Giao dịch chứng khoán phiên sáng 10/8: CII nổi sóng, một số bluechip bị chốt lời

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) HPG tiếp tục là mã hút ròng tiền, nhưng tâm điểm của phiên sáng nay lại là CII khi bất ngờ từ mức giá dưới tham chiếu được kéo thẳng lên kịch trần và còn dư mua giá trần rất lớn. VN-Index điều chỉnh nhẹ khi một số bluechip bị chốt lời.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 10/8: CII nổi sóng, một số bluechip bị chốt lời

Trong phiên hôm qua, thị trường gặp rung lắc, nhất là đầu phiên chiều khi áp lực chốt lời gia tăng ở nhiều mã đã tăng tốt trong thời gian qua, nhất là VCB. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của một số mã đầu ngành khác như HPG, NVL, VIC, GAS, DGC, VN-Index vẫn có được sắc xanh nhạt khi đóng cửa phiên.

Bước vào phiên sáng nay, thị trường trong nước không có nhiều thông tin tác động tới thị trường khi thị trường tài chính, hàng hóa toàn cầu vẫn diễn ra nhẹ nhàng khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu CPI tháng 7 của Mỹ.

Mở cửa, với áp lực chốt lời ngắn hạn diễn ra ở một số mã như HPG, dầu khí, hay nhóm ngân hàng, chứng khoán khiến VN-Index mở cửa với sắc đỏ. Tuy nhiên, lực bán không quá mạnh, chủ yếu là một số nhà đầu tư muốn hiện thực hóa lợi nhuận để tìm kiếm cơ hội khác, nhưng không nhiều, nên đà giảm của VN-Index cũng chỉ khiêm tốn.

Ngay sau đó, khi thị trường bước vào đợt giao dịch khớp lệnh liên tục, nhà đầu tư mới thực sự bắt đầu ra quyết định sau khi tìm hiểu các thông tin trong và ngoài nước, cũng các tin tức vi mô liên quan đến doanh nghiệp. Dòng tiền chảy vào mạnh dần lên giúp VN-Index nhanh chóng quay đầu đi lên, vượt qua tham chiếu, nhưng sau đó cũng nhanh chóng bị đẩy trở lại do áp lực từ các mã bluechip – những mã hôm qua vốn là điểm tựa cho thị trường như GAS, VIC, TCB, CTG, VCB.

Chốt phiên, VN-Index giảm nhẹ 1,13 điểm (-0,09%), xuống 1.257,72 điểm với 188 mã tăng và 225 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 352 triệu đơn vị, giá trị 7.816,9 tỷ đồng, giảm 8,4% về lượng và 13,4% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,5 triệu đơn vị, giá trị 671 tỷ đồng.

HPG vẫn là mã nhận được sự quan tâm nhất của giới đầu tư khi có thanh khoản đứng đầu sàn với 17,2 triệu đơn vị. Lực cầu lớn giúp HPG có lúc lấy lại sắc xanh, nhưng trước áp lực chốt lời khá lớn, đà tăng của HPG không mấy chắc chắn và đóng cửa ở mức tham chiếu 24.100 đồng.

Trong khi đó, tâm điểm thật sự sáng nay hướng về CII khi bất ngờ nhận được lực cầu lớn, hấp thụ hết lượng dư bán, kéo mã này lên thẳng kịch trần 22.550 đồng, dù lúc đầu ở dưới tham chiếu. Lực cầu lớn không chỉ hấp thụ hết hơn 7,7 triệu đơn vị bán ra, mà còn dư mua trần tới gần 4,4 triệu đơn vị.

Cùng với CII, NBB cũng được kéo lên mức kịch trần 20.200 đồng và cũng còn dư mua giá trần, khớp hơn 1,5 triệu đơn vị.

Không chỉ NBB, một mã bất động sản vừa và nhỏ khác cũng tăng trần như NVT, IJC, hay một số mã nhỏ khác như TGG, TNT.

PTL sau khi 5 phiên tăng trần liên tiếp và HOSE đã có văn bản yêu cầu giải trình về chuỗi tăng trần này, sáng nay đã không còn sắc tím, nhưng vẫn duy trì đà tăng mạnh gần 6%.

Các mã nhỏ vừa vừa khác cũng có sức hút lớn với dòng tiền như HNG có thanh khoản chỉ đứng sau HPG với 13 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,7% lên 7.090 đồng. DXG cũng tăng 3,7% lên 28.000 đồng, khớp 8,9 triệu đơn vị. GEX tăng 1,7% lên 24.600 đồng, khớp 7,5 triệu đơn vị. DIG tăng 2,6% lên 42.000 đồng, khớp 6,5 triệu đơn vị.

Các mã nhỏ hơn như ITA, HQC, SCR, LDG, TTF, DLG, TCH cũng có sắc xanh khi đóng cửa, trong đó TCH khớp 2,1 triệu đơn vị.

Trong các mã lớn, trong khi VHM tăng 1,6% lên 61.900 đồng, đóng góp nhiều nhất về điểm số cho VN-Index, thì VIC lại đảo chiều giảm nhẹ 0,8% xuống 64.800 đồng, cùng với GAS (-0,9% xuống 111.000 đồng) là 2 mã gây sức ép lớn nhất với thị trường sáng nay.

Trong nhóm ngân hàng, chỉ có OCB và BID giữ được sắc xanh nhạt, MSB, VCB và VIB đứng tham chiếu, còn lại đều giảm, nhưng mức giảm cũng rất nhẹ dưới 1%.

Nhóm chứng khoán có sự phân hóa, nhưng biên độ cũng nhỏ, chỉ trên dưới 1%, trong đó VND là mã có thanh khoản tốt nhất, khớp 9,4 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 0,2% xuống 22.500 đồng.

Trái với HOSE, sàn HNX sáng nay lại có giao dịch khá tích cực. Sau ít phút giằng co nhẹ quanh tham chiếu đầu phiên, chỉ số HNX-Index đã lấy lại đà tăng và nới rộng dần trong những phút cuối phiên.

Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 2,15 điểm (+0,71%), lên 303,56 điểm với 89 mã tăng và 75 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 65,2 triệu đơn vị, giá trị 1.256,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,9 triệu đơn vị, giá trị 179,7 tỷ đồng.

CEO sau thông tin đưa ra từ cuộc gặp mặt nhà đầu tư chiều qua (9/8) với việc sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 (doanh thu hợp nhất 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng (6 tháng mới đạt 718 tỷ đồng doanh thu và 70 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế), cùng với kế hoạch mở rộng quỹ đất lên gấp đôi, gấp rưỡi so với quỹ đất hiện có hiện nay (1.000 ha), đã có sức hút khá tốt với nhà đầu tư. Chốt phiên sáng, CEO tăng 4,3% lên 36.300 đồng và cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất sàn HNX với 6,74 triệu đơn vị.

Nhóm dầu khí cũng đồng loạt tăng, dù biên độ không lớn, trong đó mã đáng chú ý nhất trong nhóm trên sàn này là PVS tăng 1,2% lên 24.900 đồng, khớp 5,56 triệu đơn vị. PVC tăng nhẹ 0,6% lên 18.200 đồng, khớp 1,48 triệu đơn vị.

Một mã lớn đáng chú ý khác là IDC tăng 2,4% lên 63.600 đồng, khớp 1,2 triệu đơn vị. Trong khi mã chứng khoán SHS lại giảm 0,7% xuống 14.600 đồng, khớp 5,53 triệu đơn vị. HUT đứng giá tham chiếu 30.800 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các mã nhỏ như BII, KLF lại tăng khá mạnh với mức tăng lần lượt là kịch trần 9,6% lên 5.700 đồng, khớp 3,49 triệu đơn vị và 6,1% lên 3.500 đồng, khớp 4,18 triệu đơn vị.

UPCoM cũng giằng co nhẹ phiên sáng nay, nhưng chủ yếu dao động trên tham chiếu và đóng cửa với mức tăng khá.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,41 điểm (+0,44%), lên 93,27 điểm với 141 mã tăng và 100 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch 26,2 triệu đơn vị, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,1 triệu đơn vị, giá trị 93,9 tỷ đồng.

Khác với nhiều mã dầu khí khác trên 2 sàn niêm yết, BSR lại giảm giá sáng nay khi đóng cửa ở mức 25.000 đồng, giảm 0,4%, thanh khoản 5,37 triệu đơn vị, đứng đầu UPCoM. Ngoài BSR, có thêm 4 mã nữa có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là VHG, FTM, SBS và VGI, trong đó VHG đứng tham chiếu 4.300 đồng, còn FTM tăng trần lên 3.600 đồng, SBS tăng 1% lên 10.400 đồng và VGI tăng 3,8% lên 33.200 đồng.

Ngoài ra, C4G cũng tiếp tục tăng 1,5% lên 13.400 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ