Giao dịch chứng khoán phiên sáng 16/5: Cổ phiếu VPL tiếp tục bay cao

(ĐTCK) Thị trường có tín hiệu chững lại không khó đoán sau khi đã liên tiếp tăng bốn phiên, với bảng điện tử sáng nay phân hóa cao và dòng tiền chậm lại. Tuy vậy, vẫn có những điểm nhấn riêng lẻ đáng chú ý, như sức hút từ nhóm cổ phiếu Gelex hay tân binh VPL duy trì mức giá trần ngay từ sớm.

Trong phiên hôm qua, sau nửa đầu phiên giảm điểm nhẹ với giao dịch thận trọng, thị trường sau giờ nghỉ trưa đã tích cực hơn, với điểm nhấn tiếp tục là nhóm cổ phiếu ngân hàng với tâm điểm SHB khi có lúc đã chạm giá trần, khớp lệnh vượt trội.

Mặc dù vậy, sự thận trọng nhất định vẫn đeo bám thị trường do đây là phiên đáo hạn phái sinh và thị trường đã tăng mạnh hơn 40 điểm trong ba phiên gần nhất, qua đó, VN-Index không thể tiến xa hơn, mà rung lắc nhẹ ở ngay trên tham chiếu cho đến khi đóng cửa.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 16/5, nhà đầu tư chậm lại đáng kể, dòng tiền trên thị trường chưa vội tham gia và hầu như không xuất hiện nhóm ngành nào có sự đồng thuận đáng kể, chỉ số VN-Index cũng khá ảm đạm khi giằng co quanh tham chiếu trong biên độ hẹp.

Điểm nhấn vẫn đang ở những cổ phiếu riêng lẻ với nhóm cổ phiếu nhà Gelex là GEE tăng kịch trần lên 93.200 đồng và GEX tăng hơn 4%, trong khi VIX duy trì là cổ phiếu khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 32 triệu đơn vị, nhưng giá cổ phiếu chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ.

Trong khi đó, tân binh VPL tiếp tục bay cao và tăng kịch trần từ sớm +7% lên 104.500 đồng, khớp chỉ hơn 0,21 triệu đơn vị, do bên cầm cổ phiếu vẫn chưa có ý định bán. Với mức giá này, cổ phiếu VPL đã lọt top 7 vốn hóa lớn nhất toàn thị trường, vượt qua cả những tên tuổi lớn như MBB, GAS, HPG, FPT.

Thị trường chịu sức ép gia tăng ở nửa sau của phiên, khi VN-Index có nhịp rơi gần 10 điểm trước khi chững lại. Dòng tiền chậm lại đáng kể, giá trị giao dịch trên sàn HOSE chưa đạt tới 10.000 tỷ đồng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 140 mã tăng và 161 mã giảm, VN-Index giảm 5,31 điểm (-0,40%), xuống 1.307,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 450,8 triệu đơn vị, giá trị 9.658,2 tỷ đồng, giảm 23% về khối lượng và 28% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,3 triệu đơn vị, giá trị 293 tỷ đồng.

Nhóm VN30 có đến 23 mã giảm là tác nhân chính khiến VN-Index suy yếu, nhưng may mắn là không cổ phiếu giảm mạnh, với VPB dẫn đầu cũng chỉ -2,2% xuống 18.150 đồng, khớp lệnh cao nhất nhóm với hơn 24,2 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu theo sau đa số là nhóm ngân hàng với TCB, VCB, CTG, SHB, BID, SSB, STB cùng cổ phiếu FPT với mức giảm 1,3% đến 1,8%.

Lác đác vài bluechip tăng, nhưng mức tăng khiêm tốn là VHM, SAB, ACB, SSI, VIC, PLX…

Các cổ phiếu khác trên bảng điện tử, với những cái tên đáng chú ý từ đầu phiên như GEE, VPL, TCD, DPG giữ vững sắc tím. Trong đó, TCD khớp hơn 7,1 triệu đơn vị, DPG khớp 2,22 triệu đơn vị, GEE khớp 1,15 triệu đơn vị và VPL vẫn chỉ khớp hơn 0,33 triệu đơn vị.

Tăng đáng kể khác không còn nhiều, với hai mã ngành điện VNE +5,7% lên 4.860 đồng, TV2 +5% lên 38.200 đồng. Các cổ phiếu GEX, CTS, HII, DLG, APG tăng gần 3% đến gần 4%, đi kèm thanh khoản khớp lệnh cao.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nhịp tăng đầu phiên đã lùi về quanh tham chiếu và biến động nhẹ sau đó.

Chốt phiên, sàn HNX có 64 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index tăng 0,20 điểm (+0,09%), lên 219,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 44,4 triệu đơn vị, giá trị 588,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Các cổ phiếu nhỏ hoạt động mạnh, với LIG, DDG, GKM, KSQ tăng kịch trần, DL1 +7% lên 9.000 đồng, trong khi SRA giảm sàn về 3.800 đồng. Trong đó, DL1 vươn lên khớp lệnh cao nhất sàn với gần 5,9 triệu đơn vị.

Những cái tên quen thuộc như MBS, CEO, BVS tăng nhẹ, NVB nhích gần 6% lên 11.200 đồng. Còn PVS, IDC, VFS, IDJ giảm nhẹ và SHS đứng tham chiếu.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng đã lùi về dưới tham chiếu sau những phút đầu tăng điểm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,02%), xuống 95,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 39,5 triệu đơn vị, giá trị 259,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,16 triệu đơn vị, giá trị 15,7 tỷ đồng.

Tương tự hai sàn chính, các cổ phiếu nhỏ trên UpCoM biến động mạnh, với ATA, BII, DCS, TAR đã tăng kịch trần, BCR và POM tăng 7-9%...

Phần còn lại với BVB, BGE, AAH, HNG, ABB, DRI, OIL, DFF đứng giá tham chiếu.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục