Giao dịch chứng khoán phiên sáng 14/5: Cổ phiếu VIC nâng đỡ thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đà khởi sắc của cổ phiếu VIC sau khi chính thức mở nhận đặt cọc mẫu xe điện mới đang là động lực chính cho thị trường trong phiên sáng nay.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 14/5: Cổ phiếu VIC nâng đỡ thị trường

Trong phiên hôm qua, thị trường sớm chịu áp lực rung lắc sau những phút đầu tăng điểm khi dòng tiền ngày một chậm lại. Có thời điểm VN-Index giảm mạnh về sát ngưỡng 1.230 điểm trước khi bật trở lại vùng 1.240 điểm ở những phút cuối.

Mặc dù khó tránh khỏi pha điều chỉnh, nhưng lực cầu được kích hoạt tại vùng giá trên đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm với thanh khoản tăng nhẹ so với phiên trước, nhưng vẫn ở dưới mức trung bình.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 14/5, chỉ số VN-Index bật tăng từ sớm và đã có thời điểm vượt qua ngưỡng cản 1.250 điểm nhờ sắc xanh chiếm ưu thế lớn trên bảng điện tử và cả nhóm VN30.

Tuy vậy, dòng tiền vẫn chỉ dừng lại ở mức vừa phải và khi một số bluechip hạ độ cao đã khiến VN-Index rơi xuống dưới mốc điểm trên sau hơn 1 giờ giao dịch.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất là VIC khi có thời điểm đã áp sát mức giá trần và là cổ phiếu nâng đỡ chính cho thị trường, sau khi chính thức nhận đặt cọc mẫu xe điện miniVF 3 từ rất sớm trong sáng nay, với mẫu VinFast VF 3 có mức giá ưu đãi 235 triệu đồng/xe (chưa bao gồm pin) và 315 triệu đồng/xe (kèm pin).

Sau thời gian trên, giá bán của VF 3 được điều chỉnh lần lượt là 240 triệu đồng/xe (thuê pin) và 322 triệu đồng/xe (kèm pin) cho 4 màu ngoại thất cơ bản.

Mặt khác, cổ phiếu VFS của Vinfast trên sàn Nasdaq tại Mỹ đêm qua cũng ghi nhận phiên khởi sắc, khi tăng mạnh hơn 51% lên 4,56 USD/cổ phiếu, tương ứng mức vốn hóa 10,7 tỷ USD.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ dù vẫn đang có sắc xanh vượt trội trên bảng chính, nhưng đa phần chỉ nhận lực mua thăm dò và tăng nhẹ. Ngoại trừ một vài cái tên ở nhóm công nghệ, viễn thông như HVH tăng trần lên 6.210 cổ phiếu, các mã CMG, ICT, ITD tăng 3-5%.

Thị trường sau những phút đầu tương đối tích cực về mặt điểm số nhờ đà nâng đỡ của VIC đã nhanh chóng chững lại, khi bluechip này hạ độ cao và sự thận trọng chung cũng lan rộng trên bảng điện tử, khiến thanh khoản như mất hút. Chỉ số VN-Index theo đó lùi dần và chỉ còn tăng điểm nhẹ khi tạm chốt phiên sáng nay.

Chốt phiên, sàn HOSE có 231 mã tăng và 152 mã giảm, VN-Index tăng 5,45 điểm (+0,44%), lên 1.245,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 229,4 triệu đơn vị, giá trị 5.536 tỷ đồng, giảm gần 35% về khối lượng và 26% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 35 triệu đơn vị, giá trị 798 tỷ đồng.

Cổ phiếu VIC hạ nhiệt, từ gần mức giá trần về còn +4,1% lên 46.850 đồng, khớp lệnh hơn 3,7 triệu đơn vị và vẫn là cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho VN-Index với gần 2 điểm tích cực.

Trong những bluechip khác, cổ phiếu VIB +2,34% lên 21.850 đồng, HDB nhích gần 2% lên 23.700 đồng, còn BCM, VPB, VNM, GVR là những mã tăng hơn 1%, phần còn lại đa số tăng nhẹ, với những cái tên lớn như MSN, HPG, BID, ACB, FPT, VHM, MWG, với mức tăng từ 0,14% đến gần 0,9%. Trong đó, đáng kể là VPB khi thanh khoản phiên này cao nhất rổ VN30 và dẫn đầu toàn sàn với gần 13 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở chiều ngược lại, chỉ vài cổ phiếu giảm điểm nhẹ, với PLX mất hơn 2%, VJC giảm hơn 1,5%, còn SSI, STB, VCB, TCB chỉ giảm không đáng kể.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng hoạt động chững lại đáng kể, khi chỉ còn lác đác một vài cái tên nổi bật hơn so với phần còn lại như HVH và CIG tăng trần lên 6.210 đồng và 4.380 đồng.

Các mã CCL +5,5% lên 8.190 đồng, DCL +4,5% lên 29.250 đồng, SAM +4,2% lên 7.380 đồng, ITD +3,6% lên 11.500 đồng, CMG +3,1% lên 60.200 đồng, ICT +3% lên 13.800 đồng…

Trái lại, mã giảm đáng chú ý có VNS, khi về giá sàn -6,8% xuống 13.100 đồng, khớp 1,44 triệu đơn vị, chỉ một ngày trước ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức đợt 1 năm 2024 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 15%.

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự khi HNX-Index cũng bật tăng từ sớm và hạ nhiệt về cuối phiên, nhưng vẫn tạm nghỉ trong sắc xanh.

Chốt phiên, sàn HNX có 78 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index tăng 0,87 điểm (+0,37%), lên 237,23 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42,4 triệu đơn vị, giá trị 608,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,25 triệu đơn vị, giá trị 107,3 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nhỏ hoạt động mạnh với IDJ, APS, DDG, DVG, API đã tăng kịch trần, với IDJ và APS khớp lệnh thuộc nhóm cao nhất sàn khi có 7,66 triệu và 3,41 triệu đơn vị.

Các mã tăng khác phần lớn chỉ ở mức thấp, như SHS, DVM, IDC, CEO chỉ tăng trên dưới 1%, với SHS khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 13,5 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu giảm đáng kể có SRA -5,1% xuống 3.700 đồng, AAV -4,8% xuống 5.900 đồng, trong khi PVS, TIG, TNG, BVS chỉ giảm nhẹ.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng sớm tăng điểm, nhưng với xu hướng chung cũng đã dần hạ độ cao và về gần tham chiếu khi tạm dừng phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,1%), lên 91,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,1 triệu đơn vị, giá trị 209,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,07 triệu đơn vị, giá trị 28,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu AAH vẫn là tâm điểm khi hút thanh khoản nhất, khớp lệnh bỏ xa phần còn lại với hơn 7,1 triệu đơn vị, giá cổ phiếu có thời điểm chạm giá trần trước khi kết phiên còn +7,4% lên 5.800 đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục