Giao dịch chứng khoán phiên chiều 7/7: VN-Index “vá lại lỗ thủng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index sau sự ngần ngại nhất định đã trở lại mạnh mẽ phiên chiều và tạo một nến phục hồi phủ định phiên giảm rất mạnh ngày hôm qua, điều này mở ra khả năng thị trường sẽ có nhịp tăng ngắn hạn.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 7/7: VN-Index “vá lại lỗ thủng”

Nhìn lại phiên giảm tới hơn 31 điểm ngày hôm qua, VN-Index đã phá đáy 16 tháng khiến nhiều nhà đầu tư phải thực sự lo ngại một nhịp giảm mạnh nữa có thể tiếp tục diễn ra, nhưng rất may phiên hôm nay dù chưa thực sự lấy lại những gì đã mất nhưng việc VN-Index bật tăng hơn 16 điểm cho thấy khá nhiều điều.

Đầu tiên là tâm lý bi quan của nhà đầu tư đã giảm bớt, việc bán tháo ở thời điểm hiện tại là không cần thiết vì giá cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cơ bản đã về mức khá thấp trong 2 năm trở lại đây. Tiếp theo là áp lực đòn bẩy thực sự đã giảm, nhà đầu tư cầm giữ cổ phiếu chủ yếu bằng “Tiền thịt” nên có thể nắm giữ dài hơn thay vì phải bán mỗi khi thị trường lao dốc để tránh “force sell”.

Đó là câu chuyện nội tại của thị trường, nhưng nhìn rộng ra hơn về bối cảnh vĩ mô, việc giá dầu đang giảm mạnh do đồng USD mạnh lên là một “liều thuốc tốt” giải tỏa phần nào lo ngại về lạm phát sẽ gia tăng, chưa kể việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu sẽ giúp giá xăng dầu trong nước có thể giảm ngay trong kỳ điều chỉnh tới.

Tất nhiên, đồng USD mạnh lên sẽ tạo ra một áp lực khác đó là tỷ giá của các nước ngoài Mỹ, thực tế các thị trường mới nổi đang chứng kiến sự mất giá của đồng nội tệ và Việt Nam đang nỗ lực kiểm soát câu chuyện này. Tỷ giá VND/USD khi tăng mạnh đều tạo ra biến động ngược chiều cho giá cổ phiếu vì tỷ giá là yếu tố rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh với một nền kinh tế có độ mở như Việt Nam.

Hiện các dự báo mới nhất thì với hành động của NHNN thời gian vừa qua và cán cân thương mại vẫn tích cực thì khả năng kiểm soát tỷ giá biến động trong phạm vi cho phép vẫn có thể thực hiện được trong năm 2020.

Quay lại với câu chuyện thị trường, dù chỉ số biến động tăng hay giảm, nhưng có một sự đồng nhất đó là thanh khoản của thị trường đang ở mức khá thấp 2 năm trở lại đây. Điều tích cực của thanh khoản thấp cho thấy lực bán đang giảm đi, nhưng ngược lại cũng cho thấy động lực thị trường tăng mạnh sẽ chưa sớm xảy ra, kỳ vọng phù hợp là sideway hoặc có nhịp tăng ngắn hạn.

Có một thông tin tích cực dù không còn mới đó là cơ quan quản lý sắp áp dụng T+2, điều này đang được kỳ vọng giúp thanh khoản được cải thiện thời gian tới.

Đóng cửa, sàn HOSE có 248 mã tăng và 183 mã giảm, VN-Index tăng 16,87 điểm (+1,47%), lên 1.166,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 411,8 triệu đơn vị, giá trị 9.061,6 tỷ đồng, giảm hơn 32% về khối lượng và 34% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 49 triệu đơn vị, giá trị 1.302 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu nhà VIC vốn chỉ lình xình quanh tham chiếu trong suốt cả phiên đã bất ngờ nhảy vọt ở những phút cuối và cùng VCB đã đóng góp cho VN-Index hơn một nửa số điểm tích cực của phiên này.

Cụ thể, VCB +3,7% lên 75.500 đồng, VIC +3,4% lên 69.800 đồng, VHM +3,2% lên 61.000 đồng, VRE +3,8% lên 27.000 đồng.

Ngoài ra, giao dịch khởi sắc ở các mã khác trong rổ VN30 cũng là nhân tố giúp thị trường có phiên hồi phục khá mạnh, với BVH +3,8% lên 55.000 đồng, PNJ +3,6% lên 116.000 đồng, VNM +3,3% lên 73.000 đồng, MSN thu hẹp đôi chút mức tăng so với cuối phiên sáng, tăng 3% lên 103.000 đồng.

Các mã TPB, BID, PLX, SAB tăng từ 1,9% đến 2,4%, nhóm HPG, KDH, VJC, CTG tăng từ 1,4% đến 1,7%.

Chỉ còn bốn cổ phiếu giảm là GAS -1,8%, cùng FPT, GVR, ACB giảm nhẹ và MWG, POW đứng tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu tăng điểm cũng đã được mở rộng, với DGC, MIG, CIG, CTF, TTF, VPH, HBC, OGC, VAF, TCD đều đóng cửa ở mức giá trần, với giao dịch sôi động nhất tại HBC khi khớp 6,3 triệu đơn vị, VPH khi khớp hơn 5,5 triệu đơn vị.

Tăng mạnh khác còn có cặp đôi bán lẻ FRT +5,5% lên 78.500 đồng, DGW +4,3% lên 56.000 đồng.

Các cổ phiếu bất động sản, xây dựng ngoài các mã tăng trần nêu trên thì DIG +3%, CKG +3,2%, TDC +3,3%, NBB +3,3%, C47 +3,4%, HDG +5,7%. Nhóm CRE, SCR, NVT, FCN, LCG, CII nhích từ 2% đến 3%.

Ở nhóm ngân hàng, ngoài các bluechip thì VIB +4,1% lên 25.100 đồng. Nhóm công ty chứng khoán có FTS +4,2% lên 37.000 đồng, HCM +3,1% lên 23.400 đồng.

Các mã thanh khoản cao có sắc xanh, nhưng hầu như chỉ nhích nhẹ là VPI, NLG, KBC, APH, VCG, BCG, AAA, HNG, TCH, DXG, HQC, VIX, HAG, VND, khớp từ hơn 1,1 triệu đến 15,3 triệu đơn vị, riêng VND khớp hơn 21,1 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE.

Ở chiều ngược lại, một số bị bán mạnh, với một số mã quen thuộc như ITA -5,3% xuống 6.800 đồng, FLC -4,4% xuống 6.020 đồng, ASM -3% xuống 12.900 đồng, IDI -5,1% xuống 17.500 đồng, VOS -4,2% xuống 14.900 đồng, khớp lệnh từ 1,64 triệu đến hơn 9,44 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã nhích dần lên và chạm tham chiếu trước khi đóng cửa với mức giảm không đáng kể.

Chốt phiên, sàn HNX có 92 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,02%), xuống 271,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 40,4 triệu đơn vị, giá trị 723,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,92 triệu đơn vị, giá trị gần 80 tỷ đồng.

Động lực thu hẹp đà giảm đến từ các cổ phiếu CEO, TNG, PVI khi tăng trên dưới 2,5%.

Cùng với đó, một số tăng khá đáng chú ý trên bảng điện tử như HDA +5,4% lên 9.800 đồng, TNG +3,6% lên 26.000 đồng, HUT +2% lên 24.900 đồng.

Trong khi đó, PVS, SHS, PVC, DVG, TAR, IDJ, IDC, ART, vẫn chìm trong sắc đỏ, với PVS -1,3% xuống 22.000 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 5,94 triệu đơn vị, theo sau là SHS với 5,45 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu giảm 0,7% xuống 13.800 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng nhích dần lên trong phiên chiều và trồi lên trên tham chiếu ở những phút cuối.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,18%), lên 86,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,5 triệu đơn vị, giá trị 502,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,49 triệu đơn vị, giá trị 13,2 tỷ đồng.

Tương tự phiên sáng, khi VGI phiên này là cổ phiếu tăng đáng kể nhất, +10,9% lên 27.400 đồng, khớp 1,85 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu hút giao dịch nhất là BSR giảm 5,1% xuống 22.500 đồng, khớp hơn 11,6 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, với VN30F2207 đáo hạn gần nhất đã tăng 7 điểm, tương đương +0,57% lên 1.225 điểm, khớp lệnh đạt hơn 319.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 47.200 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, hút giao dịch nhất là CHPG2212 với 2,44 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng giá về tham chiếu tại 290 đồng/cq.

Trong số các mã thanh khoản tốt khác đáng chú ý có CVNM2204, khi tăng mạnh 28,6% lên 900 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục