Giao dịch chứng khoán phiên chiều 8/11: Ngân hàng cười nụ, thép và bất động sản khóc thầm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự khởi sắc của nhóm ngân hàng cùng một số mã lớn khác đã giúp VN-Index đảo chiều thành công, trong khi đó nhóm bất động sản và thép vẫn la liệt nằm sàn.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 8/11: Ngân hàng cười nụ, thép và bất động sản khóc thầm

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay 8/11, dư âm từ 2 phiên giảm sâu liên tục trước đó tiếp tục gây sức ép khiến thị trường giảm mạnh ngay khi mở cửa, VN-Index nhanh chóng đâm thủng vùng đáy 960 điểm và rung lắc mạnh quanh ngưỡng này. Trong bối cảnh thị trường diễn biến khá tiêu cực, chỉ số không giảm sâu và có những nhịp hồi phục là nhờ nhóm cổ phiếu bluechips thu hút khá tốt dòng tiền bởi đã giảm mạnh sau những phiên lao dốc trước đó.

Trong phiên chiều, sức ép lớn tiếp tục được duy trì, khiến nhóm bất động sản và thép vẫn la liệt các mã giảm sàn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ tích cực của nhóm ngân hàng, cùng với một số mã bluechip thuộc các nhóm dầu khí, bán lẻ, hàng tiêu dùng, VN-Indẽ đã đảo chiều thành công, đóng cửa ở mức cao nhất ngày, vào trong đường bollinger.

Đóng cửa, với 209 mã tăng và 232 mã giảm (39 mã giảm sàn), VN-Index tăng 6,46 điểm (+0,66%) lên 981,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 660,72 triệu đơn vị, giá trị 10.373,74 tỷ đồng, nhích nhẹ về khối lượng nhưng giảm nhẹ về giá trị so với phiên 7/11 (646,85 triệu đơn vị, giá trị 10.555,45 tỷ đồng). Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 118,2 triệu đơn vị, giá trị 2.256,6 tỷ đồng.

So với phiên sáng, rổ VN30 giao dịch tích cực hơn trong phiên chiều với 23 mã tăng và chỉ còn 7 mã giảm. Trong đó, POW là mã giao dịch nổi bật nhất khi được kéo trở lại mức giá trần 10.450 đồng (+6,7%), thanh khoản cũng thuộc nhóm cao nhất sàn HOSE với gần 10,9 triệu đơn vị khớp lệnh và còn dư mua trần hơn 5,1 triệu đơn vị.

Đóng vai trò đầu kéo còn phải kể tới STB +6,1% lên 16.500 đồng, có thời điểm đã tăng trần, khớp lệnh tới hơn 22 triệu đơn vị, bên cạnh đó là BID +4,8% lên 34.100 đồng; SSI +4,9% lên 15.000 đồng; MWG +4,1% lên 44.600 đồng; GVR +4,8% lên 13.500 đồng

STB dù có thời điểm tăng trần cũng chỉ còn +3,2% lên 16.000 đồng, tương tự là các mã đã không giữ được mức giá cao nhất trong phiên như BID +2,4% lên 34.900 đồng; BVH +3,9% lên 50.800 đồng...

Ngoài STB, BID, nhóm ngân hàng chỉ có EIB có sắc xanh nhạt, còn lại đều tăng, trong đó các mã tăng mạnh có LPB tăng 6,1%, SHB tăng hơn 4,2%, ACB tăng gần 3,2%..., ngay "anh cả" VCB cũng tăng hơn 1,1%. Riêng các mã ngân hàng lớn như VCB, BID, CTG, ACB đã đóng góp hơn 4 điểm cho VN-Index.

Trong khi đó, nhóm bất động sản và thép vẫn la liệt các mã giảm sàn.

Các mã bất động sản, xây dựng giảm sàn đáng chú ý có NVL, PDR, DXG, DIG, CTD, HBC... với dư bán sàn rất lớn. Trong khi nhóm thép là NKG, HSG. HPG dù hãm đà giảm so với phiên sáng, nhưng cũng mất hơn 4% xuống 13.150 đồng, thanh khoản mạnh nhất thị trường với 46,27 triệu đơn vị.

Bên cạnh cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng hút mạnh dòng tiền và ghi nhận đà tăng tốt, trong đó VPB khớp lệnh 23,3 triệu đơn vị, SSI và VND cùng khớp hơn 16 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, lực cầu tại KBC bất ngờ gia tăng mạnh trong phiên chiều, giúp mã này vượt lên đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn HOSE với 23,3 triệu đơn vị và đóng cửa chỉ còn giảm 0,7% về 15.250 đồng. Kết thúc phiên sáng, KBC vẫn còn đo sàn với lượng dư bán giá sàn hơn 11 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng diễn biến khá tương đồng so với VN-Index khi rung lắc mạnh dưới vùng giá thấp, trước khi tăng điểm vào cuối phiên.

Đóng cửa, với 72 mã tăng và 96 mã giảm (20 mã giảm sàn), HNX-Index tăng 1,21 điểm (+0,61%) lên 199,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 56,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 840 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên 7/11. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 8 triệu đơn vị, giá trị hơn 426 tỷ đồng.

Các mã có tác động lớn đến chỉ số như SHS, PVS, CEO, IDC, TNG, MBS, PVC… đều tăng tốt, trong đó SHS +4,2% lên 7.500 đồng và khớp lệnh 10,46 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn.

Tiếp đến là PVS +6,5% lên 23.000 đồng và CEO +3,6% lên 11.500 đồng, cùng khớp lệnh hơn 7,5 triệu đơn vị.

TDT còn tăng trần 9,8% lên 6.700 đồng. BII và MST cũng tím lịm, nhưng thanh khoản các mã này không cao.

Ngược lại, TIG giảm mạnh 7,7% về 6.000 đồng, khớp lệnh 1,47 triệu đơn vị. Các mã L14, KVC, CTC, AAV, TTH, VC7… giảm sàn, thanh khoản khá yếu.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index mở cửa tăng nhẹ, sau đó dần đuối sức, nhưng may mắn có được sắc xanh trước khi kết phiên.

Đóng cửa, với 112 mã tăng và 151 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,04%) lên 72,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 20,74 triệu đơn vị, giá trị 287,29 tỷ đồng, giảm 3% về khối lượng nhưng nhích nhẹ gần 1% về giá trị so với phiên 7/11. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,2 triệu đơn vị, giá trị 24,6 tỷ đồng.

Trong số 4 mã có thanh khoản cao nhất, chỉ BSR và VHG tăng điểm. BSR +0,6% lên 17.300 đồng và khớp hơn 4,58 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường này.

VHG +5,6% lên 1.900 đồng và khớp hơn 1,5 triệu đơn vị

Ngược lại, PAS -3,6% về 5.300 đồng, còn SBS đứng giá tham chiếu 4.200 đồng, cả hai cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, trong đó hợp đồng đáo hạn gần nhất VN30F2211 tăng 22,1 điểm (+2,3%) lên 972 điểm, khớp lệnh gần 435.199 đơn vị, khối lượng mở 49.486 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh khá chiếm ưu thế, nhưng 2 mã khớp lệnh nhiều nhất lại đứng giá tham chiếu, lần lượt là CHPG2202 với hơn 5,95 triệu đơn vị ở mức giá 20 đồng/CQ và CMWG2211 với 3,59 triệu đơn vị ở mức giá 30 đồng/CQ.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục