡng 1.240 điểm, dù có thời điểm cũng chịu chút rung lắc do áp lực chốt lời và sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử.

Thị trường nhìn chung tiếp tục phân hóa và nhà đầu tư chủ yếu mua thăm dò, có phần thận trọng, nhưng việc cổ phiếu VIC hoạt động tốt đã giúp VN-Index giữ được ngưỡng trên 1.240 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 198 mã tăng và 233 mã giảm, VN-Index tăng 7,44 điểm (+0,60%), lên 1.241,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 426,7 triệu đơn vị, giá trị 9.978,2 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng và tăng 11% về khối lượng so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 29,1 triệu đơn vị, giá trị 823,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu VIC vẫn là cái tên đáng nhắc đến nhất trong số các bluechip, khi giữ vững giá trần +6,9% lên 75.600 đồng, khớp lệnh đạt hơn 14,1 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 4,73 triệu đơn vị. Cổ phiếu này cũng là mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index với gần 5 điểm tích cực.

Ngoài VIC thì trong số các bluechip khác chỉ còn TCB và STB khi ghi nhận mức tăng tốt hơn phần còn lại tại rổ VN30, với TCB +3,2% lên 35.150 đồng và STB +2,5% lên 32.300 đồng. Trong đó, STB phiên này khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 24,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Phần còn lại biến động nhẹ, với các cổ phiếu ngân hàng VCB, VIB, CTG, MBB, HDB, ACB, BID và FPT, VHM, VRE nhích nhẹ, còn VPB, SHB, VJC, HPG, MWG, BCM giảm không đáng kể.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, chỉ một số ít hút lực cầu mạnh và phân tán, với FCM, TNA, TNT, DC4 kết phiên ở giá trần, TDH +6,5% lên 6.400 đồng, TTF +3,2% lên 6.080 đồng, VIX +3,2% lên 17.700 đồng, DXS +3% lên 11.900 đồng và nhích hơn 2% chỉ có tại LEC, EIB, EVF, PJT, VPH, UID và DPR.

Trái lại, cũng như phiên sáng hôm qua, khi sắc đỏ dù lấn át trên bảng điện tử, nhưng không mã nào giảm sâu đáng kể. Tuy vậy, những cái tên đáng kể như ở nhóm bất động sản, xây dựng, thép, HHS, NKG, HSG, KBC, LDG, HHV, KHG, SCR, ITA, DIG, NVL đều giảm, thanh khoản thuộc top cao nhất sàn khi có từ 1,9 triệu đến hơn 19 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nhịp rung lắc đầu phiên đã yếu dần và chạm về gần tham chiếu khi kết phiên khi nhiều mã hạ độ cao.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 76 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 0,19 điểm (+0,08%), lên 251,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 49,4 triệu đơn vị, giá trị 970,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,3 triệu đơn vị, giá trị 36 tỷ đồng.

Cổ phiếu CEO sau phiên bùng nổ hôm qua đã chững lại và kết phiên chỉ còn +0,9% lên 23.600 đồng, dù có thời điểm áp sát giá tham chiếu, thanh khoản duy trì mức cao nhất sàn với hơn 9 triệu đơn vị khớp lệnh.

Cổ phiếu L14 từ giá trần về còn +4,5% lên 59.800 đồng, khớp hơn 1,52 triệu đơn vị.

Phần còn lại với PVS, AMV, PVC, VFS, DMV, NVB tăng nhẹ, trong khi HUT, IDJ APS, IDC, NRC, MBG, LIG mất điểm, dù đa số chỉ giảm nhẹ, còn SHS, API, MBS, DDG đứng tham chiếu, khớp lệnh từ 0,56 triệu đến hơn 7,2 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index đã tìm về được gần tham chiếu sau khi bị đẩy xuống khá dốc vào đầu phiên khi nhiều cổ phiếu thu hẹp đà giảm.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,04%), xuống 93,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24,4 triệu đơn vị, giá trị 362,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,6 triệu đơn vị, giá trị 38,6 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa mạnh và biên độ giá thay đổi không nhiều, với BSR, DGT, SBS, QNS, NED giảm nhẹ, trong đó, BSR -1,4% xuống 20.400 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 5,26 triệu đơn vị.

Một vài mã tăng có VGI, AMS, VAB, PXI, HHG, PXS, trong khi C4G, ABB, OIL, TCI đứng tham chiếu, khớp từ 0,4 triệu đến 1,22 triệu đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 154,884 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.1 0.11% 447 tỷ