Cổ phiếu cần quan tâm ngày 10/8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 10/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 10/8

Khuyến nghị trung lập cổ phiếu KBC với giá mục tiêu 40.425 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Với kỳ vọng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ Khu đô thị Tràng Cát vào năm 2023, BVSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (KBC – sàn HOSE) năm 2023 lần lượt đạt 11.777,3 tỷ đồng (tăng 205,4% so với số dự phóng 2022) và 4.867,5 tỷ đồng (tăng 43,7% so với số dự phóng 2022). Lưu ý rằng, trong khoản lợi nhuận dự phóng 3.387,5 tỷ đồng của 2022, có 2.412,2 tỷ đồng đánh giá lại tài sản.

Chúng tôi nhận thấy tiềm năng trung và dài hạn của KBC đến từ quỹ đất lớn còn lại từ các khu công nghiệp và các khu đô thị vẫn còn rất nhiều dư địa. Tuy nhiên, xét trong ngắn hạn từ nay đến hết năm 2022, BVSC đánh giá rằng câu chuyện về dự án đô thị lớn đã phản ánh tương đối mạnh mẽ thời gian qua.

Trong khi đó, với các khoản vay tăng mạnh trong hai năm gần đây, áp lực về đáo hạn khoản vay và nhu cầu vốn đầu tư với KBC trong 2H.2022 là hiện hữu. Nếu tiến độ bán sỉ quỹ đất 30 - 50 dự án Tràng Cát dời sang 2023, điều này có thể giảm một phần kỳ vọng trong ngắn hạn đối với KBC.

Do đó, từ kết quả định giá và các điểm chính trên, BVSC khuyến nghị NEUTRAL với mức giá hợp lý cho năm 2022 là 40.425 đồng/cp; tương đương +6,7% so với giá đóng cửa ngày 08/08/2022.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu CKG với mức giá mục tiêu 23.500 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Trong quý II/2022, CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư & Xây dựng Kiên Giang (CKG – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 401 tỷ đồng (tăng 142,7% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó mảng bất động sản chiếm phần lớn doanh thu với tỷ trọng 85,5% đạt xấp xỉ 345 tỷ đồng, trong khi hoạt động thi công đóng góp khá khiêm tốn chỉ đạt 18 tỷ đồng.

Hầu hết các mảng kinh doanh đều có doanh thu tăng trưởng dương ngoại trử mảng thi công. Biên lợi nhuận gộp trong quý II/2022 đạt 31,4%, thâp hơn 140 bps so với biên lợi nhuận gộp của năm 2021 (32.8%) và cao hơn nhiều so với mức chỉ 28,4% cùng kỳ năm 2021.

Luỹ kế 6 tháng năm 2022, CKG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 646 tỷ đồng (tăng 56,9%), trong đó mảng kinh doanh bất động sản tiếp tục đóng vai trò động lực chính với mức tăng trưởng 68.1% nhờ ghi nhận doanh thu từ các dự án lớn như khu đô thị lấn biển TP Rạch Giá… Các mảng Thương mại và kinh doanh nhà hàng mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu nhưng vẫn có được mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 59,9% và 47,3%.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp (tỷ lệ SGA) trong 6 thang 2022 đạt 11,1%, có sự cải thiện rất đáng kể so với cùng kỳ (14,7%) và với năm 2021 (17%). Tuy vậy, đây là mức tương đương với những năm trước và việc tỷ lệ SGA tăng mạnh trong năm 2021 đến từ việc giãn cách xã hội khiến hoạt động kinh doanh của CKG bị gián đoạn nghiêm trọng. Chi phí lãi vay trong 6 tháng 2022 đạt hơn 12 tỷ đồng (giảm 10,4%)

Nhờ vào biên lợi nhuận gộp được cải thiện đáng kể cũng như tỷ lệ chi phí SGA giảm so với cùng kỳ, CKG ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế hơn 102 tỷ đồng trong 6 tháng 2022 (tăng 108,8% so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ lại chỉ tăng 43,8% vì cùng kỳ năm trước lợi ích của cổ đông thiểu số ghi nhận mức lỗ hơn 18 tỷ đồng.

Về cơ cấu tài sản, phần lớn tài sản của CKG tập trung chủ yếu vào quỹ đất công ty này sở hữu khi mà hàng tồn kho chiếm khoảng 58% tổng tài sản hợp nhất trong 13 quý gần nhất. Đồng thời, bất động sản đầu tư và xây dựng cơ bản dân dụng cũng chiếm khoảng 10% tổng tài sản. Điều này giúp đảm bảo mảng kinh doanh bất động sản của CKG có đủ động lực tăng trưởng trong những năm tới.

Cơ cấu nguồn vốn của CKG tương đối lành mạnh. Tỷ lệ đòn bẩy (Tổng Tài sản/vốn chủ sở hữu) tại thời điểm cuối quý II/2022 đạt 4.0 lần. Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu đạt 121.2% tại cùng thời điểm và đây là quý thứ 6 liên tiếp CKG duy trì tỷ lệ này dưới 200%. Phần lớn nợ phải trả trong trong trung và dài hạn của CKG đến từ khoản người mua trả tiền trước cho các dự án bất động sản. Điều này cho thấy khả năng bán hàng tốt của các dự án đầu tư bởi CKG.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CKG với mức giá mục tiêu 23.500 đồng/CP.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu TNH với giá mục tiêu 53.800 đồng/CP

CTCK SSI (SSI)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu TNH của Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, với giá mục tiêu 1 năm là 53.800 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức lợi tức đầu tư là 24% so với giá hiện tại vào ngày 5/8. Giá mục tiêu được chúng tôi cập nhật và phản ánh dựa trên lợi nhuận dự phóng cho 1 năm tới, gồm lợi nhuận nửa cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023.

Năm 2022, chúng tôi cho rằng tăng trưởng của TNH sẽ chưa có nhiều bứt phá do bị ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội trong quý 1 vì biến chủng Omicron, và mức nền so sánh có phần cao của quý 3 và quý 4 năm ngoái vì doanh thu của các dịch vụ xét nghiệm Covid được dự báo sẽ không đóng góp đáng kể trong năm nay.

Tuy nhiên, triển vọng của TNH từ năm 2023 trở đi đang trở nên hấp dẫn hơn, nhờ vào các yếu tố: (1) Làn sóng nhân viên y tế cân nhắc chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư, (2) Đầu tư FDI có sự đột biến trong giai đoạn 2022-2023 ở tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang, (3) Chính phủ Việt Nam mở thêm ưu đãi để khuyến khích xây dựng thêm bệnh viện nhằm tăng tốc độ đô thị hóa, và (4) số lượng các thương vụ M&A cùng với định giá ngành bệnh viện đang tăng lên trong thời gian gần đây.

Do đó, chúng tôi kỳ vọng tổng doanh thu của TNH sẽ đạt 478 tỷ đồng vào năm 2022 (tăng 13% so với cùng kỳ) và 574 tỷ đồng vào năm 2023 (tăng 18% so với cùng kỳ).

Về lợi nhuận ròng, chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt 156 tỷ đồng vào năm 2022 (tăng 10% so với cùng kỳ) và 190 tỷ đồng vào năm 2023 (tăng 22% so với cùng kỳ).

Về mặt định giá, trong tình hình thị trường hiện tại, chúng tôi nhận thấy định giá của các công ty chăm sóc sức khỏe trong nước cũng như trên thế giới vẫn được giữ ở mức khá ổn định, với P/E dự phóng ở mức 20,3 lần và EV/EBITDA dự phóng là 14,4 lần cho 1 năm tới.

Khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu HPG với giá mục tiêu là 28.500 đồng/CP

CTCK Agribank (AGR)

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG – sàn HOSE) đạt lần lượt 81,4 và 12,2 nghìn tỷ, tương đương 123% và 73% cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý 2, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp còn 17%, thấp hơn đáng kể so với mức 32% cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế giảm 58% so với cùng kỳ, đạt 4 nghìn tỷ đồng khi giá bán thép liên tục giảm trong khi giá than cốc tăng tới 4-5 lần so với đầu năm.

Chúng tôi đánh giá kết quả này tốt hơn so với mặt bằng chung của ngành khi nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức giảm lợi nhuận tới 80%, thậm chí chuyển lỗ trong quý 2. Bên cạnh đó, lợi nhuận này đã phản ánh sự điều chỉnh giá thép lên hàng tồn kho khi HPG đã tăng trích lập thêm 500 tỷ đưa dự phòng HTK lên cao gấp 3 lần so với đầu năm.

Về tình hình tiêu thụ, sản lượng bán hàng thép xây dựng trong 7 tháng đầu năm đạt 2,7 triệu tấn, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ với tỷ trọng xuất khẩu đạt trên 30%. Sản lượng bán hàng HRC ước đạt đạt 1,6 triệu tấn 7 tháng năm 2022, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ. Các sản phẩm còn lại là tôn mạ và thép ống đều ghi nhận sản lượng bán hàng tăng nhẹ hoặc đi ngang so với cùng kỳ.

Giá giao ngay hai sản phẩm HRC và thép cây tại Trung Quốc đã tăng trên 7,5% và 10,5% kể từ cuối tháng 7. Giá thép tăng khi khi nhu cầu tích trữ tăng lên và một số nhà máy thép tại Trung Quốc đang có dấu hiệu dần khôi phục lại hoạt động sản xuất sau một thời gian dài.

Kì vọng giá bán thép trong nước sẽ phản ánh đà phục hồi này trong thời gian tới, cùng với việc giá than cốc có xu hướng quay đầu giảm nhanh từ quý 2 sẽ giúp cải thiện doanh thu và biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong nửa cuối năm nay.

Dài hạn hơn, việc Trung Quốc dừng gia hạn chính sách Zero Covid sẽ không chỉ kéo dài đà hồi phục của giá thép mà còn giúp cải thiện nhu cầu thép trên toàn cầu, từ đó rút ngắn chu kì giảm của ngành.

Hiện cổ phiếu HPG đang giao dịch tại mức P/B 1,3x. Đây là mức định giá khá thấp trong nhiều năm trở lại đây. Lần gần nhất cổ phiếu được giao dịch ở mức định giá này là vào đợt sụt giảm mạnh vào tháng 3/2020. Theo Agriseco research, so sánh với triển vọng dài hạn của doanh nghiệp liên quan đến dự án gang thép Dung Quất 2, mức định giá này đã phù hợp để nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn.

Giá cổ phiếu HPG đã chiết khấu khá sâu với mức giảm khoảng trên 45% từ vùng đỉnh đạt được trong quý IV/2021. Với triển vọng dài hạn của doanh nghiệp, chúng tôi đưa ra khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu HPG với giá mục tiêu là 28.500 đồng/cp (upside 20,7%), với ước tính giá trị sổ sách của 1 cp tại ngày 31/12/2022 là 19.000 đồng và P/B fwd tại cuối năm 2022 là 1,5 lần.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục