Giao dịch chứng khoán phiên chiều 5/4: Đua lệnh cổ phiếu nhỏ, VN-Index leo lên mức cao nhất ngày

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong những phút cuối phiên, lệnh mua được tung vào lớn đã kéo VN-Index đi lên theo hướng dựng đứng và đóng cửa ở mức cao nhất ngày, chinh phục mốc 1.080 điểm, dù mức tăng chỉ khiêm tốn.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 5/4: Đua lệnh cổ phiếu nhỏ, VN-Index leo lên mức cao nhất ngày

Trong phiên sáng, thị trường giằng co trong biên độ hẹp, nhưng vẫn có những điểm nhấn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản khi hút dòng tiền lớn, nhiều mã trong nhóm này cũng có mức tăng khá tốt.

Việc nhóm cổ phiếu này thu hút sự chú ý của nhà đầu tư có thể xuất phát từ những thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, triển khai gói 12.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, hay sửa đổi Thông tư 16, nới thêm nút thắt cho trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 08 sửa đổi Nghị định 65. Đây là những thông tin tích tới thị trường bất động sản, nếu được triển khai có thể vực dậy thị trường bất động sản đang trong trạng thái án binh bất động hiện nay, đồng thời cũng giúp nhiều doanh nghiệp bất động sản giải được bài toán thanh khoản dòng tiền.

Tuy nhiên, sau chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp kể từ tuần cuối tháng 3, thị trường cũng đã chịu áp lực chốt lời từ một số mã lớn, khiến VN-Index đóng cửa giảm nhẹ sau phiên điều chỉnh nhẹ hôm qua.

Bước vào phiên giao dịch chiều, VN-Index nới đà giảm ngay khi mở cửa, nhưng chỉ lùi nhẹ một bước ở ngưỡng 1.074 điểm, rồi nhanh chóng quay đầu đi lên trên tham chiếu. Đến khoảng 14h, lực cung chốt lời một lần nữa gia tăng đẩy chỉ số này lùi trở lại, nhưng lực cầu tham gia tích cực giúp VN-Index không lùi về đáy cũ mà quay đầu đi lên.

Trong đợt ATC, lực cầu gia nhập mạnh hơn đã kéo VN-Index lên mức 1.080 điểm, đóng cửa ở mức cao nhất ngày với khối lượng khớp riêng trong đợt này là 41 triệu đơn vị, sắc xanh vượt trội so với sắc đỏ.

Chốt phiên, VN-Index tăng 2,41 điểm (+0,22%), lên 1.080,86 điểm với 250 mã tăng và 128 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 793,7 triệu đơn vị, giá trị 12.866,3 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 86,8 triệu đơn vị, giá trị 1.430 tỷ đồng.

Cổ phiếu bất động sản vẫn là điểm nhấn trong phiên chiều nay, đặc biệt là các mã vừa và nhỏ. Trong đó, sau khi mất sắc tím trong phiên sáng do áp lực chốt lời sau 3 phiên tăng liên tiếp, HPX đã trở lại mức trần trong phiên chiều khi lực cầu gia tăng, hấp thụ hết lượng dư bán. Đóng cửa, HPX tăng trần lên 4.520 đồng, khớp 14,59 triệu đơn vị. Trong khi đó, HQC nới rộng đà tăng khi đóng cửa tăng 5,8% lên 4.410 đồng, nhưng thanh khoản không còn giữ vị trí quán quân như phiên sáng khi tụt xuống thứ 3 với 37,93 triệu đơn vị.

DIG cũng lấy lại đà tăng mạnh khi đóng cửa tăng 4% lên mức cao nhất ngày 15.500 đồng, khớp 19,5 triệu đơn vị. Trong khi NVL hạ nhiệt chỉ tăng 0,8% lên 12.850 đồng, khớp 30,63 triệu đơn vị.

DXG cũng trở lại với sắc xanh khi đóng cửa tăng 2,2% lên 13.700 đồng, khớp 14,02 triệu đơn vị. GEX tăng 1,9% lên 13.400 đồng, khớp 12,53 triệu đơn vị…

Ngoài HPX, chiều nay nhóm bất động sản, xây dựng cũng ghi nhận thêm 3 mã tăng trần khác là VPH, NHA, PTL. Các mã tăng mạnh khác có DXS tăng 4,9% lên 6.470 đồng, HTN tăng 4,8% lên 12.050 đồng, CTD tăng 3,9% lên 47.500 đồng...

Nhóm ngân hàng cũng có nhiều sắc xanh hơn phiên sáng với sự tham gia thêm của CTG, ACB, TPB, SHB, MBB, SSB, thậm chí cả “anh cả” VCB cũng đảo chiều tăng nhẹ, cùng với 2 sắc xanh của phiên sáng là HDB và EIB.

Trong nhóm này, HDB là điểm sáng nhất khi có mức tăng tốt nhất 2,9% lên 19.700 đồng, khớp 4,71 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua ròng 1,4 triệu đơn vị, cũng là mã ngân hàng được nhà đầu tư nước ngoài thêm vào danh mục nhiều nhất. Đây cũng là mã tăng cao nhất trong nhóm bluechip của VN30.

HDB nhận được sự quan tâm có thể do thông tin tích cực mà nhà băng này vừa công bố. Cụ thể, theo tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 họp ngày 26/4/2023 tới đây, HDBank sẽ trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 25%, từ đó tăng vốn điều lệ lên 29.276 tỷ đồng. Mức cổ tức cao năm nay có được nhờ nỗ lực của HDBank trong việc duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng cao năm 2022.

Năm 2022, vượt lên những khó khăn chung của nền kinh tế, HDBank vẫn đạt mức tăng trưởng cao dù Ngân hàng đặt yếu tố cho vay, kiến tạo chất lượng tài sản bền vững lên làm đầu.

Năm qua, HDBank tập trung cho vay những lĩnh vực là động lực của nền kinh tế nên dư nợ trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản rất thấp. Nhờ chiến lược kinh doanh đó, HDBank hoàn thành và vượt kế hoạch kinh doanh được cổ đông giao phó với lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt trên 10.268 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 105% kế hoạch. Chỉ số ROE đạt 23,5%; ROA đạt 2,1% đều cao hơn cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,3%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất 1,67%, mức thấp so với toàn ngành. Số dư trái phiếu doanh nghiệp chỉ 4.300 tỷ đồng, tương ứng 1,6% tổng dư nợ. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR theo Basel II) lên đến 13,4% và thuộc nhóm những ngân hàng an toàn vốn cao nhất.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, STB là mã giảm mạnh nhất của nhóm ngân hàng khi mất 2,4% xuống 26.250 đồng, cũng là mã giảm mạnh nhất trong nhóm VN30. Tiếp đến là LPB giảm 1,3% xuống 15.550 đồng, BID giảm 1,1% xuống 45.500 đồng, VPB giảm 0,9% xuống 21.200 đồng, MSB giảm 0,8% xuống 12.650 đồng và VIB giảm 0,7% xuống 21.950 đồng.

Xét về thanh khoản SHB là mã có thanh khoản tốt nhất với 44,06 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,4% lên 11.550 đồng. Tiếp đến là STB khớp 39,44 triệu đơn vị. Đây cũng là 2 mã có thanh khoản tốt nhất thị trường.

Nhóm chứng khoán cũng có các sắc tím tại TVB và ORS, trong khi chỉ còn VCI giảm nhẹ không đáng kể. Các mã lớn trong nhóm đều hồi phục như SSI và VND về tham chiếu, HCM tăng 0,2%.

Nhóm thép cũng tương tự khi chỉ còn 2 sắc đỏ, còn lại đều hồi phục, trong đó có các mã đầu ngành như HPG tăng 1,9% lên 21.500 đồng, HSG tăng 1,5% lên 16.700 đồng, NKG tăng 1% lên 15.450 đồng.

Trong nhóm bluechip, trong khi VCB hồi phục, thì VIC lại nới đà giảm thành -2,3% xuống 55.500 đồng, lấy đi của VN-Index hơn 1,2 điểm.

Trong khi đó, sàn HNX yên bình hơn khi giằng co nhẹ trên tham chiếu và đóng cửa cao hơn mức đóng cửa của phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,85 điểm (+0,88%), lên 212,58 điểm với 126 mã tăng và 60 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 121,8 triệu đơn vị, giá trị 1.622,7 tỷ đồng, tăng 28% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,6 triệu đơn vị, giá trị 74 tỷ đồng.

Phiên chiều nay sàn HNX có nhiều con sóng khi đa số các mã trong Top thanh khoản đều đóng cửa ở mức trần. Cụ thể, MBG lên 5.600 đồng, IDJ lên 10.700 đồng, APS lên 12.700 đồng, NRC lên 4.200 đồng với thanh khoản lần lượt là 13,78 triệu đơn vị, 7,65 triệu đơn vị, 5,38 triệu đơn vị và 3,96 triệu đơn vị.

SHS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 17,87 triệu đơn vị, nhưng đã đảo chiều 180 độ, từ mức giảm 1% của phiên sáng, đóng cửa phiên chiều tăng 1% lên 9.700 đồng. CEO nới đà tăng khi đóng cửa ở mức 24.500 đồng, tăng 3,4%, khớp 12,08 triệu đơn vị. PVS vẫn tăng nhẹ 0,4% lên 26.400 đồng, khớp 5,86 triệu đơn vị; trong nhóm thanh khoản cao chỉ có MBS giảm 0,6% xuống 16.800 đồng, khớp 4,29 triệu đơn vị.

Trên UPCoM lại giằng co quanh tham chiếu, nhưng vẫn đóng cửa vẫn lấy lại được sắc xanh nhạt.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,19%), lên 77,74 điểm với 186 mã tăng và 109 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,5 triệu đơn vị, giá trị 808 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,9 triệu đơn vị, giá trị 248 tỷ đồng.

Do không còn nhiều người bán, nên thanh khoản của VHG trong phiên chiều chững lại, với tổng khớp 8,27 triệu đơn vị (chỉ thêm 0,38 triệu đơn vị), trong khi bên mua vẫn tung lệnh vào khiến lượng dư mua trần (2.600 đồng) tăng lên 5,86 triệu đơn vị.

Trong khi đó, BSR trở lại vị trí quen thuộc với thanh khoản 9,13 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,2% lên 16.600 đồng. SBS tăng 3,4% lên 6.000 đồng, khớp 4,54 triệu đơn vị; C4G đảo chiều tăng 0,8% lên 12.000 đồng, khớp 3,6 triệu đơn vị. LMH và ABB là 2 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị và đóng cửa tăng mạnh 9,4 lên 3.500 đồng và 3,8% lên 8.300 đồng. DDV và VTP là 2 mã còn lại có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đều tăng tốt trên dưới 5%.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ theo thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 4 VN30F2304 tăng 3,9 điểm (+0,4%), lên 1.084,1 điểm với 148.406 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 60.709 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh và đỏ khá cân bằng và không có mã nào biến động quá lớn. Hôm nay cũng không có mã nào có thanh khoản tới 1 triệu đơn vị, trong đó mã có thanh khoản tốt nhất là CSTB2225 do HSC phát hành với 951.800 đơn vị, đóng cửa giảm 6,2% xuống 3.960 đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục