Cơ hội rộng mở với lĩnh vực quản lý tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù còn nhiều thách thức, nhưng ngành quản lý tài sản ở Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để phát triển.
Nhu cầu đầu tư của người dân ngày càng tăng, là cơ hội cho ngành quản lý tài sản phát triển Nhu cầu đầu tư của người dân ngày càng tăng, là cơ hội cho ngành quản lý tài sản phát triển

Mới Ở giai đoạn sơ khai

Số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết, trong năm 2024, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước tăng thêm 2 triệu tài khoản, đạt hơn 9,2 triệu tài khoản. Con số này tương đương khoảng 9% dân số, hoàn thành mục tiêu trước thời hạn 2025 (tại Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030) và hướng đến mục tiêu 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

Trong khi đó, tính đến cuối năm 2024, chỉ có khoảng 393.000 nhà đầu tư tham gia vào quỹ mở. Dù có mức tăng trưởng trên 50% so với năm 2023 nhưng con số này vẫn quá nhỏ bé so với quy mô dân số Việt Nam. Dẫu nhiều quỹ đầu tư thể hiện hiệu suất hoạt động ấn tượng và tăng trưởng tốt, song các con số trên cho thấy ngành quỹ tại Việt Nam mới ở giai đoạn đầu phát triển, với sự tham gia của người dân còn rất khiêm tốn, các nhà đầu tư vẫn còn dè dặt với kênh đầu tư này.

Lãnh đạo các công ty quản lý quỹ từng chia sẻ, có đến 90% giá trị tài sản quản lý đến từ ủy thác đầu tư; trong đó, 85% giá trị ủy thác đến từ các công ty bảo hiểm và 80% giá trị ủy thác là trái phiếu và tiền gửi.

Trong khi đó, ở các nền kinh tế phát triển, các quỹ đầu tư đã trở thành điểm đến quen thuộc của những nhà đầu tư. Ở lĩnh vực quản lý tài sản, khu vực châu Á chứng kiến sự hiện diện rõ rệt của hai đối thủ hàng đầu là Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) - luôn cạnh tranh để thu hút giới đầu tư giàu có, chủ yếu từ Trung Quốc.

Singapore đã có những thay đổi lớn trong lĩnh vực quản lý tài sản sau chiến lược Big Bang năm 1994 của Thủ tướng Lý Quang Diệu, thu hút các nhà đầu tư có giá trị tài sản lớn. Quốc gia này từ lâu đã được xem là điểm đến lý tưởng cho dòng tiền của giới siêu giàu, đặc biệt với sự bùng nổ của dịch vụ quản lý gia sản và đầu tư bền vững. Những văn phòng quản lý gia sản tại Singapore sẽ xử lý những công việc từ đầu tư, chuyển giao tài sản, thuế cho các gia đình giàu có.

Trong khi đó, Hồng Kông (Trung Quốc) đang đứng trước khả năng trở thành trung tâm quản lý tài sản lớn nhất thế giới. Với lợi thế là không đánh thuế thừa kế và thuế trên thặng dư vốn, cùng với kế hoạch ưu đãi thuế của chính quyền, Hồng Kông đang thu hút các quỹ toàn cầu và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành quản lý tài sản.

Ông Sergio P. Ermotti, Tổng giám đốc điều hành UBS cho biết, hoạt động kinh doanh quản lý tài chính của Hồng Kông đang tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 7,6% và có khả năng sẽ thay thế Thụy Sĩ trở thành trung tâm quản lý tài sản hàng đầu thế giới vào năm 2027. Giám đốc điều hành HSBC cũng dự kiến quy mô quản lý tài sản của Hồng Kông sẽ tăng lên 3.200 tỷ USD vào năm 2028, vượt qua mức 3.100 tỷ USD của Thụy Sĩ.

Nhìn sang các thị trường trong khu vực, Việt Nam có cơ hội học hỏi kinh nghiệm và xét về tiềm năng, lĩnh vực quản lý tài sản tại Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Dư địa rộng mở

McKinsey dự báo, đến năm 2027, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tư vấn tài chính cá nhân (PFA) trị giá khoảng 600 tỷ USD.

Báo cáo của McKinsey & Company với tiêu đề “Tương lai châu Á - Diện mạo mới của người tiêu dùng Việt” ước tính, Việt Nam có khoảng 37 triệu người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030. Dự báo của Knight Frank cho rằng, đến năm 2028, tốc độ tăng số lượng người siêu giàu của Việt Nam dự kiến cao hơn Hàn Quốc, Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc). Với sự gia tăng này, cơ hội mở ra đối với ngành quản lý quỹ rất to lớn, đặc biệt trong hoạt động ủy thác quản lý tài sản.

Theo TechsciResearch, thị trường quản lý tài sản toàn cầu (Wealth Management - WM) được định giá 1.100 tỷ USD vào năm 2022 và dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) là 9,85% cho đến năm 2028. Sự bất ổn ở các thị trường phát triển (do thay đổi chính sách, bất ổn chính trị…) kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường quản lý tài sản dịch chuyển sang các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Báo cáo của McKinsey cho biết, đến năm 2027, Việt Nam dự báo sẽ trở thành thị trường tư vấn tài chính cá nhân (PFA) trị giá khoảng 600 tỷ USD, tăng trưởng với tốc độ 11% mỗi năm, từ mức PFA cơ bản là khoảng 360 tỷ USD tính đến cuối năm 2022.

Trước bối cảnh này, ngành quản lý quỹ, quản lý tài sản cần nhiều động lực hơn để bắt kịp những cơ hội của thị trường.

Số liệu cập nhật cho biết, hiện cả nước có 43 công ty quản lý quỹ, với 123 quỹ đầu tư chứng khoán, tổng tài sản quản lý đạt hơn 750.000 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với năm 2014. Trong suốt một thập kỷ qua, ngành quỹ đã duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh, trung bình trên 20% mỗi năm.

Tại Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam”, diễn ra vào cuối tháng 3/2025, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, dù đã đạt được những thành công nhất định, ngành quỹ tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng, khi tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ mới chỉ chiếm gần 6% GDP, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực. Số lượng nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm tỷ lệ lớn, nên thị trường dễ bị biến động theo tâm lý của nhà đầu tư.

Để đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nghiên cứu để ban hành các quy định về các loại hình quỹ mới như quỹ chỉ số, quỹ đầu tư vào công cụ thị trường tiền tệ, quỹ đầu tư vào trái phiếu cơ sở hạ tầng…

Không chỉ đứng trước thị trường đầy tiềm năng, sự ủng hộ từ chính sách nhà nước làm gia tăng thêm động lực phát triển cho ngành quản lý quỹ, quản lý tài sản. Các sản phẩm mới trên thị trường sẽ đem tới nhiều lựa chọn đầu tư, để đa dạng hóa danh mục, đồng thời thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, tạo điều kiện mở rộng dịch vụ quản lý tài sản.

Trên thực tế, nhiều tổ chức tài chính đều đã nhìn nhận được cơ hội của thị trường rộng lớn này và đang dần lên kế hoạch gia tăng dịch vụ quản lý tài sản cho khách hàng. Dẫn đầu là các ngân hàng thương mại khi trong những năm gần đây, các quan hệ đối tác quốc tế đã được xác lập, như BIDV bắt tay với Tập đoàn Rothschild, MB với Bordier&Cie. Các ngân hàng cũng liên tục triển khai các thương vụ thành lập/mua bán vốn cổ phần các công ty chứng khoán và quản lý quỹ để hoàn thiện hệ sinh thái tài chính, cung cấp tốt hơn các dịch vụ đầu tư và quản lý tài sản tới khách hàng.

Đặc biệt, một số ngân hàng như MBBank, BIDV, Techcombank, VPBank… đã thành lập bộ phận Private Banking (mô hình dịch vụ ngân hàng chuyên biệt cho các khách hàng có khối tài sản lớn) như cách Trung Quốc và các nước châu Âu đang làm. Điều này giúp việc tiếp cận sản phẩm quản lý tài sản trở nên phổ biến hơn nữa.

Báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán SHS cũng cho biết, tại Việt Nam, động lực thị trường quản lý tài sản hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào biến động lãi suất tiền gửi và chứng khoán. Tuy nhiên, nếu có sự phát triển của quỹ hưu trí tự nguyện hoặc chính sách ưu đãi thuế cho đầu tư dài hạn, thị trường này sẽ có cơ hội chuyển dịch từ mang tính thời điểm sang ổn định và bền vững hơn.

SHS đánh giá, dù còn nhiều thách thức, nhưng Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lịch sử để phát triển ngành quản lý tài sản. Khi thu nhập bình quân đầu người tăng, nhu cầu đầu tư tài chính sẽ bùng nổ. Nếu thị trường kịp thời mở rộng danh mục sản phẩm, cải thiện kênh phân phối và có thêm chính sách khuyến khích đầu tư dài hạn, ngành quản lý tài sản Việt Nam có thể bước vào một chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ, sánh ngang với các nước trong khu vực và tiến dần tới chuẩn mực quốc tế.

Trịnh Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục