Giao dịch chứng khoán phiên sáng 15/5: Cổ phiếu VPL vẫn "nóng bỏng tay"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền nhìn chung vẫn đang cho tín hiệu tích cực khi duy trì ở mức tương đối cao trên bảng điện tử, ngay cả khi hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh, vốn thường xuyên mang đến sự thận trọng cao và khiến thanh khoản suy giảm đáng kể. Điểm nhấn khác và đáng chú ý nhất có lẽ vẫn là tân binh VPL khi tiếp tục duy trì sắc tím.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 15/5: Cổ phiếu VPL vẫn "nóng bỏng tay"

Trong phiên hôm qua, VN-Index có tín hiệu tích cực từ sớm nhờ dòng tiền mạnh, cũng như sự hỗ trợ của tân binh VPL, cùng nhóm ngân hàng đồng loạt tăng, giúp chỉ số dễ dàng vượt qua mốc tâm lý 1.300 điểm.

Dù có đôi chút rung lắc sau đó, nhưng dòng tiền nhập cuộc đầy hứng khởi và điểm đến vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là VPB, đã kéo VN-Index trở lại quỹ đạo tăng, từ từ tiến thẳng lên gần 1.310 điểm khi đóng cửa.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 15/5, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng điểm ngay khi mở cửa, nhưng đà tăng nhanh chóng chững lại và thay vào đó là giao dịch rung lắc, giằng co nhẹ đã diễn ra. Diễn biến này không bất ngờ khi một số chỉ báo kỹ thuật đã chỉ ra sau khi chỉ số liên tiếp có những phiên tăng mạnh gần đây.

Mặc dù vậy, áp lực chưa thực sự lớn khi nhìn chung nhà đầu tư vẫn đang nắm chặt hàng, trong khi lực cung vẫn được tiết giảm mạnh.

Thêm vào đó, sự thận trọng cũng gia tăng, bởi hôm nay cũng là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2505.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất trên bảng điện tử lúc này vẫn đang là tân binh VPL khi tiếp tục tăng kịch trần từ khá sớm +6,9% lên 97.700 đồng, khớp hơn 0,56 triệu đơn vị sau hơn 1 giờ giao dịch.

Áp lực cung có phần gia tăng, trong khi một số bluechip nới đà giảm đã khiến VN-Index có nhịp giảm gần 15 điểm xuống gần 1.300 điểm, trước khi chững lại và hãm đà rơi ở những phút cuối. Điểm tích cực là dòng tiền vẫn đang chảy mạnh cho thấy sự tự tin của nhà đầu tư thời điểm này, ngay cả trong phiên đáo hạn phái sinh, điều ít khi xảy ra.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 118 mã tăng và 189 mã giảm, VN-Index giảm 3,01 điểm (-0,23%), xuống 1.306,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 583,8 triệu đơn vị, giá trị 13.302,6 tỷ đồng, tăng 22% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 33 triệu đơn vị, giá trị 569 tỷ đồng.

Áp lực từ bộ đôi cổ phiếu bluechip nhà Vin là VRE và VHM đến chỉ số là lớn nhất. Trong đó, VRE có thời điểm giảm sàn trước khi kết phiên -4,9% xuống 23.500 đồng, còn VHM -4,5% xuống 57.700 đồng.

Các bluechip khác giảm điểm gần như chỉ giảm nhẹ, với các cổ phiếu theo sau hai mã trên là VIC, FPT, GVR, TPB, BCM, VJC với mức giảm từ 1% đến 2,4%.

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm với LPB dẫn đầu mức tăng, dù chỉ +2,7% lên 36.650 đồng. Các mã MBB, SSB, ACB, SHB tăng 2% đến 2,3%. Trong đó, SHB và MBB khớp lệnh vượt trội, cao nhất toàn sàn với lần lượt 75,6 triệu và 53,5 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ khác, với cổ phiếu VPL duy trì sắc tím tại 97.700 đồng, khớp lệnh đạt tổng cộng hơn 0,77 triệu đơn vị.

Hai cổ phiếu nhà Bamboo Capial là BCG và TCD có thêm một phiên tăng hết biên độ lên 3.520 đồng và 2.050 đồng, khớp lần lượt 5,76 triệu và 0,76 triệu đơn vị.

Trái lại, một bộ phận nhà đầu tư cơ cấu danh mục, khiến một số mã giảm với thanh khoản đáng kể như HAG, SBG, HHS, GEX, FIR, VPI, GEG...giảm từ gần 2,5% đến 3,5%.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nửa đầu phiên tăng điểm cũng đảo chiều về dưới tham chiếu và hãm đà rơi sau đó.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 58 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index giảm 0,89 điểm (-0,41%), xuống 217,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 37 triệu đơn vị, giá trị 578,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,18 triệu đơn vị, giá trị 2 tỷ đồng.

Ba cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn là MBS, SHS và CEO tăng điểm, dù mức tăng cũng chỉ ở mức thấp, khớp 2,9 triệu đến hơn 8,3 triệu đơn vị.

Các mã khớp lệnh theo sau đa số giảm, dù mức giảm cũng chỉ trên dưới 1% đôi chút như TIG, VTZ, IDC, VFS, PVS, AAV…

Trên UPCoM, nhiều cổ phiếu duy trì sắc xanh đã giúp UPCoM-Index đứng vững trên tham chiếu cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,47 điểm (+0,50%), lên 95,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,8 triệu đơn vị, giá trị 324,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Các cổ phiếu đáng chú ý nhất là BGE và BCR khi tăng 12% và 15%, khớp lệnh thuộc top cao nhất với 2,34 triệu và 3,42 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu DFF tăng trần +7,7% lên 1.400 đồng, khớp 1,09 triệu đơn vị, AAS +11,4% lên 8.800 đồng, khớp 1,93 triệu đơn vị, G36 +8,1% lên 6.700 đồng, khớp 0,83 triệu đơn vị.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục