Giao dịch chứng khoán phiên sáng 9/3: Dòng tiền vẫn chảy mạnh, VN-Index tìm được điểm tựa vững chắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong phiên sáng nay, mỗi khi VN-Index bị đẩy xuống ngưỡng 1.150 điểm, lực cầu bắt đáy chảy mạnh giúp thị trường bật trở lại gần với tham chiếu với thanh khoản tăng khá mạnh.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 9/3: Dòng tiền vẫn chảy mạnh, VN-Index tìm được điểm tựa vững chắc

Trong phiên hôm qua, tâm lý chốt lời chực chờ khiến thị trường khó đi xa. Sau nhịp tăng khá mạnh ngay khi mở cửa, VN-Index đã dần đuối sức sau đó.

Sau giờ nghỉ trưa, nỗ lực giữ sắc xanh bất thành khi lực bán tập trung vào nhóm bluechips khiến VN-Index về dưới 1.165 điểm và thêm một lần hồi trở lại, nhưng với giao dịch chậm dần khi nghẽn lệnh lại xảy ra đã khiến chỉ số không thể tiến xa.

Theo nhận định của KBSV thì diễn biến phiên này cho thấy, áp lực cung giá cao đang gây ra lực cản cho đà hồi phục của thị trường và khả năng mở rộng thêm nhịp điều chỉnh vẫn còn để ngỏ.

Mặc dù vậy, xu hướng tăng hiện vẫn đang đóng vai trò chủ đạo nên chúng tôi cho rằng đây chỉ là một nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong quá trình đi lên.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 9/3, áp lực bán ồ ạt trên diện rộng ngay trong phiên ATO đã khiến VN-Index lao dốc và mất hơn 17 điểm về gần 1.150 điểm, trước khi lực cầu bắt đáy xuất hiện kéo chỉ số hồi phục sau đó.

Nhưng lực mua không tập trung ở nhóm bluechips mà chủ yếu ở một số mã vừa và nhỏ nên chỉ giúp chỉ số về gần 1.160 điểm, trước khi thêm một nhịp đảo chiều lùi bước sau đó bởi sắc đỏ áp đảo trong rổ VN30.

Bên cạnh đó, lực mua cũng yếu dần khi các mã được mua mạnh lúc đầu phiên như một số cổ phiếu đang có thanh khoản cao trên sàn là HQC, FLC, HBC, DLG, FCN hạ nhiệt, hay như nhóm dầu khí PVD, PVT, PVS, PVB, OIL, BSR... đều chìm trong sắc đỏ.

Trong khi đó, điểm nhấn là POW chịu áp lực chốt lời và mất điểm ngay khi mở cửa, khớp lệnh vẫn dẫn đầu sàn với gần 15 triệu đơn vị khớp lệnh sau hơn 1 giờ giao dịch.

Ngoài ra là dòng tiền bất ngờ chảy mạnh vào chứng quyền, khi ngay từ sớm, một một CW của HPG, STB, TCB, VRE, VPB, và tất cả đều có thời điểm leo lên mức giá trần, và có khối lượng khớp lệnh rất cao, trong đó, CHPG2105 khớp hơn 3 triệu đơn vị, nằm top 20 các mã khối lượng giao dịch cao nhất HOSE.

Sau hai lần test đáy quanh 1.150 điểm thành công, lực cầu có phần tích cực hơn đã giúp độ rộng thị trường bớt tiêu cực, VN-Index theo đó hồi dần, nhưng do sức ép từ các bluechips còn lớn nên chỉ số chỉ có thể về được trên 1.160 điểm khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 158 mã tăng và 293 mã giảm, VN-Index giảm 5,49 điểm (-0,47%), xuống 1.162,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 505 triệu đơn vị, giá trị 11.472,9 tỷ đồng, tăng hơn 16% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 15 triệu đơn vị, giá trị hơn 533 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn bluechip một số hồi trở lại sắc xanh, qua đó hỗ trợ chỉ số là TCH +2,9% lên 22.700 đồng, PDR +2,4% lên 63.800 đồng, VPB +1% lên 41.750 đồng, và HDB, VHM, TCB, NVL nhích nhẹ.

Ở chiều ngược lại thì các cổ phiếu giảm mạnh nhất như REE -2,9% xuống 54.400 đồng, POW -2,8% xuống 13.750 đồng, PLX -2,4% xuống 57.000 đồng, MWG -2% xuống 128.200 đồng, VNM -1,6% xuống 100.600 đồng. Còn các mã KDH, GAS, BID, VIC, SSI mất từ 1% đến 1,3% và phần còn lại giảm nhẹ như HPG -0,4%, STB -0,8%, MBB -0,7%, CTG -0,9%...

Thanh khoản POW vẫn dẫn đầu nhóm và cũng cao nhất HOSE với 23,3 triệu đơn vị khớp lệnh. Tiếp theo là HPG với 13,3 triệu đơn vị, STB có hơn 12,5 triệu đơn vị, MBB có 10 triệu đơn vị, và 3 mã CTG, TCB, SSI có từ 8,1 triệu đến 8,9 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có thanh khoản cao phần lớn đã hồi phục tăng điểm như HQC, FLC, OCB, HBC, HAG, TTF, ROS, DLG, DXG, HNG, LDG, ITA…khớp từ 6 triệu đến hơn 11,7 triệu đơn vị, riêng HQC khớp hơn 18,4 triệu đơn vị, tăng mạnh 5% lên 2.920 đồng/cổ phiếu.

Đáng kể khác là tại một số cổ phiếu CTD, DRH, VIP, VPG, TNT, khi đều tăng kịch trần, trong đó, CTD khớp hơn 2,7 triệu đơn vị, DRH khớp hơn 2,5 triệu đơn vị.

Các mã chứng quyền như đã đề cập là CHPG2105, CSTB2103, CVHM2104 và CTCB2103 hút mạnh dòng tiền, đều có thời điểm tăng kịch trần, khớp lệnh từ hơn 3,2 triệu đến 4,1 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, giảm sâu đáng kể có NVT, khi ‘lau sàn’, mất 6,8% xuống 10.250 đồng, với lệnh bán chất đống và khớp chỉ được 9.100 đơn vị, trong khi dư bán giá sàn gần 800.000 đơn vị.

Tương tự là RIC, giảm sàn -6,9% xuống 37.200 đồng, và cũng gần như mất thanh khoản khi chỉ chỉ có 2.100 đơn vị được khớp lệnh.

Trên sàn HNX, bảng giá cũng đỏ lửa, nhưng với sự trợ giúp của một vài mã lớn đã giúp HNX-Index luôn giao dịch trên tham chiếu.

Cụ thể, đóng góp lớn nhất tiếp tục là tân binh BAB, khi đứng vững sắc tím +9,8% lên 30.200 đồng và dù chỉ khớp 4.300 đơn vị.

Tăng điểm khác chỉ còn PVC +3,5% lên 11.800 đồng, TVC +1,6% lên 12.900 đồng, DXP +5,3% lên 17.800 đồng, cùng các mã nhỏ PVL, BCC, FID, HHG, HOM tăng kịch trần.

Trong khi phần còn lại giao dịch ảm đạm với SHB, IDC, KLF, ACM, KVC, MPT, MBG đứng tham chiếu và PVS, SHS, CEO, TNG, S99, MBS kết phiên trong sắc đỏ.

Thanh khoản PVS cao nhất sàn với hơn 12 triệu đơn vị. SHB theo sau với hơn 9,1 triệu đơn vị, PVC có hơn 5,5 triệu đơn vị, KLF có 4,8 triệu đơn vị…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 52 mã tăng và 102 mã giảm, HNX-Index tăng 1,97 điểm (+0,75%), lên 265,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 98,8 triệu đơn vị, giá trị 1.369,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,6 triệu đơn vị, giá trị 41,6 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nửa đầu phiên biến động mạnh quanh tham chiếu đã dần ổn định ở nửa sau của phiên, mặc dù có tăng điểm nhưng biên độ chỉ ở mức thấp.

Hai mã nóng dầu khí gần đây là BSR và OIL đều mất điểm, với BSR -3,6% xuống 16.000 đồng, khớp hơn 21 triệu đơn vị, trong khi OIL -6,2% xuống 15.100 đồng, khớp hơn 4,44 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,14%), lên 79,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 62,6 triệu đơn vị, giá trị 953,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,29 triệu đơn vị, giá trị 1,9 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục