Giao dịch chứng khoán phiên chiều 27/4: Cổ phiếu vừa và nhỏ đua nhau tăng trần, VN-Index có thêm phiên đảo chiều ngoạn mục

(ĐTCK) Thị trường tiếp tục có diễn biến đầy bất ngờ trong phiên hôm nay và kịch bản kịch tính như phiên hôm qua tái diễn, dù biên độ dao động không lớn như phiên hôm qua.

Trong phiên giao dịch hôm qua 26/4, thị trường chứng kiến cú quay đầu ngoạn mục 80 điểm của VN-Index từ mức giảm gần 50 điểm, lên thành tăng hơn 30 điểm khi đóng cửa phiên, giúp nhà đầu tư bớt đi phần nào bi quan.

Sau phiên đảo chiều ngoạn mục hôm qua, thị trường nhanh chóng đảo chiều giảm mạnh trở lại khi bước vào phiên sáng nay, khiến nhiều nhà đầu tư bắt đáy hôm qua không khỏi lo lắng. Dòng tiền do đó cũng bị hạn chế đi rất nhiều, thanh khoản sụt giảm mạnh.

Dù số mã giảm chiếm ưu thế, nhưng đà giảm của VN-Index sáng nay chủ yếu đến từ lực cản của nhóm VN30. Có thời điểm nhóm VN30 hãm đà rơi, kéo theo VN-Index hồi phục, nhưng cuối phiên, đà giảm lại được nới rộng và VN-Index bước vào giờ nghỉ trưa mất hơn 21 điểm.

Sang đến phiên chiều, dư ấm của cuối phiên sáng tiếp tục đẩy VN-Index xuống sâu hơn, xác lập mức đáy của ngày ở mức 1.314,81 điểm, tương đương giảm hơn 26 điểm. Tuy nhiên, chỉ sau 10 phút giao dịch, VN-Index đã phát tín hiệu hồi phục theo đà của VN30 và cả 2 chỉ số này đều đi lên thẳng đứng lên trên tham chiếu, vượt qua ngưỡng 1.350 điểm. Cú hồi hôm nay của VN-Index dù thấp hơn nhiều so với phiên hôm qua (chỉ 40 điểm so với 80 điểm của phiên hôm qua), nhưng cũng tạo ra cảm giác lâng lâng cho nhiều nhà đầu tư, dù 2 phiên hồi phục này chủ yếu là do lực cung giá thấp được tiết giảm, hơn là do lực cầu gia tăng.

Đặc biệt phiên hôm nay chứng kiến sự “nổi loạn” trở lại của nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao khi hàng loạt mã khoe sắc tím. Nếu trong phiên sáng chỉ 12 mã, thì chốt phiên chiều, số mã tăng trần đã có thêm 35 mã, nâng tổng số lên 47 mã với những cái tên đáng chú ý như họ FLC (FLC, ROS, HAI, AMD dù không giữ được mức trần, nhưng cũng đóng cửa tăng mạnh 6,5% lên 4.440 đồng), ITA, HQC, DIG, BCG, DLG, HBC, IDI, TGG, HAH, HAR, TDH, QCG…

Dường như nhà đầu tư đã dần ổn định tâm lý, tỉnh táo hành động, nhiều nhà đầu tư đang bắt đầu giải ngân mua vào, chí ít cũng không ồ ạt bán giá thấp như trước.

Câu hỏi đặt ra là VN-Index đã tạo đáy hay chưa? Hai phiên 26 và 27/4 báo hiệu thị trường đã tạo đáy, hay chỉ hồi phục kỹ thuật, rồi sau đó quay đầu giảm mạnh trở lại? Đây là câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư vẫn băn khoăn và được thể hiện ở mức độ thận trọng cao khi thanh khoản sụt giảm.

Để góp phần nào đó giải đáp những băn khoăn trên, qua đó hy vọng mang lại cho nhà đầu tư thêm thông tin, nhận định để có hành động phù hợp với bối cảnh thị trường hiện nay, 15h chiều mai, thứ Năm (ngày 28/4), Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tổ chức Talkshow Chọn danh mục lựa chọn chủ đề “CHẾ NGỰ NỖI SỢ” cho Chương trình số 2.

Trở lại với diễn biến của phiên chiều nay, đà hồi phục của VN-Index hôm nay không thể không kể đến nhóm VN30. Gần như diễn biến của VN-Index phiên hôm nay gắn chặt với diễn biến của VN30. Từ 2 mã xanh le lói CTG và HPG của phiên sáng, chốt phiên chiều, nhóm này đã có 14 mã xanh, chỉ còn 11 mã giảm và 5 mã đứng giá. Từ mức giảm hơn 34 điểm, VN30 đã đóng cửa với mức tăng hơn 5 điểm (+0,37%), lên 1.402,03 điểm, có lúc tăng hơn 10 điểm.

Chốt phiên, VN-Index tăng 12,43 điểm (+0,93%), lên 1.353,77 điểm với 299 mã tăng (47 mã trần), trong khi chỉ còn 123 mã giảm (3 mã sàn). Tuy nhiên, thanh khoản sụt giảm mạnh với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 519,6 triệu đơn vị, giá trị 14.544,3 tỷ đồng, giảm 28% về khối lượng và 30% về giá trị so với phiên hôm qua. Đây cũng là cũng là phiên có thanh khoản thấp nhất kể từ cuối tháng 9/2021. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 34,5 triệu đơn vị, giá trị 1.570 tỷ đồng.

Không chỉ đồng loạt tăng trần, các mã có tính đầu cơ cao cũng là các mã có thanh khoản tốt nhất hôm nay, ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt của nhóm bluechip như HPG đứng thứ 2 về thanh khoản với 18,78 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,2% lên 42.500 đồng, hay nhóm ngân hàng như VPB với 12,47 triệu đơn vị, nhưng giảm 1,2% về 35.950 đồng.

Trong khi đó, ROS là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 18,92 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần (4.650 đồng) hơn 1,6 triệu đơn vị. FLC cũng khớp 17,73 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần (7.780 đồng) gần 0,9 triệu đơn vị. ITA và HQC khớp trên dưới 13 triệu đơn vị và đều còn dư mua giá trần hơn 2 triệu đơn vị với mức giá lần lượt là 12.450 đồng và 5.290 đồng.

Tiếp đó, DIG khớp hơn 10,3 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức giá trần 64.400 đồng, nhưng không còn dư mua trần.

Trong các mã lớn, với nhóm ngân hàng, ngoài VPB, chỉ có thêm TPB và OCB giảm giá, nhưng mức giảm rất khiêm tốn. ACB đứng giá tham chiếu 30.900 đồng, còn lại đều tăng. Trong đó, tăng mạnh nhất là STB tăng 2,9% lên 28.200 đồng, SHB tăng 2,5% lên 16.200 đồng, với thanh khoản 8,59 triệu đơn vị và 7,82 triệu đơn vị.

Ngoài ra, CTG cũng tăng 2,4% lên 28.300 đồng, HDB cũng tăng 2% lên 25.000 đồng. Mã đầu ngành VCB cũng tăng 1,2% lên 81.500 đồng.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán có sự phân hóa, trong đó các mã lớn như SSI, VND, VCI đều ở nửa màu đỏ, HCM có tăng nhưng mức tăng rất khiêm tốn.

Nhóm thép có xuất hiện sắc tím tại SMC và TNI, chỉ có DTL và HMC đứng giá tham chiếu, còn lại đều tăng tốt.

Trên sàn HNX, sau nhịp hãm xuống đầu phiên chiều do tác động chung tâm lý của sàn HOSE, chỉ số chính của sàn này đã được kéo tăng vọt sau đó nhờ nhóm HNX30 có phiên tăng điểm mạnh nhất 14 tháng.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 11,92 điểm (+3,45%), lên 357,09 điểm với 186 mã tăng (25 mã trần), trong khi chỉ có 42 mã giảm (7 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 87,1 triệu đơn vị, giá trị 2.030,9 tỷ đồng, giảm 12,5% về khối lượng và 15,7% về giá trị so với phiên hôm qua, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,4 triệu đơn vị, giá trị 612,7 tỷ đồng.

Trên sàn này, PVS cũng đã đảo chiều tăng giá thành công với mức tăng 1,7% khi đóng cửa, lên 24.000 đồng, khớp 8,25 triệu đơn vị, cao nhất sàn.

Trong khi đó, các mã có tính thị trường cũng đều đua nhau tăng trần. Cụ thể, cặp đôi cổ phiếu họ FLC là KLF và ART lần lượt lên trần 4.600 đồng và 6.100 đồng với thanh khoản 6,29 triệu đơn vị và 2,78 triệu đơn vị, trong đó ART còn dư mua trần.

Hay cổ phiếu họ Louis là BII cũng tăng trần lên 6.400 đồng, khớp 1,72 triệu đơn vị và còn dư mua trần.

Ngoài ra, các mã đáng chú ý khác như CEO cũng lên trần 41.400 đồng, khớp 4,54 triệu đơn vị; HUT tăng trần lên 28.600 đồng, khớp 4,11 triệu đơn vị và còn dư mua trần; IDC cũng leo trần trở lại lên 55.500 đồng, khớp 3,02 triệu đơn vị sau chuỗi lao dốc từ mức 80.000 đồng từ đầu tháng 4; TVC cũng có sắc tím ở mức giá 12.900 đồng, khớp 2,21 triệu đơn vị, hay IDJ cũng lên trần 18.300 đồng, khớp 1,94 triệu đơn vị.

Trong nhóm HNX30 còn có thêm TAR và VC3 tăng trần lên 25.600 đồng và 48.900 đồng.

Trong khi đó, UPCoM lại có diễn biến khá giống HOSE khi cũng tạo đáy trong nửa đầu phiên chiều, rồi bật trở lại và đảo chiều thành công.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,22 điểm (+0,22%), lên 101,37 điểm với 260 mã tăng, 77 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 41,5 triệu đơn vị, giá trị 747 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,5 triệu đơn vị, giá trị 99,5 tỷ đồng.

Các mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM cũng đều đóng cửa trong sắc xanh, trong đó VHG thay thế BSR ở vị trí thanh khoản tốt nhất với 4,55 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 9,8% lên 5.600 đồng. BSR tăng 6,4% lên 21.500 đồng, khớp 4,18 triệu đơn vị. PAS bất ngờ có giao dịch sôi động trong phiên chiều và chen chân vào top 5 thanh khoản với 2,26 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2% lên 20.500 đồng. VGT cũng tăng 6,6% lên 19.300 đồng, khớp 2,22 triệu đơn vị. C4G cũng tăng mạnh 7,9% lên 16.300 đồng, khớp 1,94 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng theo thị trường cơ sở với biên độ dao đông cũng khá lớn tới 27 điểm với hợp đồng đáo hạn tháng 5, tương đương 19,6%. Đóng cửa, hợp đồng đáo hạn tháng 5 VN30F2205 tăng 10 điểm (+0,72%), lên 1.401 điểm với 306.534 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 32.216 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm ưu thế, trong đó các mã tăng mạnh nhất đều là chứng quyền của VHM do KIS, MBS và SSI phát hành, nhưng thanh khoản rất thấp. Mã tăng mạnh nhất là CVHM2113 do SSI phát hành với mức tăng 30% lên 130 đồng. Trong khi 3 mã giảm mạnh nhất đều do KIS phát hành là CPNJ2109 giảm 55% xuống 90 đồng, CVHM2114 và CVRE2113 đều giảm sàn 50% xuống 10 đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục