Giao dịch chứng khoán phiên chiều 5/4: Gặp gió to ở đỉnh, VN-Index quay đầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực cung gia tăng mạnh ở vùng đỉnh lịch sử khiến VN-Index quay đầu điều chỉnh phiên hôm nay, chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp trước đó.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 5/4: Gặp gió to ở đỉnh, VN-Index quay đầu

Mở cửa phiên giao dịch hôm nay 5/4, sức ép ở vùng giá cao 1.530 điểm được thể hiện rõ nét hơn khi VN-Index sớm giảm điểm và chủ yếu giao dịch dưới tham chiếu trong cả phiên sáng. Trong khi đó, những thông tin không mấy tích cực về những doanh nghiệp lớn cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. VN-Index chỉ bật lên vào cuối phiên sáng khi thị trường trở nên cân bằng hơn.

Tuy nhiên, sau 3 phiên tăng liên tiếp, đặc biệt là phiên tạo break cuối tuần trước, VN-Index xác lập uptrend, nhưng trước mắt là vùng kháng cự mạnh ở vùng đỉnh cũ 1.530 điểm. Thông thường, khi lên đỉnh thường gặp gió to, nên ngay khi bước vào phiên chiều nay, lực cung đã gia tăng mạnh ở hầu hết các nhóm cổ phiếu, khiến hàng loạt mã cả bluechip và cổ phiếu có tính đầu cơ đều quay đầu giảm mạnh, trong đó có nhiều mã đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Nhóm VN30 vốn kéo thị trường trong giai đoạn nhiều thông tin gây hoang mang tuần trước đã bị chốt lời nên đồng loạt quay đầu giảm, trong đó VN30 cũng quay đầu giảm sau 3 phiên tăng liên tiếp. Trong đó, nhóm ngân hàng chỉ còn 2 sắc xanh tại LPB và VCB, trong khi BID giảm mạnh.

Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn duy nhất VND có sắc xanh, còn lại đều quay đầu giảm giá.

Nhiều nhà đầu tư bắt đáy nhóm FLC và các mã thị trường cuối tuần trước đủ T+3 có lãi ít đã nhanh chóng chốt sớm khiến nhóm này cũng đồng loạt điều chỉnh chỉ sau phiên khởi sắc hôm qua.

Đóng cửa, với 179 mã tăng và 273 mã giảm, VN-Index giảm 4,67 điểm (-0,31%) về 1.520,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 703 triệu đơn vị, giá trị hơn 21.763 tỷ đồng, giảm 10% về khối lượng và tương đương về giá trị so với phiên 4/4 (đạt hơn 26.751 tỷ đồng). Giao dịch thỏa thuận đóng góp 40,4 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.241 tỷ đồng.

Sự ảm đảm của nhóm bluechips khiến VN-Index thiếu động lực tăng. Tại rổ VN30, có 19 mã giảm và 11 mã tăng nhưng không mã nào tăng hay giảm quá mạnh. VNM -2,2% về 80.400 đồng và BID -2,1% về 43.300 đồng là 2 mã giảm nhiều nhất cũng chỉ nhỉnh hơn 2%, còn lại đều dưới mức này.

Tương tự, hai mã tăng mạnh nhất cũng chưa tới 2% là GAS +1,7% lên 114.300 đồng và NVL +1,4% lên 87.700 đồng, còn lại đều tăng trên dưới 1%.

Về thanh khoản, chỉ có VPB và HPG đạt thanh khoản trên 10 triệu đơn vị, xét giá trị giao dịch toàn rổ chỉ hơn 1/3 so với giá trị giao dịch toàn sàn HOSE. Đóng cửa, VPB -1,8% về 38.300 đồng và khớp 15,7 triệu đơn vị; HPG +0,5% lên 46.100 đồng, khớp lệnh 12,12 triệu đơn vị.

Nhìn chung, phiên hôm nay, các trụ đỡ chính như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản – xây dựng giao dịch khá yếu, tạo gánh nặng cho VN-Index. Ngược lại, đóng vai trò nâng đỡ là nhóm cổ phiếu thép, dầu khí, than…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, họ cổ phiếu “FLC” tiếp tục hút mạnh dòng tiền, xong đều giảm điểm. FLC -2,2% về 11.350 đồng, khớp hơn 39,37 triệu đơn vị, cao nhất thị trường. ROS, và AMD cùng giảm mạnh hơn 5% xuống 7.000 đồng và 5.800 đồng, khớp lệnh 21,5 triệu và 8,3 triệu đơn vị. HAI -3,8% xuống 5.600 đồng, khớp lệnh 6,8 triệu đơn vị.

Các mã HQC, HAG, ITA, TTF, DIG… cũng đều giảm điểm, khớp lệnh từ 6-13 triệu đơn vị.

Ngược lại, các mã ASM, HNG, DXG, HBC, FCN, VCG… tăng khá tích cực cả về điểm số lẫn thanh khoản.

Mã VND sau phiên bùng nổ hôm qua đã chững lại chỉ còn tăng +2,1% lên 34.600 đồng, khớp hơn 17 triệu đơn vị.

Cổ phiếu LPB trong ngày giao dịch không hưởng quyền bán ưu đã cổ phiếu với giá 10.000 đồng tăng vọt 4% lên 20.600 đồng, khớp 10,6 triệu đơn vị.

Tương tự, cổ phiếu DBC trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 1:1 tăng 4,3% lên 39.000 đồng, khớp gần 4,6 triệu đơn vị.

Một số mã tăng trần như LCG, QBS, OGC, ELC, ITD…, trong đó LCG khớp tới 18,5 triệu đơn vị, tăng lên 22.550 đồng.

Trên sàn HNX, diễn biến khá tương đồng khi chỉ số HNX-Index cũng giao dịch quanh tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch, trước khi giảm mạnh hơn về cuối phiên.

Đóng cửa, với 98 mã tăng và 133 mã giảm, HNX-Index giảm 2,59 điểm (-0,56%) về 456,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 94 triệu đơn vị, giá trị gần 2.906 tỷ đồng, tăng 12% về khối lượng và 29% về giá trị so với phiên 4/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,22 triệu đơn vị, giá trị gần 943 tỷ đồng.

Càng về cuối phiên, áp lực chốt lời tăng càng mạnh, ngay cả nhóm tăng tốt trước đó như nhóm dầu khí cũng mất đà khi PVS, PVC lùi về tham chiếu. Tương tự, các mã NVB, VMC, CEO, LAS… cũng kết phiên tại mức giá này.

Đà giảm cũng gia tăng tại các mã IDC, SHS, HUT, TAR, TVC… Ngược lại, sắc xanh chỉ còn ở vài mã như TNR, NRC, THD, VC3…

IDC khớp lệnh mạnh nhất rổ HNX30 với 7,77 triệu đơn vị, kết phiên giảm 3% xuống 50.000 đồng. TNR chỉ còn tăng 0,8% lên 38.300 đồng, khớp lệnh 3,1 triệu đơn vị.

Dẫn đầu thanh khoản sàn HXN là KFL với 12,6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 5% về 5.700 đồng. ART giảm mạnh hơn 7% về 8.900 đồng và khớp 4,6 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM may mắn đảo chiều tăng điểm trước khi đóng cửa, khi mà phần lớn thời gian trước đó giao dịch dưới tham chiếu.

Đóng cửa, với 192 mã tăng và 136 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,03%) lên 117,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 91,2 triệu đơn vị, giá trị 2.300 tỷ đồng, tăng 27% về khối lượng và 38% về giá trị so với phiên 4/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 38 triệu đơn vị, giá trị hơn 952 tỷ đồng, với chủ yếu là hơn 23,8 triệu cổ phiếu DVN, trị giá hơn 401,6 tỷ đồng và hơn 12 triệu cổ phiếu KLB, giá trị hơn 480 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động nhất có BSR, LMH, C4G, VGI, DRI, LTG, AAS và đều tăng điểm. Trong đó, BSR +1,9% lên 26.800 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 7,3 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, các mã VGT, BOT, SBS, ABB, DDV, MSR, QNS… đều giảm điểm, khớp từ 0,7 triệu đến 3,6 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm điểm nhẹ, với VN30F2204 giảm 3,1 điểm (-0,2%) về 1.525,3 điểm, khớp lệnh gần 104.940 đơn vị, khối lượng mở 36.133 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm thế chủ đạo, trong đó CVIC2107 dẫn đầu thanh khoản với hơn 3,8 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm hơn 40% về 300 đồng/CQ.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục