Trong phiên hôm qua, từ mức giảm gần 50 điểm trong phiên sáng, thị trường đã có cú đảo chiều ngoạn mục với việc VN-Index được kéo lên tới 80 điểm để đóng cửa với mức tăng 30,42 điểm (+2,32%), lên mức cao nhất ngày 1.341,34 điểm.
Phiên hồi phục hôm qua có thể đến một phần từ những thông điệp từ Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và thông tin phân tích từ các cơ quan truyền thông chính thống đã thực sự giúp cho nhà đầu tư yên tâm hơn để mua trở lại.
Tuy nhiên, thanh khoản của phiên giảm hơn phiên trước đó cho thấy, lực cầu chưa đủ mạnh dạn, mà đà hồi chủ yếu là do nhà đầu tư đã yên tâm không còn đua bán giá thấp. Tuy nhiên, sau chuỗi giảm mạnh liên tiếp, phiên hồi phục này ít nhất cũng đã củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, lực cung một lần nữa cho thấy vẫn đang khá lớn, trong khi lực cầu không vội vàng, tỏ ra bình tĩnh hơn trong việc mua vào khiến thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Trong đó, nhóm VN30 bị bán mạnh khiến chỉ duy nhất HPG còn sắc xanh, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, có lúc VN30 giảm hơn 20 điểm, đã kéo VN-Index giảm theo về vùng 1.320 điểm.
Tuy nhiên, với niềm tin đang dần trở lại, mỗi nhịp thị trường điều chỉnh, dòng tiền bắt đáy lại từ từ nhập cuộc, nhất là ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, có tính đầu cơ cao sau đợt giảm mạnh vừa qua hầu hết về dưới mệnh giá. Lực cầu bắt đáy giúp nhiều mã trong nhóm này hồi phục sau khi giảm đầu phiên, thậm chí có mã tăng lên mức trần như ITA, TGG, HBC. Các mã khác như nhóm FLC (ROS, FLC, HAI, AMD), HAG, HQC, DIG LDG, HNG, BCG, ASM, IDI, DLG, TTF, TCH…, cũng đồng loạt được kéo tăng trở lại với mức tăng khá tốt.
Trong nhóm VN30, sắc xanh cũng bắt đầu xuất hiện thêm ở BID, CTG, có lúc còn có sự góp mặt của TCB, ACB. Tuy nhiên, từng đó là chưa đủ để có thể kéo VN-Index trở lại tham chiếu. Chỉ số chỉ hồi nhẹ, rồi sau đó lại bị đẩy mạnh cuối phiên theo đà của VN30, dù số mã tăng đã nhiều dần lên, trong đó số mã tăng trần gấp gần 4 lần số mã giảm sàn (11 mã tăng trần, trong khi chỉ còn 3 mã giảm sàn). Thanh khoản tiếp tục sụt giảm mạnh cho thấy, nhà đầu tư vẫn chưa hết tâm lý bất an, chỉ bắt đáy theo kiểu thăm dò, vì lo sợ thị trường sẽ giảm sâu trở lại.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 21,23 điểm (-1,58%), xuống 1.320,11 điểm với 164 mã tăng và 258 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 284 triệu đơn vị, giá trị 7.381 tỷ đồng, giảm tới hơn 38% về khối lượng và 44% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 15 triệu đơn vị, giá trị 487 tỷ đồng.
Dù số mã giảm vẫn chiếm ưu thế, nhưng VN-Index giảm mạnh trở lại sáng nay chủ yếu do lực kéo từ nhóm VN30 khi nhóm này có tới 28 mã giảm, chỉ có 2 mã tăng là CTG tăng 1,3% lên 28.000 đồng, khớp 2,28 triệu đơn vị và HPG tăng 0,2% lên 41.300 đồng, khớp 8,47 triệu đơn vị. Chỉ số VN30 giảm tới 27,88 điểm (-2%), xuống 1.369,02 điểm.
Trong nhóm này VRE giả mạnh nhất với mức giảm 4% xuống 29.800 đồng. TPB giảm 3,9% xuống 33.600 đồng, GAS giảm 3,6% xuống 105.100 đồng, PNJ giảm 3,5% xuống 103.600 đồng. Các mã giảm trên 3% khác có MSN, FPT, SAB, BVH. Ngoài ra, còn có 9 mã giảm hơn 2%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao vẫn giữ được đà tăng tốt, trong đó ITA, HBC vẫn duy trì được sắc tím. Trong đó, ITA có thanh khoản đứng thứ 3 thị trường với 10,55 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần (12.450 đồng) hơn 1,5 triệu đơn vị. HBC khớp 3,44 triệu đơn vị và cũng còn dư mua giá trần (20.650 đồng) hơn 1,3 triệu đơn vị.
Trong khi nhóm FLC cũng có mức tăng khá tốt với thanh khoản top đầu như ROS tăng 2,3% lên 4.450 đồng, khớp 13,39 triệu đơn vị, FLC tăng 2,7% lên 7.480 đồng, khớp 10,69 triệu đơn vị. HAI tăng 4,2% lên 3.990 đồng, khớp 1,96 triệu đơn vị. AMD tăng 2,2% lên 4.260 đồng, khớp 1,36 triệu đơn vị.
Các mã khác có thể kể đến như HAG tăng 1,1% lên 9.850 đồng, khớp 9,04 triệu đơn vị. HQC tăng 3,4% lên 5.120 đồng, khớp 8,73 triệu đơn vị. BCG tăng 2,9% lên 17.800 đồng, khớp 3,52 triệu đơn vị.
IDI có có phiên hồi phục tốt sau chuỗi giảm mạnh từ đỉnh, có lúc đã lên mức trần 24.600 đồng, trước khi chốt phiên tăng 6,5% lên 24.500 đồng, khớp 2,62 triệu đơn vị….
Trong khi nhóm VN30 đẩy VN-Index lao dốc trở lại, thì trên HNX, nhóm HNX30 lại là lực đỡ để kéo HNX-Index có phiên tăng tốt, nhưng thanh khoản cũng sụt giảm, chưa tới 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, nhóm HNX30 có 15 mã tăng, 9 mã giảm và 6 mã đứng giá. Chỉ số HNX30 tăng 4,69 điểm (+0,78%), lên 609,58 điểm.
Theo đó, HNX-Index cũng đóng cửa phiên sáng tăng 2,44 điểm (+0,71%), lên 347,61 điểm với 100 mã tăng (12 mã trần) và 72 mã giảm (6 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 45 triệu đơn vị, giá trị 998,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 9 triệu đơn vị, giá trị 253,5 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, các mã có tính đầu cơ cao trên HNX cũng bật tăng mạnh, trong đó 2 mã họ FLC tăng rất tốt với ART tăng trần lên 6.100 đồng, khớp 1,78 triệu đơn vị. KLF tăng 4,8% lên 4.400 đồng, khớp 3,72 triệu đơn vị.
Ngoài ra, CEO tăng 2,9% lên 38.800 đồng, khớp 2,45 triệu đơn vị. IDC cũng hồi phục 1,8% lên 51.400 đồng, sau chuỗi giảm mạnh từ mức 80.000 đồng đầu tháng 4 xuống 50.500 đồng phiên hôm qua.
TVC cũng tăng 4,2% lên 12.300 đồng, khớp 1,24 triệu đơn vị; IDJ cũng tăng 4,8% lên 17.500 đồng, khớp 1,2 triệu đơn vị; HUT tăng 1,5% lên 26.400 đồng, khớp 1,12 triệu đơn vị.
Trong khi đó, PVS lại giảm 0,8% xuống 23.400 đồng, khớp 4,66 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HNX. SHS cũng giảm 1% xuống 19.100 đồng, khớp 1,41 triệu đơn vị.
Trên thị trường UPCoM, sau khi nhảy lên đầu phiên, chỉ số chính của thị trường này nhanh chóng bị đẩy xuống dưới tham chiếu và lình xình sát ngưỡng này trong phần lớn thời gian của phiên sáng, trước khi bị đẩy xuống mức thấp nhất phiên trong ít phút cuối phiên, dù số mã tăng gấp hơn 3 lần số mã giảm.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,39 điểm (-0,39%), xuống 100,76 điểm với 216 mã tăng (8 mã trần), trong khi chỉ có 60 mã giảm (3 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,5 triệu đơn vị, giá trị 399,6 tỷ đồng.
Trên thị trường này có 5 mã khớp trên 1 triệu đơn vị và đều đóng cửa tăng giá, trong đó BSR tăng 4,5% lên 21.100 đồng, khớp 2,7 triệu đơn vị. VHG tăng 3,9% lên 5.300 đồng, khớp 2,07 triệu đơn vị. LMH tăng 6,2% lên 8.600 đồng, khớp 1,83 triệu đơn vị. DDV tăng 2% lên 20.700 đồng, khớp 1,43 triệu đơn vị. VGT tăng 5,5% lên 19.100 đồng, khớp 1,39 triệu đơn vị. Ngoài ra, có C4G tăng 5,3% lên 15.900 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị.