Mới chỉ bước vào phiên chiều được 30 phút thì lực bán ‘bằng mọi giá’ đã gia tăng, khiến toàn sàn HOSE có gần 500 mã giảm và gần 400 trong đó giảm hết biên độ với lệnh bán chất đống.
Trong khi ở nhóm bluechip VN30 lần đầu tiên trong lịch sử chứng khiến toàn bộ đều giảm sàn, chỉ số VN30-Index giảm kịch khung hơn 75 điểm, tương ứng -6,93%.
Còn chỉ số VN-Index rơi hơn tổng cộng 74 điểm xuống gần 1.020 điểm, thanh khoản bắt đầu nhỏ giọt như những phiên “rất đỗi bình thường” gần đây và chạm tới 16.000 tỷ đồng khiến chỉ số gần như đi ngang, thẳng như một đường kẻ chỉ, nhích lên không đáng kể khi đến khi đóng cửa.
Điểm tích cực để níu kéo tâm trạng nhà đầu tư trong những ngày giao dịch tới là phiên bán tháo hôm nay kỳ vọng sẽ giúp lượng margin trên thị trường bớt căng thẳng đi rất nhiều.
Tuy vậy, để trả lời cho việc dòng tiền sẽ tham gia trở lại hay không đến từ tâm lý nhà đầu tư là chủ yếu khi sự sợ hãi, hoảng loạn vẫn đang chi phối.
Một câu hỏi đang dấy lên ở một số kênh đầu tư chứng khoán là có phải “bong bóng” chứng khoán đã hình thành và đang vỡ?
Nhiều nhà phân tích cho rằng, hiện P/E của VN-Index ở mức gần 20 lần, dù định giá không còn rẻ, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân của nhiều thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á (khoảng 26,3 lần), và vẫn thấp hơn với mức P/E 22 lần vào năm 2018, khi VN-Index đạt mức cao nhất lịch sử 1.200 điểm. Do vậy, chưa phải thời điểm xuất hiện “bong bóng” chứng khoán.
Bên cạnh đó, một điểm tựa khác cho thị trường là từ niềm tin vào hiệu quả chống dịch của Chính phủ và kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm nay.
Đóng cửa phiên thảm họa 28/1/2021, VN-Index đánh dấu ngày giảm tuyệt đối về điểm số nhất trong lịch sử, vượt qua phiên 19/1 vừa qua.
Cụ thể, toàn sàn HOSE có 20 mã tăng và 478 mã giảm (385 mã giản sàn), VN-Index giảm 73,23 điểm (-6,67%), xuống 1.023,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 837,1 triệu đơn vị, giá trị đạt hơn 21.045 tỷ đồng, tăng gần 7% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 69,2 triệu đơn vị, giá trị gần 2.650 tỷ đồng.
Nhóm VN30 bất ngờ có EIB được kéo mạnh lên tăng 2,3% lên 18.100 đồng, khớp hơn 2,1 triệu đơn vị, và NVL thoát giá sàn, mất 6,7% xuống 75.800 đồng, khớp gần 8 triệu đơn vị.
Còn lại toàn bộ đều giảm sàn và ‘múa bên trăng’.
Trong đó, thanh khoản HPG và STB dẫn đầu và cũng cao nhất HOSE với lần lượt gần 50 triệu và 45 triệu đơn vị khớp lệnh. Các cổ phiếu TCB khớp hơn 27 triệu đơn vị, MBB khớp hơn 20 triệu đơn vị, SSI khớp hơn 18 triệu đơn vị, CTG khớp hơn 13 triệu đơn vị...
Đáng chú ý là khối ngoại tranh thủ gom mua khá lớn các bluechip, trong đó đáng kể như mua ròng tại HPG, STB, CTG, SSI, VRE, VIC, VHM, MSN, HDB...
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, đóng cửa không phải ở mức giá sàn có CKG -4,2%, PDR -2,8%, SHI -6,4%, VPG -6,2%, VGC -3,5%, SJS -1,5%...
Các mã tăng ngoài EIB thì một số giữ sắc tím ở cuối phiên sáng thì gần như không còn cổ phiếu nào đáng kể, thanh khoản cao nhất tại SGT với hơn 178.000 đơn vị, tăng trần +7% lên 18.350 đồng.
Tân binh OCB có thêm hơn 1 triệu đơn vị khớp lệnh trong phiên chiều so với cuối phiên sáng, nhưng vẫn giảm hết biên độ -19,9% xuống 18.350 đồng/cổ phiếu.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng lùi thêm một bước ngay khi bước vào phiên chiều và đi ngang tại mức đáy, trước khi nảy lên nhờ một số nhà đầu tư mạnh dạn bắt đáy số ít cổ phiếu, tuy nhiên cũng rất nhanh sau đó, một lần nữa chỉ số lại quay đầu đi xuống trong những phút cuối.
Đóng cửa, sàn HNX có 29 mã tăng và 214 mã giảm (131 mã giảm sàn), chỉ số HNX-Index giảm 17,74 điểm (-8,04%), xuống 203,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 132,7 triệu đơn vị, giá trị 1.835,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 14,33 triệu đơn vị, giá trị 289,3 tỷ đồng.
Nhóm các cổ phiếu lớn, và thanh khoản cao chỉ còn NVB -3,6% xuống 13.400 đồng và cổ phiếu vốn hóa cao nhất HNX là THD -8,8% xuống 145.000 đồng.
Còn lại cũng đều giảm sàn và trắng bên mua như SHB, PVS, SHS, CEO, IDC, TVC, AMV, NDN, IDJ, PLC, MBS, BVS, VCS, HUT, KLF...
Trong đó, SHB vẫn có khối lượng giao dịch cao nhất với hơn 24,8 triệu đơn vị khớp lệnh. PVS có 16,7 triệu đơn vị, HUT có 10,2 triệu đơn vị, SHS có 6,9 triệu đơn vị, NVB có gần 6,5 triệu đơn vị...
Tương tự, trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng võng xuống mức giá thấp hơn sau khi giao dịch trở lại và bò nhẹ lên trên đôi chút đến khi đóng cửa.
Đóng cửa, chỉ số UpCoM-Index giảm 5,34 điểm (-7,18%), xuống 69,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,29 triệu đơn vị, giá trị 815,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,53 triệu đơn vị, giá trị 7,85 tỷ đồng.
Sắc xanh đáng chú ý duy nhất tại KLB, khi tăng 11% lên 18.200 đồng, khớp 490.000 đơn vị.
Sắc đỏ tại ABB, QTB, PAS, LTG, AFX, trong khi còn lại giảm sàn như BSR, BVB, OIL, KSH, MSR, AAS, C4G, VGI, VGT... Trong đó, BSR khớp lệnh cao nhất với hơn 10 triệu đơn vị, lùi về 8.900 đồng/cổ phiếu.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm hết biên độ, trong đó VN30F2102 mất 75,7 điểm về 1.006,5 điểm, khối lượng khớp lệnh hơn 154.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 33.600 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, toàn bộ cũng giảm điểm, trong đó đóng cửa trong sắc đỏ là CFPT2017, CHPG2102, CVNM2015 và CNVL2002, và còn lại cũng giảm sàn.
Trong đó, thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị là 4 mã CHPG2018, CFPT2012, CTCH2002 và CVNM2010.