Trong phiên hôm qua, thị trường duy trì đà tăng nhẹ từ sớm quanh ngưỡng 1.250 điểm với dòng tiền chậm lại đáng kể do áp lực tâm lý từ phiên giảm khá sâu cuối tuần trước.
Càng về cuối phiên, nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu dần mất kiên nhẫn và đã quay ra đẩy bán, khiến sắc đỏ lan rộng trên bảng điện tử, chỉ số VN-Index tiếp tục chứng kiến thêm phiên giảm khá mạnh khi để mất gần 12 điểm, lùi về gần mốc 1.235 điểm khi đóng cửa.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 12/3, hai phiên giảm điểm sâu liên tiếp chưa thực sự kích hoạt lực cầu, mà dòng tiền tiếp tục trở nên thận trọng, bảng điện tử chia đổi ngả và nhóm bluechip hoạt động thấp đã khiến VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.
Các nhóm ngành đều phân hóa và không xuất hiện cụ thể dòng cổ phiếu nào dẫn dắt, mà nhà đầu tư chỉ tập trung vào một số mã riêng lẻ.
Ngoại trừ các mã ngành bán lẻ, phân phối ICT như DGW tăng trần từ sớm lên 63.400 đồng, một cổ phiếu bán lẻ khác là FRT và PET cũng có mức tăng khá, nhích hơn 4,5%.
Một vài cổ phiếu bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp cũng có được mức tăng tốt như VRC tăng trần lên 11.250 đồng, các mã D2D, DPR, CTR, SIP tăng trên dưới 5%.
Sau nửa đầu phiên rung lắc và không rõ xu hướng, bảng điện tử đã có phần tích cực hơn và lực cầu dần trở lại dù phần lớn chỉ dừng lại ở mức thăm dò và giúp VN-Index bật dần lên gần ngưỡng 1.24 điểm. trong đó, đóng góp lớn đến từ cổ phiếu GVR khi bất ngờ tăng vọt lên mức giá trần.
Chốt phiên, sàn HOSE có 246 mã tăng và 182 mã giảm, VN-Index tăng 8,06 điểm (+0,65%), lên 1.243,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 415 triệu đơn vị, giá trị 10.278,6 tỷ đồng, tăng khoảng 7% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 22,8 triệu đơn vị, giá trị 445,7 tỷ đồng.
Nhóm bluechip đa phần chỉ tăng, giảm với biên độ hẹp, nhưng có một vài mã nổi bật, với GVR là điểm sáng khi tăng trần +6,94% lên 31.600 đồng, khớp hơn 6,35 triệu đơn vị.
Mới đây, GVR đã công bố các tài liệu họp đại hội cổ đông 2024 vào ngày 29/3 tới đây. Trong đó, kế hoạch kinh doanh không khác nhiều so với thực hiện năm trước với doanh thu gần 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 3.430 tỷ đồng, cổ tức cũng chỉ khoảng 3%.
Tăng đáng kể khác chỉ còn MWG khi +2,6% lên 47.600 đồng. Nhích hơn 1% chỉ còn BID, PLX, BCM, VRE và FPT.
Ở chiều ngược lại, số ít giảm điểm, với HDB -2,4% xuống 22.550 đồng, còn lại chỉ giảm nhẹ như CTG, VIB, SSI, BVH, SSB, SHB.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là các mã bất động sản, khu công nghiệp, xây dựng nổi bật hơn với DPR, VRC tăng kịch trần lên 37.000 đồng và 11.250 đồng, các mã SIP +6,5% lên 90.600 đồng, CTR +4,7% lên 117.800 đồng, SZC +4,1% lên 44.950 đồng, PHR +3,7% lên 61.000 đồng, TIP +3,7% lên 27.800 đồng, D2D +3,6% lên 37.500 đồng…
Nhóm bán lẻ, phân phối với DGW giữ vững giá trần tại 63.400 đồng, khớp 3,21 triệu đơn vị; PET +4,6% lên 27.100 đồng, FRT +4,3% lên 161.200 đồng.
Trong khi đó, các mã giảm đa số đã thu hẹp đà giảm khi nhà đầu tư tiết cung, với lác đác một vài mã giảm sâu như SMA, ADG, CVT, SBA, APC, TRC, ACL, VPH, nhưng thanh khoản chỉ ở mức thấp.
Trên sàn HNX, việc các cổ phiếu lớn ít biến động khiến HNX-Index duy trì trạng thái giằng co nhẹ ở ngay trên vùng tham chiếu cho đến khi kết phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 77 mã tăng và 57 mã giảm, HNX-Index tăng 0,96 điểm (+0,41%), lên 234,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37,5 triệu đơn vị, giá trị 808,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,4 triệu đơn vị, giá trị 104,4 tỷ đồng.
Bảng điện tử phân hóa mạnh, trong đó, TNG, VFS, BVS, C69, DXP, LAS, VGS tăng điểm nhẹ, cùng IDC và DTD nhích hơn 3%.
Trong khi đó, SHS, MBS, HUT giảm nhẹ và khá nhiều cổ phiếu về tham chiếu như PVS, TIG, IDJ, PVC, VIG, APS, LIG. Trong đó, SHS là mã thanh khoản cao nhất sàn với hơn 7,8 triệu đơn vị.
Đáng kể nhất là cổ phiếu nhỏ FID, khi tăng kịch trần +8% lên 2.700 đồng, khớp hơn 1,02 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, mức độ phân hóa cao trên bảng điện tử từ sớm, nhưng UpCoM-Index vẫn ở trên vùng tham chiếu khi kết phiên.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,1%), lên 90,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 14,7 triệu đơn vị, giá trị 198,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 33,3 tỷ đồng.
Hai cổ phiếu nhỏ vượt trội với MCG +13,8% lên 3.300 đồng và VNH +14,3% lên 3.200 đồng, khớp hơn 0,6 triệu đơn vị.
Ở những nơi khác, SCL +11,1% lên 47.600 đồng, LCM +6,9% lên 3.100 đồng, VGI +5,5% lên 40.200 đồng, DRI +4,6% lên 9.100 đồng.