Thị trường mở cửa phiên hôm nay 9/3 với nhiều áp lực khi tâm lý nhà đầu tư dường như nặng nề hơn sau nhiều lần VN-Index thất bại trước ngưỡng cản 1.200 điểm, cùng với đó là sức ép từ lượng cung giá cao luôn trực chờ cũng như áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại, cho nên dễ hiểu tại sao VN-Index giảm mạnh ngay đầu phiên.
Việc hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu đều chịu sức ép bán ra khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, có thời điểm đã lùi sâu về mốc 1.150 điểm. Điểm tích cực là tại mỗi nhịp giảm mạnh thì lực cầu bắt đáy mạnh mẽ nhập cuộc, giúp thị trường nhanh chóng hồi trở lại, thanh khoản tăng cao.
Cầu bắt đáy hoạt động tích cực cho thấy dòng tiền lớn luôn trực chờ để đón bắt cơ hội mua cổ phiếu giá rẻ, thế nhưng thanh khoản tăng nhanh cũng là nỗi buồn với nhà đầu tư khi tình trạng nghẽn giao dịch trên HOSE chưa có giải pháp khả dĩ và điều này tiếp tục lặp lại trong phiên chiều nay.
Sau giờ nghỉ trưa (13h), thị trường tiếp tục giao dịch khá hứng khởi sau nhịp hồi cuối phiên sáng. Lúc này, thanh khoản sàn HOSE tiếp tục tăng nhanh từ mức 11.000 tỷ đồng phiên sáng. Tuy nhiên, kể từ lúc 14h, thời điểm giá trị giao dịch ghi nhận mức hơn 14.500 tỷ đồng, hoạt động giao dịch trên HOSE bắt đầu nghẽn. Các lệnh mua bán chỉ diễn ra nhỏ giọt, khiến đồ thị VN-Index gần như thẳng băng kể từ đó đến khi đóng cửa và tất nhiên, chỉ số đã ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp với cùng kịch bản.
Đóng cửa, với 187 mã tăng và 266 mã giảm, VN-Index giảm 6,3 điểm (-0,54%) xuống 1.161,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 641,43 triệu đơn vị, giá trị 15.133,68 tỷ đồng, giảm 2% về khối lượng và 3% về giá trị so với phiên 8/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 28,3 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 1.270 tỷ đồng.
Trong rổ VN30, chỉ những mã đã tăng từ phiên sáng như TCB, TCH, SBT, PDR, NVL và VHM là giữ được sắc xanh, thêm HDB về được tham chiếu, còn lại đều giảm điểm. Trong đó, PDR tăng tích cực nhất với 2,2% lên 63.700 đồng, khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị.
Ngược lại, POW và PLX là 2 mã giảm mạnh nhất khi cùng giảm trên 3% về 13.600 đồng và 56.600 đồng. POW khớp lệnh 28,68 triệu đơn vị, mạnh nhất sàn HOSE. PLX khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Ngoài PDR, nhiều cổ phiếu bất động sản - xây dựng khác cũng đồng loạt tăng điểm cùng thanh khoản cao trong phiên này, có thể kể đến như HQC, FLC, HBC, DXG, ROS, DLG, LDG… Trong đó, HQC khớp lệnh 21,23 triệu đơn vị, chỉ sau POW, các mã còn lai khớp từ 8-15 triệu đơn vị. HQC tăng 2,5% lên 2.850 đồng.
Thậm chí một số còn tăng trần như CTD, DRH, khớp lệnh khoảng 3 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, OCB phiên này tăng kịch biên độ lên 22.950 đồng, cũng là phiên tăng thứ 3 liên tục, khớp lệnh hơn 15,4 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 1,3 triệu đơn vị, bên bán trắng lệnh.
Tuy nhiên, diễn biến của nhóm ngân lại trái ngược khi đa phần giảm điểm và là một trong những nhóm cổ phiếu tạo sức cản lớn nhất đối với chỉ số. Bù lại, các cổ phiếu ngân hàng vẫn hút mạnh dòng tiền và là nhóm có thanh khoản tốt nhất sàn, mức thanh khoản từ 3-15 triệu đơn vị.
Trong bối cảnh HOSE lại bị “ngắt cầu giao”, hoạt động giao dịch HNX tiếp tục diễn biến sôi động, qua đó duy trì đà tăng trong suốt phiên giao dịch.
Đóng cửa, với 101 mã tăng và 101 mã giảm, HNX-Index tăng 1,41 điểm (+0,54%) lên 264,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 150,56 triệu đơn vị, giá trị 2.143,92 tỷ đồng, tăng 5% về khối lượng và 2% về giá trị so với phiên 8/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 6,7 triệu đơn vị, giá trị 109,7 tỷ đồng.
Trong bối cảnh không nhiều mã lớn tăng điểm, việc SLS và DP3 tăng trần cùng PVC, TVC, HUT, DTD, DDG và NRC giữ vững sắc xanh với thanh khoản tích cực đã góp phần duy trì đà tăng cho chỉ số. HUT +1,6% lên 6.200 đồng, PVC +4,4% lên 11.900 đồng, cùng khớp lệnh trên 6 triệu đơn vị.
PVS và SHB vẫn là mã được giao dịch mạnh nhất, lần lượt đạt 18,7 triệu và 15,1 triệu đơn vị, nhưng đều giảm điểm về tương ứng 24.000 đồng (-4,8%) và 15.700 đồng (-0,6%).
NVB phiên này đứng giá 15.100 đồng, khớp lệnh hơn 4,1 triệu đơn vị.
Các mã KLF, PVL, BCC, ACM, HHG, FID hay tân binh BAB giữ vững sắc tím. Trong đó, KLF khớp 11,35 triệu đơn vị, đứng sau PVS và SHB. Các mã PVL, BCC, ACM, HHG, FID khớp từ 1-4 triệu đơn vị.
Tương tự HNX, thị trường UPCoM cũng có được sắc xanh nhờ hút mạnh dòng tiền.
Đóng cửa, với 138 mã tăng và 129 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,15%) lên 79,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 90,9 triệu đơn vị, giá trị 1.469 tỷ đồng, tăng 11% về khối lượng và 9% về giá trị so với phiên 8/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,4 triệu đơn vị, giá trị gần 22 tỷ đồng.
BSR vẫn là mã có giao dịch tốt nhất sàn, đạt 27,6 triệu đơn vị, vượt trội so với 2 mã đứng sau là OIL và ABB khi cùng khớp hơn 6 triệu đơn vị. Tuy nhiên, cả BSR và OIL đều giảm điểm mạnhvề 16.400 đồng (-6%) và 15.800 đồng (-9,9%,) trong khi ABB tăng 7,7% lên 14.000 đồng.
Trong số các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị tăng điểm chỉ có thêm BVB, C4G và TVN.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm điểm, trong đó VN30F2103 khớp lệnh nhiều nhất, đạt hơn 189.726 đơn vị, khối lượng mở gần 31.659 đơn vị, đóng cửa giảm 0,6% xuống 1.158,5 điểm.
Trên thị trường chứng quyền, mã CSTB2103 dẫn đầu thanh khoản với hơn 4,63 triệu đơn được khớp lệnh, tăng 15,38% lên 165 đồng/CQ. Ngoài ra, CHPG2105 và CVHM2104 cũng đều khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị, tăng lần lượt 41,59% và 15,28%.