Giao dịch chứng khoán phiên chiều 8/2: Cổ phiếu thép và ngân hàng giữ nhiệt cho VN-Index

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những tưởng thị trường sẽ có phiên giảm điểm lấp gap tạo ra phiên khai Xuân ngày hôm qua, nhưng sự vững chắc của cổ phiếu ngành thép và một số mã ngân hàng đã giúp VN-Index có thêm phiên tăng điểm tích cực.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 8/2: Cổ phiếu thép và ngân hàng giữ nhiệt cho VN-Index

Tiếp đà khởi sắc từ phiên sáng, cổ phiếu đầu ngành thép HPG đã tăng chắc phiên chiều với mức tăng tích cực 5,81%, cùng với đó HSG đứng vững ở mức giá trần tới cuối phiên đã tạo nên vẻ đẹp mới cho cổ phiếu ngành này sau chuỗi hơn 3 tháng chỉ có giảm điểm.

Với phiên tăng này, HPG riêng mình đã đóng góp tới 2,84 điểm tăng cho VN-Index, cao nhất trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Đường "về bờ" của nhóm cổ phiếu thép còn xa nhưng đã có những tín hiệu ban đầu để kỳ vọng.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngành thép, như đề cập trong phiên sáng, nhóm ngân hàng dù phân hóa nhưng vẫn hút được dòng tiền tốt sang phiên chiều, một loạt cổ phiếu của các ngân hàng tư nhân như VPB, TCB, ACB, SAB, OCB,… đã đóng vai trụ của nhóm thay thế bộ 3 ngân hàng cổ phần có nhà nước chi phối gồm VCB, BID, CTG để tiếp tục dẫn dắt thị trường.

Trong nhóm này, VPB đang nhận được sự chú ý sau khi đối tác chiến lược của Eximbank là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) chấm dứt thỏa thuận hợp tác, mở ra khả năng một thương vụ M&A lớn sẽ được thực hiện tới đây khi SMBC sẽ chuyển hướng đầu tư vào ngân hàng VPBank.

Chiều ngược lại, VIC đã mở ra hy vọng sẽ sớm cắt đà giảm khi về sát ngưỡng hỗ trợ mạnh 85.000 đồng/CP sau khi lao dốc thẳng đứng, mất đi hơn 10% chỉ trong vòng 2 phiên đầu Xuân. Và cũng như phiên hôm qua, đây là cổ phiếu níu kéo thị trường lớn nhất ngày hôm nay khi lấy đi của VN-Index hơn 3 điểm.

Về tổng thể thị trường phiên hôm nay vẫn khá tích cực với số mã tăng điểm chiếm chi phối, quan trọng hơn VN-Index đã vượt qua được ngưỡng tâm lý 1.500 điểm để hướng tới chinh phục kỷ lục độ cao ở rất gần là 1.528, 57 điểm tạo lập ngày 6/1/2022. Trong ngắn hạn, các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục ủng hộ xu hướng này khi VN-Index đã tỏ ra khá chắc chắn với xu hướng tăng mới khi nằm trên đường MA20, khối lượng giao dịch tăng dần, đường MACD cắt lên…

Dự báo mới nhất của HSBC cho VN-Index năm nay sẽ là 1.850 điểm, với nền tảng tăng trưởng tích cực có được từ 2021, đặc biệt là hệ thống KRX khi đưa vào vận hành sẽ tạo ra những tiện ích mới cho nhà đầu tư và thêm nhiều sản phẩm chứng khoán hấp dẫn trên thị trường.

Đóng cửa, với 282 mã tăng và 169 mã giảm, VN-Index tăng 3,33 điểm (+0,22%) lên 1.500,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 735 triệu đơn vị, giá trị hơn 22.556 tỷ đồng, tăng 27% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên 7/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 37,5 triệu đơn vị, giá trị gần 1.446 tỷ đồng.

Sự phân hóa rõ nét ở nhóm cổ phiếu bluechip, trong khi nhóm cổ phiếu thị trường chịu áp lực bán mạnh là những nguyên nhân chính tác động tới đà tăng thị trường phiên hôm nay.

Cụ thể, trong khi ACB, HPG, VPB, TCB, MWG, GVR, FPT, SAB… tăng điểm, thì VIC, VHM, VNM, PDR, NVL, PNJ, MSN… giảm điểm. Trong đó, VIC tiếp tục giảm mạnh 4,3% về 87.300 đồng – là một trong những mã tạo nhiều sức ép nhất lên VN-Index, khớp lệnh hơn 8 triệu đơn vị. VHM giảm 1,2% về 81.200 đồng, khớp lệnh 3,1 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, các mã HPG, ACB, VPB nâng đỡ tốt cho chỉ số, với HPG +5,8% lên 45.550 đồng – là mức cao nhất ngày, ACB +3% lên 35.750 đồng, VPB +2,8% lên 37.300 đồng.

ACB khớp lệnh 32,46 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE, tiếp theo là HPG và VPB với lượng khớp tương ứng 26,5 triệu và 22,2 triệu đơn vị.

Điểm nhấn trong phiên hôm nay chính là sự bứt phá của nhóm cổ phiếu thép, khi mà “anh cả” HPG tăng cao nhất ngày, còn một loạt mã khác như HSG, NKG, TLH, POM cùng tăng trần, trắng bên bán, trong đó HSG và NKG đều khớp trên 6 triệu đơn vị.

Bên cạnh thép, ngân hàng cũng là nhóm cổ phiếu giao dịch tích cực trong phiên này để cùng nâng đỡ VN-Index. Theo đó, cùng với ACB và VPB, sắc xanh cũng phủ lên nhiều mã như MSB, STB, TCB, LPB, SHB, OCG, CTG…, thanh khoản mạnh từ 8-20 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm bất động sản xây dựng chịu sức ép lớn, nhiều mã quay đầu giảm điểm như LDG, HQC, SCR, HAR, QCG…, thậm chí CEO, DIG, NBB, DRH còn giảm sàn, thanh khoản cũng không quá mạnh, khớp lệnh từ 1-9 triệu đơn vị.

Chỉ một số mã tăng điểm đi kèm với thanh khoản cao như FLC, ITA, KBC, AMD, DXG, NLG…, trong đó FLC tăng 1,3% lên 12.000 đồng, khớp lệnh hơn 29 triệu đơn vị, ITA tăng 4,7% lên 12.000 đồng, khớp lệnh gần 14,6 triệu đơn vị, KBC tăng 3,3% lên 56.500 đồng, khớp lệnh hơn 9 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, việc nhóm cổ phiếu lớn chịu áp lực lớn từ sớm và áp lực này được duy trì trong suốt phiên nên chỉ số HNX-Index chìm trong sắc đỏ.

Đóng cửa, với 131 mã tăng và 98 mã giảm, HNX-Index giảm 1,44 điểm (-0,34%) xuống 417,89 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 73,55 triệu đơn vị, giá trị 1.922,8 tỷ đồng, tăng 41% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên 7/2. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 17 triệu đơn vị, giá trị trên 351 tỷ đồng.

Trong số các mã lớn, gây sức ép nhiều nhất lên chỉ số là CEO khi giảm sàn 9,9% xuống 50.300 đồng và L14 giảm sàn -10% xuống 307.800 đồng. Ngoài ra, PVS, PVC, NDN, VC3, NTP, NVB, SLS… cũng điều chỉnh.

Phần còn lại không đủ sức gánh, dù tăng điểm như SHS, TNG, HUT, IDC, THD…. Trong đó, IDC +3,4% lên 64.700 đồng, TNG +4,4% lên 30.800 đồng, LAS +5,8% lên 16.300 đồng…

Thanh khoản phiên này CEO dẫn đầu sàn với 6,91 triệu đơn vị khớp lệnh, KLF khớp 6,9 triệu đơn vị, PVS khớp 4,6 triệu đơn vị, SHS khớp 3,3 triệu đơn vị…

Trên UpCoM, chỉ số UPCoM-Index tăng từ sớm và đà tăng được duy trì trong suốt phiên.

Đóng cửa, với 209 mã tăng và 117 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,76 điểm (+0,69%) lên 111,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 49,26 triệu đơn vị, giá trị 1.122,09 tỷ đồng, giảm 4% về khối lượng và 3% về giá trị so với phiên 7/2. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,52 triệu đơn vị, giá trị gần 63 tỷ đồng.

Cổ phiếu thanh khoản cao nhất với 8,35 triệu đơn vị là BSR giảm 0,4% về 26.500 đồng, các mã cũng giữ sắc đỏ là ABB, OIL, PAS và khớp lệnh từ 1-3 triệu đơn vị, các mã còn lại đều tăng như VHG, C4G, VGT, BVB, SBS, TVN và VAB.

Hai cổ phiếu thép tăng mạnh trong phiên là TIS tăng trần 14,5% lên 12.600 đồng và TVN +9,4% lên 15.100 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó VN30F2202 đáo hạn ngày 17/2/2022 tăng 2,7 điểm (+0,2%) lên 1.535,5 điểm với 111.985 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 22.785 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó CMSN2109 dẫn đầu thanh khoản với 1,75 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên giảm 60% về 20 đồng/CQ. Tiếp theo là CVHM2112 khớp 1,51 đơn vị và kết phiên giảm 33,3% về 20 đồng/CQ.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục