Giao dịch chứng khoán phiên chiều 3/7: Bứt phá thành công

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù dòng tiền không mạnh, nhưng VN-Index thoát khỏi xu thế lình xình của phiên sáng, bứt phá trong phiên chiều, duy trì phiên tăng thứ 3 liên tiếp, qua đó lấy lại được gần hết những gì đã mất trong tuần trước.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 3/7: Bứt phá thành công

Khác với diễn biến lình xình trong phiên sáng, chỉ trong những phút đầu phiên chiều, VN-Index đã bứt lên mạnh mẽ, thẳng tiến qua ngưỡng chặn đã bị thất bại ở phiên sáng là đường MA20. Sự bứt lên mạnh mẽ của VN-Index nhờ động lực chính từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt, đặc biệt là nhóm ngân hàng.

Trong phiên chiều, BID và TCB nới rộng đà tăng, vượt qua FPT đóng cửa ở mức cao nhất ngày. Cụ thể, BID tăng 3,17% lên 47.200 đồng, còn TCB tăng 2,62% lên 23.500 đồng. Cũng là 2 mã tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng. Tương tự, HDB cũng lên mức cao nhất ngày 23.550 đồng, tăng 1,66%, trong khi LPB cũng tăng 2,03% lên 30.200 đồng. EIB tăng 1,59% lên 19.200 đồng, STB tăng 1,01% lên 29.900 đồng. “Anh cả” VCB cũng đảo chiều tăng 0,34% lên 88.500 đồng. Trong nhóm này chỉ có duy nhất VIB giảm nhẹ, cùng SHB, OCB và NAB đứng giá tham chiếu.

Nhóm ngân hàng đóng góp cho VN-Index khoảng 5 điểm trong phiên hôm nay.

Tuy nhiên, tăng mạnh nhất nhóm VN30 không phải BID mà là POW với mức tăng 4,14% lên 15.100 đồng, khớp 18 triệu đơn vị. FPT tăng 2,34% lên 131.000 đồng, đứng sau POW và 2 mã ngân hàng, khớp 7,6 triệu đơn vị.

Trong nhóm VN30 chốt phiên chiều nay chỉ còn 6 sắc đỏ tại VHM, VIB, VIC, MWG, BVH và VRE, trong đó chỉ có VRE và BVH giảm hơn 1%, còn lại giảm nhẹ. Ngoài ra, có 4 mã đứng giá là VNM, SHB, GVR và GAS, còn lại 20 mã tăng giá. Qua đó, giúp VN30-Index đóng cửa tăng 9,44 điểm (+0,73%), lên 1.305,50 điểm.

Trong số các mã ảnh hưởng mạnh nhất tới VN-Index hôm nay, ở chiều tích cực, 10 mã tăng đóng góp hơn 5,83 điểm, trong khi ở chiều ngược lại chỉ lấy đi 1,24 điểm.

Chốt phiên, VN-Index tăng 7,06 điểm (+0,56%), lên 1.276,85 điểm với 242 mã tăng và 161 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 589,5 triệu đơn vị, giá trị 15.577,3 tỷ đồng, tăng hơn 11% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 87,6 triệu đơn vị, giá trị 2.261,5 tỷ đồng.

Trong khi nhóm ngân hàng trở lại mạnh mẽ, thì nhóm chứng khoán dù số mã tăng đã nhiều hơn mã giảm, nhưng biên độ các mã giảm lại mạnh hơn các mã tăng. Cụ thể, chỉ có 2 mã tăng hơn 1%, trong khi có 4 mã giảm hơn 1%.

Nhóm bất động sản cũng có nhiều mã đảo chiều tăng trở lại hoặc nới rộng đà tăng, trong đó tăng mạnh nhất là HAR tăng 6,31% lên 4.380 đồng, TEG tăng 4,84% lên 10.400 đồng, NVT tăng 3,48% lên 10.400 đồng, QCG tăng 3,45% lên 13.500 đồng…; trong khi mã giảm mạnh nhất chỉ giảm hơn 1%.

Nhóm thép lại gần như không có nhiều thay đổi so với phiên sáng, chỉ có điều biên độ tăng của mã tăng mạnh nhất là TLH bị thu hẹp chỉ còn 2,54% lên 8.080 đồng, trong khi mã giảm mạnh nhất là VCA lại mất tới 5,43% xuống 9.400 đồng.

Có thanh khoản tốt nhất sàn vẫn là VRE với 34 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,84% xuống 21.300 đồng, lặp lại kịch bản của tuần trước khi sau 1 phiên tăng trần là 2 phiên giảm. Tiếp theo là VPB khớp 20,1 triệu đơn vị, POW khớp 18 triệu đơn vị, HPG khớp gần 17,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index dù cũng theo chân VN-Index bứt lên trong nửa đầu phiên sáng, nhưng thiếu đi sự nâng đỡ đủ mạnh, nên chỉ số này hạ nhiệt dần vào nửa cuối phiên, nên có mức tăng khiêm tốn hơn.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,63 điểm (+0,26%), lên 241,43 điểm với 86 mã tăng và 71 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,8 triệu đơn vị, giá trị 1.107,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10 triệu đơn vị, giá trị 242 tỷ đồng.

Hai mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX hôm nay là SHS và TNG có biên độ dao động giá khá rộng khi có lúc bị kéo xuống kịch sàn là 15.600 đồng và 24.600 đồng, trong khi mức giá cao nhất ngày là 17.800 đồng và 27.900 đồng, tương đương mức biến động khoảng 14%, nhưng đóng cửa phiên lại trái ngược nhau. Trong đó, SHS đóng cửa tăng 1,73% lên 17.600 đồng, khớp 11,59 triệu đồng, thì TNG giảm 1,1% xuống 27.000 đồng, khớp 4,45 triệu đơn vị.

Có 2 mã đứng phía sau khớp hơn 2 triệu đơn vị là TIG và PVS, đều đóng cửa giảm nhẹ. Ngoài ra, có thêm 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là CEO, MBS và TVC, trong đó chỉ có TVC đóng cửa tăng nhẹ, 2 mã còn lại giảm nhẹ.

UPCoM lại giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong nửa đầu phiên chiều, nhưng sau đó bứt lên vào nửa cuối phiên, đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,32 điểm (+0,33%), lên 97,9 điểm với 191 mã tăng và 93 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 56,7 triệu đơn vị, giá trị 1.208,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,9 triệu đơn vị, giá trị 437 tỷ đồng.

BSR là mã có thanh khoản tốt nhất với gần 5,6 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 22.100 đồng. Hai mã có thanh khoản tốt tiếp theo có khối lượng khớp hơn 2 triệu đơn vị là VGT và TVN, trong đó VGT đứng giá tham chiếu 15.800 đồng, còn TVN lên kịch trần 9.500 đồng và còn dư mua trần. Ngoài ra, còn có 6 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 2 mã giảm, 4 mã tăng.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng tốt hơn thị trường cơ sở, trong đó hợp đồng đáo hạn tháng 7 tăng 11,8 điểm (+0,91%), lên 1.307 điểm với 178.940 hợp đồng được giao dịch, giá trị 23.290,7 tỷ đồng; khối lượng mở 61.677 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền hôm nay có 7 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 2 mã do SSI phát hành, 2 mã do KIS phát hành, 3 mã còn lại do ACBS, HSC và VND phát hành. Mã có thanh khoản tốt nhất là CHPG2337 do KIS phát hành với 3,68 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 4,55% xuống 420 đồng.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có khối lượng giao dịch gần 6,41 triệu đơn vị, tổng giá trị 1.789,2 tỷ đồng. Trong đó, DPQ12204 của CTCP Đầu tư và Du lịch Phú Quốc có khối lượng giao dịch lớn nhất gần 1,25 triệu đơn vị, giá trị 127,2 tỷ đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục