Lực cung gia tăng ở cuối phiên sáng tiếp tục mạnh dần lên và lan rộng ngay khi thị trường bước vào phiên chiều, VN-Index bị đẩy nhanh xuống và giằng co nhẹ quanh ngưỡng 1.080-1.085 điểm, trước khi có nhịp lao dốc mạnh sau thời điểm 14h với lực bán dứt khoát.
Chỉ số theo đó giảm mạnh về dưới 1.075 điểm, tương ứng giảm khoảng 30 điểm với hơn 430 mã giảm trên HOSE và 1/10 trong đó giảm sàn, với không ít đến từ các cổ phiếu có thanh khoản cao nhất sàn ở nhiều nhóm ngành như bất động sản, thép, công ty chứng khoán, nông nghiệp, bảo hiểm…
Trong phiên ATC, số mã giảm sàn thậm chí còn tăng thêm, nhưng việc các bluechip ngừng rơi đã giúp cho VN-Index trở lại gần với mốc 1.075 điểm khi đóng cửa, dù vậy, thị trường đã trả lại hết những gì đã đạt được trong phiên hôm qua, thậm chí còn để lại “nỗi đau” lớn hơn.
Đóng cửa, sàn HOSE có 60 mã tăng và 429 mã giảm (65 mã giảm sàn), VN-Index giảm 29,74 điểm (-2,69%), xuống 1.074,52 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 545,8 triệu đơn vị, giá trị 11.115,5 tỷ đồng, tăng gần 21% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 45,8 triệu đơn vị, giá trị 1.315,9 tỷ đồng.
Trong các bluechip, VIC là mã duy nhất chiến thắng, nhưng cũng chỉ nhích nhẹ 0,2%, cùng TPB may mắn về lại tham chiếu 24.000 đồng.
Còn lại đều giảm, với những cổ phiếu giảm sâu như GVR giảm sàn -6,8% xuống 17.800 đồng, MWG -6,8% xuống 58.000 đồng, SSI -6,7% xuống 17.400 đồng, STB -6,5% xuống 18.000 đồng và HPG -6,3% xuống 18.000 đồng.
Các cổ phiếu lao dốc mạnh còn có POW -5,8%, MBB -5,7%, MSN -5,1%, KDH -4,5%, TCB -3,9%, ACB -3,9%, BVH -3,4%, VIB -3,3%.
Cổ phiếu VPB đáng chú ý không kém, khi có thời điểm giảm sàn, trước khi thu hẹp đà giảm, đóng cửa -2,9% xuống 16.500 đồng.
Các mã khác với VRE, HDB, VCB, VNM, NVL, PLX, FPT, BID, CTG giảm từ 1,9% đến 2,7%, còn GAS, VHM, VJC, PDR, SAB giảm nhẹ.
Trong số kể trên, HPG vẫn là cổ phiếu thanh khoản cao nhất, đồng thời cũng là mã có khối lượng khớp lệnh cao nhất sàn với 37,46 triệu đơn vị khớp lệnh và bị khối ngoại bán ròng rất mạnh với gần 10,8 triệu đơn vị.
Theo sau là nhóm tài chính với các mã SSI, VPB, STB khớp từ 12 triệu đến 18,65 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu đáng chú ý nhất là EIB, khi ngược dòng ngoạn mục, tăng 6,3% lên 36.950 đồng, khớp 6,91 triệu đơn vị. Thông tin gần đây liên quan đến EIB là động thái thoái vốn của nhiều tổ chức cá nhân liên quan đến bà Lê Hồng Anh – Thành viên HĐQT.
Một vài cái tên đơn lẻ khác như PTB +5,9% lên 51.900 đồng, NBB +3,9% lên 20.500 đồng, ITC hạ nhiệt, từ giá trần còn +2,7% lên 11.500 đồng, CTF +2,5% lên 24.400 đồng.
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu nằm sàn la liệt, đa số trắng bên mua, trong đó, nhóm bất động sản, xây dựng “đóng góp” nhiều mã nhất, như DXG, GEX, VCG, BCG, KBC, IJC, LCG, NLG, HHV, HDG, CKG, DPG, C47, TDG, SGR, NHA , KBC, DRH…nhóm công ty chứng khoán có HCM, BSI, VCI, CTS, VND, nhóm thép có NKG, HSG, bảo hiểm với BMI và MIG, nhóm nông nghiệp với HAG, VHC, AGM, DBC, ANV, TSC…
Trong đó, HAG khớp lệnh chỉ đứng sau HPG trên sàn với 34,3 triệu đơn vị khớp lệnh, và dư bán sàn hơn 6,6 triệu đơn vị.
Giảm sâu cũng còn tương đối nhiều, như SHB, HBC, DXS, PAN, FTS, PSH, JVC, HNG, FCN, BAF, TCD, TCD, SCR, ACL, LHG, HQC, với mức giảm từ 6% đến 6,6%.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng chung cũng đã khiến HNX-Index lao dốc và thu hẹp đôi chút đà giảm về cuối phiên.
Đóng cửa, sàn HNX có 38 mã tăng và 162 mã giảm (22 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 6,99 điểm (-2,89%), xuống 235,13 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 50,75 triệu đơn vị, giá trị 929,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,94 triệu đơn vị, giá trị 21,8 tỷ đồng.
Hàng loạt cổ phiếu giảm mạnh như KLF, APS, KVC, PVL giảm sàn, các mã SHS, CEO, IDJ, TNG, TAR giảm từ 7,1% đến 7,4%, nhóm MBS, TVC, LIG, MBG, VGS, AMV giảm từ hơn 5% đến hơn 6%, PVS, IDC, HUT, BII, ART mất từ hơn 3% đến hơn 4%.
Sắc xanh có lẽ đáng kể nhất tại SCG +1,5% lên 69.000 đồng, khớp 0,54 triệu đơn vị.
Phiên này, khối lượng giao dịch cao nhất tại SHS với 7,78 triệu đơn vị, PVS khớp 6,93 triệu đơn vị, IDC khớp 5,1 triệu đơn vị, CEO khớp 3,44 triệu đơn vị…
Trên UpCoM, áp lực bán cũng gia tăng mạnh, đẩy UpCoM-Index lùi sâu hơn và cũng như hai sàn chính, khi thu hẹp đôi chút mức giảm ở những phút cuối.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 1,38 điểm (-1,64%), xuống 82,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,78 triệu đơn vị, giá trị 396,85 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 8 triệu đơn vị, giá trị 226,3 tỷ đồng.
Cổ phiếu PFL có lẽ là mã duy nhất duy trì lực mua, giữ giá trần +13% lên 5.200 đồng, khớp 1,11 triệu đơn vị.
Còn lại, ngoài VHG, FTM, M10, TCI, BOT, NET đứng tham chiếu thì đều giảm điểm.
Cổ phiếu thanh khoản cao nhất vẫn là BSR với hơn 8 triệu đơn vị khớp lệnh và giá cổ phiếu lùi về tham chiếu tại 20.000 đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó, VN30F2210 đảo chiều, mất tới 35,2 điểm, tương đương -3,16% xuống 1.080 điểm, khớp lệnh tới hơn 412.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 49.400 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ phủ gần như kín bảng. Khối lượng giao dịch phiên này CTCB2206 vượt trội với 3,16 triệu đơn vị, nhưng mã này về tham chiếu tại 20 đồng/cq.
Tiếp theo là CKDH2213 với 2,55 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm mạnh 47,4% xuống 100 đồng/cq.