Rung lắc có khả năng tái diễn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực bán được đẩy mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần qua khiến VN-Index giảm điểm, nhưng diễn biến điều chỉnh giúp giảm sức nóng của đà tăng, qua đó kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ và đón thêm lực cầu mới tham gia thị trường.
Rung lắc có khả năng tái diễn

Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường Mỹ ổn định trở lại

Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ rung lắc mạnh. Tuy nhiên, vào cuối tuần, thị trường phục hồi khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều ghi nhận mức cao mới. Sự lạc quan của nhà đầu tư được thúc đẩy sau khi ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục phát tín hiệu lãi suất sẽ giảm trong năm nay trong hai buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ. Ông nói rằng, dù chưa sẵn sàng ngay lập tức cho việc bắt đầu giảm lãi suất, Fed “không còn xa” đến mức có đủ tin tưởng vào vấn đề lạm phát để có thể bắt tay vào nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ngay sau đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ dự báo lạm phát và tăng trưởng kinh tế trong tuyên bố kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ. Thị trường xem việc ECB hạ dự báo lạm phát là một tín hiệu tích cực về tình hình lạm phát toàn cầu, dù ECB giữ nguyên lãi suất.

Về phía thị trường châu Á, thị trường chứng khoán Trung Quốc có phản ứng tích cực trở lại khi quốc hội nước này thông qua kế hoạch tăng trưởng GDP ở mức 5% cho năm 2024 (giảm không đáng kể so với mức đạt được năm 2023 là 5,2%), phù hợp với kỳ vọng chung. Bên cạnh đó, lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và cơ quan hoạch định kinh tế báo hiệu rằng, các nhà chức trách sẵn sàng thực hiện các bước tiếp theo để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa công bố kế hoạch kích thích quy mô lớn nào và cho biết, dư địa để cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vẫn còn.

Một diễn biến đáng chú ý khác là vận động chỉ số Dollar Index (DXY) trong tuần qua ghi nhận sự trượt dốc, đánh mất mốc 103 sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed về xu hướng giảm lãi suất - một động thái tích cực đối với các thị trường mới nổi và giá cả hàng hóa.

Trong khi đó, vàng - một loại tài sản trú ẩn an toàn thường tăng mạnh trong thời kỳ lãi suất thấp và biến động địa chính trị - đã vượt mốc 2.160 USD/ounce, lập đỉnh giá mới. Dự trữ kim loại quý này trong kho dự trữ liên bang và ngăn kéo của nhiều cá nhân giàu có tại Mỹ đang ở gần mức cao kỷ lục, khi các nhà đầu tư đặt cược vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024.

VN-Index: Rung lắc mạnh

Sau khi tăng vượt đỉnh ngắn hạn tháng 9/2023 trong tuần trước, VN-Index trong tuần qua được kỳ vọng có thể tiến xa hơn, tới vùng 1.300 điểm, nhưng thị trường có diễn biến chậm lại đáng kể ngay từ những phiên đầu tuần. Lực bán được đẩy mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần khi bên mua dần trở nên yếu hơn và có sự lưỡng lự tại vùng giá cao. VN-Index khép lại tuần giao dịch trong trạng thái giảm điểm, điều này khó tránh khỏi và cần được chấp nhận khi đà tăng đã được duy trì trong suốt 4 tháng, kể từ tháng 11/2023. Đồng thời, diễn biến điều chỉnh cũng là cơ hội để giảm sức nóng của đà tăng, tạo tâm lý ổn định và cơ hội cho các vị thế mua mới.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, xu hướng tăng của VN-Index sẽ phụ thuộc vào sự bền vững tại ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm và mạnh hơn tại 1.230 điểm. Hệ thống hỗ trợ này được bảo toàn sẽ tạo ra cơ hội cho các vị thế mua thăm dò và xu hướng tăng ngắn hạn có thể duy trì. Tuy nhiên, phiên giảm điểm cuối tuần qua đi kèm với yếu tố thanh khoản ở mức cao, vượt trên mức bình quân 20 phiên, cho thấy lực bán mạnh xuất hiện và áp lực bán có thể tái diễn. Khoảng thời gian này được cho là phù hợp với sự thận trọng dần xuất hiện trong tâm lý nhà đầu tư trước những biến động có khả năng xảy ra ở tuần “tiền đáo hạn phái sinh” - hợp đồng tháng 3.

Các chỉ báo định lượng ghi nhận có sự hạ nhiệt đáng kể so với trạng thái cảnh báo tăng nóng trong những phiên giao dịch của tuần trước đó. Điều này được đánh giá là phù hợp với bối cảnh thị trường đã có dấu hiệu tăng nóng trên nhiều phân lớp cổ phiếu trong tuần qua. Áp lực điều chỉnh cũng được ghi nhận đến từ tất cả các nhóm ngành trong phiên cuối tuần, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và ngân hàng - nhóm đóng vai trò dẫn dắt nhịp tăng trong 4 tháng trở lại đây. Vì vậy, không quá khó để nhận thấy mức độ ảnh hưởng tới vận động của chỉ số thị trường.

Tuy nhiên, diễn biến điều chỉnh ở nhóm dẫn dắt, trụ cột vẫn chưa vi phạm các ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Bên cạnh đó, mức độ hạ nhiệt của dòng tiền hiện tại chưa vào vùng “nguy hiểm” và chưa cho thấy sự rút lui ồ ạt của dòng tiền ra khỏi thị trường. Trong kịch bản tích cực, diễn biến điều chỉnh hiện tại của thị trường và nhóm cổ phiếu trụ cột sẽ không ở mức nguy hiểm, gây sập gãy xu hướng tăng ngắn hạn. Nhịp điều chỉnh này trong các phiên tới (nếu có) sẽ mở ra cơ hội để gia tăng vị thế. Ngược lại, rủi ro đối với thị trường sẽ gia tăng nếu tình trạng đồng thuận điều chỉnh tại nhóm vốn hóa lớn không được giải quyết và vận động kỹ thuật vi phạm xu hướng ngắn hạn hiện có.

Nhìn chung, sau nhịp tăng mạnh vượt đỉnh cũ tháng 9/2023, VN-Index đã có vận động điều chỉnh trong tuần qua. Mặc dù vậy, xu hướng tăng ngắn hạn chưa được xác nhận vi phạm khi các ngưỡng hỗ trợ quan trọng được duy trì. Đồng thời, diễn biến điều chỉnh được đánh giá là hợp lý để thị trường có cơ hội kiểm định lại các vùng hỗ trợ, cũng như đón thêm lực cầu mới tham gia thị trường.

Trong bối cảnh những rung lắc có khả năng tiếp diễn, các vị thế mua mới đang có điều kiện để thăm dò, canh các mức chiết khấu để tìm cơ hội với các cổ phiếu mục tiêu, đặc biệt là nhóm có nền tảng cơ bản tốt và định giá vẫn hấp dẫn. Vị thế đang nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu cao nên chú ý các hoạt động quản trị rủi ro trong trường hợp thị trường tiếp tục giảm. Theo đó, ưu tiên giảm tỷ trọng cổ phiếu yếu kém có dư địa tăng kỹ thuật ngắn hạn ít, hoặc sớm bị vi phạm ngưỡng cắt lỗ để phân bổ sang các cổ phiếu có tiềm năng khác.

Bài viết được cung cấp bởi, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục