Tăng trưởng nhanh, biến động mạnh
Ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết, tính đến hết tháng 10/2022, toàn thị trường đã có 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động, với tổng vốn điều lệ đạt gần 3.500 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu đạt hơn 6.100 tỷ đồng. Số lượng quỹ đầu tư đạt 74 quỹ. Tổng tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ có sự tăng trưởng đột phá trong thời gian qua, đạt khoảng 605.000 tỷ đồng.
Bên cạnh các loại hình quỹ truyền thống, đã hình thành các loại quỹ đại chúng hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế như quỹ mở, quỹ ETF, quỹ đầu tư bất động sản. Đặc biệt, sự ra đời của các quỹ hưu trí tự nguyện, chương trình hưu trí tự nguyện nhận được sự quan tâm của không ít tổ chức, doanh nghiệp và người lao động.
Số liệu của VSD cũng cho thấy, từ năm 2019 (khi Covid-19 chưa xuất hiện) đến nay, số lượng tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ mở tăng trưởng mạnh, từ 123.769 tài khoản trong năm 2019 đã tăng lên 181.294 tài khoản năm 2020, 535.321 tài khoản năm 2021. Tính đến ngày 30/9/2022, VSD đã quản lý 849.845 tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ mở. Tổng giá trị mua lại và phát hành chứng chỉ quỹ tới hết quý III/2022 lần lượt là 32.219 tỷ đồng và 35.490 tỷ đồng.
Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF tới ngày 30/9/2022 đạt hơn 27.400 tỷ đồng. Trong đó, các quỹ có giá trị tài sản ròng (NAV) lớn nhất là ETF DCVFM VNDiamond (FUEVFVND) với hơn 15.000 tỷ đồng, Quỹ ETF DCVFM VN30 với hơn 6.000 tỷ đồng và ETF SSIAM VNFIN LEAD với hơn 2.900 tỷ đồng.
Ông Trần Lê Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam
Đối với mảng trái phiếu doanh nghiệp, rủi ro xác định cho giai đoạn quý IV/2022 và quý I/2023, bởi một số yếu tố như lực cầu yếu do nguồn tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thanh khoản thị trường, khả năng mua của nhà đầu tư; các tổ chức cung cấp dịch vụ cũng đang làm quen với các quy định mới của Nghị định 65 và cần thời gian để thay đổi cách làm việc. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư trái phiếu được kỳ vọng có sự tăng trưởng mạnh từ năm 2024, sau khi có sự hoàn tất về cấu trúc thị trường, minh bạch thông tin và xu hướng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.
Riêng về quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, VSD bắt đầu cung cấp dịch vụ từ năm 2021, VSD đã nhận sự ủy nhiệm của 2 công ty quản lý quỹ, gồm Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam và Công ty Quản lý quỹ MB, với 2 chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện (5 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện) với hơn 1.500 tài khoản hưu trí cá nhân tính đến nay, tương đương hơn 11 triệu chứng chỉ quỹ.
Năm 2022, VSD quản lý 1.583 tài khoản hưu trí cá nhân, tăng gần 700 tài khoản so với năm trước, số lượng chứng chỉ quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đạt 11.113.915 chứng chỉ quỹ, tăng hơn 3 triệu chứng chỉ quỹ so với năm 2021.
Tốc độ tăng trưởng của ngành quỹ rất mạnh trong những năm qua, nhưng sự phân hóa giữa các quỹ cũng rất lớn, khi các quỹ có sự chênh lệch rất lớn về mặt tài sản quản lý. Trong đó, các quỹ mở có giá trị tài sản ròng lớn nhất chủ yếu thuộc về các quỹ đầu tư trái phiếu như TCBF, SSIBF, MBBOND, VLGF… Những biến động chung của thị trường chứng khoán trong giai đoạn vừa qua ảnh hưởng rất lớn đến các quỹ đầu tư, đặc biệt các quỹ đầu tư trái phiếu lớn.
Công ty cổ phần Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cho biết, thị trường chứng khoán chuyên nghiệp sẽ có sự chuyển dịch tất yếu sang tổ chức đầu tư. Ở các thị trường tiên tiến như Mỹ, tài khoản cá nhân được quản lý bởi các quỹ và định chế tài chính chuyên nghiệp. Theo đó, tổng giá trị giao dịch thực hiện bởi các nhà đầu tư cá nhân sẽ đi xuống theo thời gian.
Tại Việt Nam, xu hướng thành lập quỹ chứng khoán và quản lý tài sản chuyên nghiệp qua các quỹ đăng ký mới tăng trong thời gian gần đây. Đối với mảng thị trường trái phiếu đã chứng kiến sự bùng nổ trong 3 năm gần đây với lượng lớn trái phiếu được phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư cá nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường trái phiếu gần đây khi hiện tượng rút ròng ồ ạt xảy ra tại các quỹ đầu tư trái phiếu. Các quỹ cổ phiếu cũng bị rút ròng trong điều kiện thanh khoản thị trường giảm sút.
Theo SSIAM, các quỹ trái phiếu hoạt động ổn định cho đến hết quý III/2022 với tỷ suất lợi nhuận tương đương kỳ vọng, tuy nhiên, NAV của các quỹ trái phiếu đã có biến động mạnh trong tháng 10, do tác động chung của thị trường trái phiếu cũng như tâm lý lo lắng của nhà đầu tư trong thời gian qua.
Vốn ngoại vẫn ở lại
Bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ SSI (SSIAM)
Cần có cơ chế khuyến khích sự phát triển của các trung gian tài chính, quỹ đầu tư để bình ổn thị trường, khuyến khích đầu tư qua các sản phẩm đầu tư được quản lý chuyên nghiệp, thay vì các nhà đầu tư cá nhân tự đầu tư, đẩy mạnh nhận thức của các nhà đầu tư cá nhân để giảm thiểu biến động thị trường.
Bên cạnh đó, cần có nhiều chính sách thúc đẩy đầu tư dài hạn, các ưu đãi về thuế...
Sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài trong thời gian qua đã góp phần đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức. Giai đoạn thị trường chứng khoán điều chỉnh vừa qua, nhiều quỹ nước ngoài đã thực hiện cơ cấu lại danh mục đầu tư do giá nhiều cổ phiếu giảm mạnh. Nhưng nhìn tương quan so với các nước trong khu vực, không có hiện tượng các quỹ đầu tư nước ngoài rút vốn nhiều khỏi Việt Nam.
Trong vai trò là một ngân hàng lưu ký giám sát, đồng thời cũng là ngân hàng thương mại, đại diện Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BIDV) kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cho phép các ngân hàng lưu ký trong nước nói chung và BIDV nói riêng được tham gia vào các kế hoạch, chương trình khảo sát, trao đổi thông tin về thông lệ quốc tế và khu vực, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xu thế công nghệ và sản phẩm, hàng hóa mới của thị trường; qua đó các ngân hàng lưu ký có thể đóng góp ý tưởng, chuẩn bị các nguồn lực nhằm phục vụ các chủ thể trên thị trường được tốt hơn.
Đồng thời, BIDV đề xuất, thông qua các hoạt động truyền thông, quảng bá, trao đổi kinh nghiệm hợp tác quốc tế cũng tạo kênh kết nối thuận lợi cho các ngân hàng lưu ký giám sát nội địa với các nhà đầu tư nước ngoài, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư để tiếp cận, thiết lập quan hệ và cung cấp sản phẩm dịch vụ, từ đó đa dạng hóa kinh nghiệm phục vụ và nâng cao năng lực cạnh tranh cho khối các ngân hàng lưu ký trong nước.
BIDV cũng kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và VSD tiếp tục làm việc với Ngân hàng Nhà nước về cơ sở pháp lý để hướng dẫn cho các ngân hàng lưu ký trong hoạt động cung cấp dịch vụ cho khách hàng lưu ký trong mô hình đối tác bù trừ trung tâm sẽ được VSD triển khai trong thời gian tới…
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD cho biết, cơ quan này sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đánh giá và các kiến nghị xây dựng của các thành viên để có sự cải thiện các quy định cho phù hợp. Đối với hoạt động dịch vụ dành cho quỹ đầu tư chứng khoán, trong năm 2023, VSD tiếp tục xúc tiến các công tác hỗ trợ và hoàn thiện chào bán cho các quỹ đầu tư đã ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ, hoàn thành tốt công tác nghiệp vụ hàng ngày và định kỳ cho các quỹ đầu tư đã và đang sử dụng dịch vụ của VSD, đảm bảo xử lý các phát sinh khi gặp phải và kịp thời thông báo tới các thành viên thị trường, phối hợp tích cực và chặt chẽ để mang lại quyền lợi tốt nhất cho nhà đầu tư.
“VSD xác định một trong các công tác trọng tâm trong năm 2023 là rà soát, hoàn thiện bộ quy định, quy trình làm khung hướng dẫn chi tiết cho hoạt động cung cấp dịch vụ quỹ. Đặc biệt, trong bối cảnh Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiến hành đánh giá tình hình thực hiện Luật Chứng khoán và các văn bản quy định chi tiết, VSD đã thực hiện rà soát liên tục các quy định hiện hành nhằm đảm bảo kịp thời nhận biết và tháo gỡ vướng mắc gặp phải khi triển khai hoạt động sau này”, ông Sơn chia sẻ.
VSD sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và các đơn vị phát triển hệ thống của gói thầu “Thiết kế giải pháp cung cấp, lắp đặt, chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM”. Trong cấu phần hệ thống này, có mảng hoạt động dịch vụ đối với quỹ đóng và quỹ ETF. Hiện VSD đã thực hiện kiểm tra luồng chức năng vận hành nghiệp vụ đối với các dịch vụ liên quan tới quỹ đóng và quỹ ETF trên bản kiểm thử.
Ngoài ra, VSD xác định mục tiêu trọng tâm là nâng cấp hiệu năng của hệ thống quỹ mở, quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện nhằm đáp ứng nhiều hơn nữa quy mô dịch vụ đang gia tăng hiện nay và số lượng nhà đầu tư tham gia ngày một nhiều hơn và chuyên sâu hơn vào thị trường giao dịch chứng chỉ quỹ mở và quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.