Giao dịch chứng khoán phiên chiều 3/11: Nhà đầu tư ngó lơ bảng điện tử, thị trường ảm đạm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản suy giảm mạnh khi nhà đầu tư không tìm được lý do để tham gia, ngược lại, nhiều người cũng không tìm cách bán ra đã khiến thị trường có một phiên giao dịch tương đối buồn tẻ.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 3/11: Nhà đầu tư ngó lơ bảng điện tử, thị trường ảm đạm

Sau phiên sáng giao dịch ảm đạm, thị trường tiếp tục xu hướng này trong suốt cả phiên chiều, dòng tiền mất hút, thanh khoản sụt giảm mạnh, VN-Index chỉ giằng co nhẹ ngay dưới vùng tham chiếu và đóng cửa giảm nhẹ.

Nhiều nhà đầu tư dường như đã tắt bảng điện tử làm việc khác, khiến diễn biến thị trường như bị ru ngủ, giao dịch ở hầu hết cả mã chỉ diễn ra nhỏ giọt, khiến dao động giá chỉ diễn ra trong biên độ hẹp, ngoại trừ một vài điểm sáng hiêm hoi.

Trong đó, đáng kể là VCG bất ngờ có phiên giao dịch bùng nổ sau 2 phiên giảm nhẹ trước đó, leo thẳng lên mức giá trần với thanh khoản tốt nhất 1 tháng. Tương tự, HBC cũng bất ngờ có phiên khởi sắc khi cũng đóng cửa ở mức kịch trần và thanh khoản cũng cao nhất 1 tháng.

Trong khi đó, TNI đang trên đường tạo nên mình cây thông với 6 phiên tăng với mức tăng 40%, trong đó có 4 phiên tăng trần liên tiếp tính cả phiên hôm nay. Đặc biệt, trong phiên hôm nay, áp lực chốt lời diễn ra mạnh mẽ khiến TNI rung lắc có lúc lùi về tham chiếu, nhưng dường như một số nhà đầu tư chưa muốn đà tăng của TNI dừng lại tại đây, nên lực cầu nhanh chóng được tung vào, hấp thụ hết lượng cung chốt lời, kéo TNI trở lại mức giá trần 3.640 đồng, thanh khoản gần 1,7 triệu đơn vị, mức cao nhất 2 tháng rưỡi.

Liên quan đến TNI, UBCK vừa có quyết định xử phạt ông Nguyễn Ngọc Long 550 triệu đồng do sử dụng 54 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của TNI. Tuy nhiên, căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm cho thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của ông Nguyễn Ngọc Long.

Chốt phiên, sàn HOSE có 166 mã tăng và 274 mã giảm, VN-Index giảm 3,38 điểm (-0,33%), xuống 1.019,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 442,88 triệu đơn vị, giá trị 7.870,9 tỷ đồng, giảm 28% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 38,4 triệu đơn vị, giá trị 885,4 tỷ đồng.

Ở các trụ cột, giao dịch đáng kể nhất thuộc về cặp đôi bất động sản NVL và PDR. Theo đó, cả hai đều đã có thời điểm giảm sàn, tạo gánh nặng lớn đến thị trường, nhưng về cuối phiên PDR thu hẹp đà giảm, mất 3,6% xuống 40.300 đồng, còn NVL vẫn chịu áp lực lớn và đóng cửa giảm hết biên độ -6,7% xuống 64.400 đồng.

Các sắc đỏ khác ở nhóm bluechip có HDB -2,7% xuống 16.000 đồng, VJC -2,2% xuống 102.700 đồng, ACB -2,1% xuống 21.350 đồng, BID -2,1% xuống 33.000 đồng.

Các mã giảm khác còn khá nhiều, nhưng đa số chỉ giảm nhẹ, với VIC, VCB, SAB, HPG, TPB, CTG, MBB, VIB giảm từ 0,5% đến 1,9%.

Ở chiều ngược lại, đóng vai trò là trụ đỡ chính cho thị trường là cổ phiếu lớn MSN, khi tăng vọt 5,4% lên 85.400 đồng, mức cao nhất ngày.

Bên cạnh đó là MWG, khi đứng vững với mức tăng 3,1% lên 49.500 đồng, TCB +2,6% lên 25.850 đồng, VNM +2,2% lên 80.000 đồng, STB +2,1% lên 17.250 đồng, các cổ phiếu VHM, KDH, GVR, VRE, BVH, GAS nhích nhẹ từ 0,2% đến 1,3%.

Trong đó, STB là cổ phiếu hút giao dịch nhất trên sàn với 20,6 triệu đơn vị khớp lệnh, theo sau ngay là HPG với 19,5 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, ngoài TNI, tăng khá khác còn một số mã bất động sản xây dựng như PTB, FCN, HDC, TGG, HHV với mức tăng từ 3% đến 5,3%.

Không còn quá nhiều cổ phiếu xanh, trong đó, ở các mã thanh khoản tốt nhất với bất động sản xây dựng KDC, DHC, NLG, PC1, HQC, CII, nguyên vật liệu, hóa chất, nông nghiệp, công ty chứng khoán với DCM, DBC, DPM, DBC, PAN, KSB, VCI, HCM, HAG, HNG…nhưng mức tăng chỉ ở mức thấp, khớp lệnh từ 1 triệu đến 8,4 triệu đơn vị.

Trái lại, BAF, NT2 là những đại diện giảm giá đáng chú ý, khi đều kết phiên ở mức giá sàn tại 26.050 đồng và 23.950 đồng, khớp lệnh lần lượt 4,44 triệu và 2,6 triệu đơn vị.

Giảm sâu khác còn ở nhóm thép với HSG -4% xuống 11.900 đồng và NKG -4% xuống 12.900 đồng, bất động sản với DXS -3% xuống 7.500 đồng, KHG -4% xuống 5.940 đồng, DIG -4,3% xuống 17.800 đồng, TDC -5,6% xuống 12.700 đồng, công ty chứng khoán với AGG, ADS, FTS mất hơn 4%...

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng chủ yếu là giằng co ở dưới tham chiếu với biên độ hẹp cho đến khi kết phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 49 mã tăng và 105 mã giảm, HNX-Index giảm 0,92 điểm (-0,44%), xuống 210,74 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37,22 triệu đơn vị, giá trị 535,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,85 triệu đơn vị, giá trị 66,2 tỷ đồng.

Sắc đỏ lấn át, với PVS, IDC, HUT, IDJ, MBS, TAR, PVC, API, MBG, TVC…nhưng phần lớn cũng chỉ giảm nhẹ.

Trong khi đó, IPA là cổ phiếu đáng kể nhất ở số ít mã tăng, khi +4,1% lên 12.800 đồng, khớp 0,41 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu SHS, CEO, TNG, APS, BII, AMV, HTP về giá tham chiếu, trong đó, SHS phiên này khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 10,4 triệu đơn vị, bỏ xa vị trí thứ hai là CEO với 5,29 triệu đơn vị, PVS khớp 3,59 triệu đơn vị…

Trên UpCoM, không khác nhiều hai chỉ số chính, UpCoM-Index cũng chỉ giằng co, rung lắc trong biên độ hẹp quanh vùng giá đóng cửa phiên sáng cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,46%), xuống 75,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13,67 triệu đơn vị, giá trị 202,77 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,66 triệu đơn vị, giá trị 57,7 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa mạnh, với một số cổ phiếu tăng khá như C4G +5,5% lên 9.600 đồng, LMH +6,2% lên 6.900 đồng, VOC +5,3% lên 16.000 đồng.

Trái lại là BSR, SBS, FTM, PAS, ABB, VGI VGT, BVB đóng cửa trong sắc đỏ, với BSR -1,1% xuống 17.800 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 2,63 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2211 đáo hạn gần nhất giảm 19,9 điểm, tương đương -1,95% xuống 1.001,1 điểm, khớp lệnh hơn 392.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 46.400 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này nhà đầu tư giao dịch khối lượng lớn nhất tại CMWG2212 với hơn 1,52 triệu đơn vị khớp lệnh, giá tăng mạnh 50% lên 120 đồng/cq.

Tiếp theo là hai mã liên quan đến cơ sở HPG, với CHPG2225 khớp 1,36 triệu đơn vị, giảm 10,3% xuống 70 đồng/cq và CHPG2217 với 1,3 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 33,3% xuống 20 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục