Giao dịch chứng khoán phiên sáng 14/1: Áp lực bán vẫn hiện hữu

(ĐTCK) Phiên hồi phục mang hơi hướng kỹ thuật hôm qua đã khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng, trong bối cảnh thiếu vắng động lực hỗ trợ và phiên đáo hạn phái sinh đến gần càng khiến giao dịch trở nên ảm đạm.

Trong phiên hôm qua, thị trường tiếp tục kém tích cực ngay từ sớm khi VN-Index giảm điểm rất nhanh và chỉ khi về gần 1.220 điểm, thì lực cầu mới xuất hiện, tập trung ở bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép.

Qua đó, trở thành động lực chính giúp chỉ số hồi phục và vượt nhẹ lên trên tham chiếu khi đóng cửa, với thanh khoản có cải thiện, nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp và mang nhiều tín hiệu về một phiên hồi phục kỹ thuật.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 14/1, thị trường chưa thấy tín hiệu khả quan nào, khi sức ép trên diện rộng lại xuất hiện từ sớm và khiến VN-Index giảm điểm và lùi dần về 1.230 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Mức giảm hơn 4 điểm là không lớn, nhưng bảng điện tử kém sắc và dòng tiền yếu, trong khi tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng, thậm chí còn không xuất hiện cổ phiếu nào đáng chú ý, ngay cả các mã vừa và nhỏ đang phát đi tín hiệu ảm đạm cho những ngày cuối năm âm lịch.

Lác đác một vài cái tên trên sàn HNX và UpCoM phần nào duy trì sức hút như, HBS, ABC, MFS khi đã sớm tăng kịch trần.

Giao dịch trong phần còn lại của phiên gần như không có thêm diễn biến mới nào đáng kể. Thanh khoản toàn thị trường giảm mạnh do sự thận trọng, chỉ số VN-Index may mắn bảo toàn mốc 1.230 điểm khi chốt phiên.

Chốt phiên, sàn HOSE có 120 mã tăng và 236 mã giảm, VN-Index giảm 4,98 điểm (-0,40%), xuống 1.230,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 175,3 triệu đơn vị, giá trị 3.975,4 tỷ đồng, giảm 29% về khối lượng và 33% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 36,6 triệu đơn vị, giá trị 953,5 tỷ đồng.

Nhóm bluechip với sắc đỏ lấn át, nhưng mức giảm không lớn, với những mã VIC, STB, FPT, VRE, HDB dẫn đầu cũng chỉ mất từ 1% đến 1,8%. Trong đó, HDB là mã giảm mạnh nhất khi -1,84% xuống 21.250 đồng, khớp lệnh cũng cao nhất nhóm VN30 với gần 5,9 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, PLX là mã duy nhất còn tăng đáng kể khi +1,8% lên 39.550 đồng, khớp 1,05 triệu đơn vị, trong khi VNM, SAB, GAS, BCM, BVH chỉ nhích nhẹ.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đa số hoạt động kém, gần như không xuất hiện mã nào đáng chú ý ở chiều tăng. Thậm chí phản ánh sự ảm đạm, toàn sàn chỉ các mã BFC, TRC, KBC, VGC, CNG, CIG, SGT tăng 2-5% với thanh khoản từ 0,2 triệu đến hơn 1,1 triệu đơn vị, riêng KBC khớp được hơn 4,5 triệu đơn vị.

Trong số các mã giảm, cũng gần như không cổ phiếu nào bị bán quá mạnh, ngoài YEG -3,8% xuống 15.150 đồng, khớp 1,77 triệu đơn vị; NVL -3,6% xuống 9.140 đồng, khớp 7,37 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau ít phút mở cửa tăng điểm đã đảo chiều về dưới tham chiếu sau đó.

Chốt phiên, sàn HNX có 41 mã tăng và 81 mã giảm, HNX-Index giảm 0,98 điểm (-0,45%), xuống 218,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 15 triệu đơn vị, giá trị 213,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,2 triệu đơn vị, giá trị 11,7 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn đa số giảm đã ảnh hưởng đến chỉ số, dù đa số chỉ giảm nhẹ, như IDC, PVS, HUT, BAB, NVB, SHS, NTP khi chỉ mất trên dưới 1%, ngoại trừ KSV khi -3,5% xuống 130.700 đồng.

Các mã nhỏ đáng chú ý với HBS ngược dòng khi tăng kịch trần +9,1% lên 7.200 đồng, khớp 0,32 triệu đơn vị, PV2 +6,5% lên 3.200 đồng, khớp 0,21 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, diễn biến tương tự, khi UpCoM-Index le lói sắc xanh trong những phút đầu phiên và đảo chiều lùi về dưới tham chiếu.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,51 điểm (-0,55%), xuống 91,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,1 triệu đơn vị, giá trị 118 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,55 triệu đơn vị, giá trị 34 tỷ đồng.

Phần lớn các cổ phiếu thanh khoản cao nhất đều tăng, nhưng mức tăng khiêm tốn, như VGI, DDV, SBS, OIL, HBC, HNG khi tăng 1% đến hơn 2%, khớp 0,26 triệu đến 3,03 triệu đơn vị.

Hai cổ phiếu ABC và MFS duy trì sắc tím tại 12.400 đồng và 47.100 đồng, khớp trên dưới 0,13 triệu đơn vị.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục