Dòng tiền dần trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư có tâm lý tích cực đã giúp VN-Index phục hồi, dần kéo dòng tiền đứng ngoài trở lại với thị trường chung.
Dòng tiền dần trở lại

VN-Index: Xu hướng tăng trung hạn chưa bị phá vỡ

Chỉ số VN-Index dứt chuỗi tăng liên tiếp 6 phiên khi phiên 9/5/2024 giảm 0,15% và phiên sau đó giảm thêm 0,32%, đóng cửa cuối tuần qua tại 1.244,7 điểm. Tuy vậy, với 6 phiên tăng trước đó, VN-Index đã củng cố động lực tăng, vượt qua 2 vùng giá nhạy cảm là 1.190 - 1.200 điểm và 1.240 - 1.250 điểm (chỉ số đạt 1.250,46 điểm ngày 8/5). Tính riêng tuần qua, chỉ số tăng 1,94%.

Đà tăng điểm của VN-Index đã kéo dòng tiền đứng ngoài dần quay trở lại thị trường khi thanh khoản trên sàn HOSE tăng từ mức trung bình quanh 15.000 tỷ đồng/phiên vào tuần trước đó lên quanh mức 20.000 tỷ đồng/phiên trong tuần qua. Mặt khác, dòng tiền luân chuyển rất tốt từ nhóm vốn hóa lớn đến các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, giúp chỉ số kéo dài đà tăng.

Khối nhà đầu tư nước ngoài gây bất ngờ khi từ mua ròng vào đầu tuần, rồi quay lại bán ròng mạnh vào 2 ngày cuối tuần, với giá trị lần lượt là 1.292 tỷ đồng và 1.699 tỷ đồng. Tính chung cả tuần, khối ngoại bán ròng 2.637 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhóm tự doanh công ty chứng khoán cũng bán ròng, tổng cộng 1.290 tỷ đồng. Như vậy, nhóm nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước khác đã “cân” hai nhóm trên, tạo động lực cho thị trường chung.

Dòng tiền luân chuyển giữa các nhóm ngành có triển vọng, trong đó du lịch - giải trí (HVN, VJC), dầu khí (PVS, PVD, PLX), hàng dịch vụ công nghiệp (GMD, GEX, PVT) có mức tăng tốt nhất. Xét theo mức vốn hóa, cả 3 nhóm vốn hóa lớn, vừa và nhỏ có mức tăng đồng đều, nhưng nhóm vốn hóa lớn và vừa được dòng tiền tham gia mạnh mẽ hơn.

Về phương diện kỹ thuật, VN-Index đã hồi phục mạnh mẽ từ mức trung bình động EMA 200 sau nhịp giảm sâu trong tháng 4/2024. Tuy nhịp giảm này phá vỡ xu hướng tăng ngắn hạn, nhưng diễn biến hồi phục tại EMA 200 tạo điều kiện cho nhịp tăng mới hình thành, củng cố khả năng xu hướng tăng trung hạn vẫn giữ vững.

Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, đà tăng của VN-Index đang gặp áp lực ở vùng 1.250 - 1.260 điểm, thậm chí có khả năng điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ 1.210 - 1.220 điểm.

Ngành bán lẻ - Phục hồi từ mức nền thấp

Trong năm 2023, kinh tế có những bước giảm tốc, dẫn đến thu nhập và nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, với các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết, chủ yếu phân phối các sản phẩm thuộc nhóm ICT và tiêu dùng không thiết yếu, sự ảnh hưởng càng được thể hiện rõ. Đối với các nhóm này, thị trường thu hẹp và người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiết kiệm, sự cạnh tranh tăng lên và có xu hướng cạnh tranh về giá, khiến biên lợi nhuận sụt giảm.

Xu hướng cắt giảm chi phí, thể hiện qua việc đóng cửa các cửa hàng hoạt động không hiệu quả của các chuỗi bán lẻ lớn đã diễn ra trong năm qua. Việc thu hẹp về quy mô để tối ưu chi phí là xu hướng tất yếu trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt và sức mua giảm. Một số chuỗi bán lẻ đa ngành, có hệ thống bán lẻ các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, dược phẩm có biên lợi nhuận giảm ít hơn, nhưng do sức mua giảm nên sự mở rộng chuỗi bán lẻ mặt hàng thiết yếu chậm lại so với giai đoạn trước đó.

Những tháng đầu năm 2024, kinh tế phục hồi, thị trường bán lẻ có một số dấu hiệu tích cực, biên lợi nhuận được cải thiện. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ thương mại điện tử, khi xu hướng tiêu dùng có nhiều thay đổi sau dịch Covid-19.

Về dư địa tăng trưởng, các chuỗi bán lẻ vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển khi nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm ICT được kỳ vọng phục hồi trong nửa cuối năm 2024 và các chuỗi bán lẻ vẫn còn cơ hội để gia tăng độ phủ. Trong khi đó, các doanh nghiệp dần đa dạng hóa kênh bán hàng, chú trọng vào kênh thương mại điện tử. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất thấp là điều kiện tốt trong bài toán tài chính của các doanh nghiệp bán lẻ, giúp cắt giảm một phần chi phí tài chính trong nguồn vốn lưu động ngắn hạn, vốn chiếm tỷ trọng tương đối cao trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, trừ các chuỗi bán lẻ nhỏ có mức chi phí tối ưu, thì các cửa hàng bán lẻ tương đối hụt hơi so với các chuỗi kể từ sau dịch Covid-19, tạo ra khoảng trống để khai thác.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục