Giao dịch chứng khoán phiên chiều 26/1: Thị trường chùng xuống, nhóm bất động sản tiếp tục bị bán tháo

(ĐTCK) Thị trường phiên hôm nay tiếp tục vận động theo xu hướng có từ trước là biến động với biên độ rộng.

Những tưởng phiên khởi sắc buổi sáng sẽ tạo đà cho phiên giao dịch buổi chiều nay (26/1), tuy nhiên áp lực bán cuối phiên tăng dần khiến độ cao của chỉ số giảm khá mạnh ở cuối phiên chiều.

Trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index đã không vượt được đường giá trung bình 20 phiên (MA20) ở ngưỡng 1.487 điểm, đây là điều bình thường vì MA20 luôn là ngưỡng cản khá mạnh cho mỗi đợt phục hồi từ vùng đáy. Khi vượt qua MA20 thì xu hướng tăng được xác nhận đã trở lại.

Trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam, rất hiếm khi giá tăng mạnh chỉ 1 phiên là có thể vượt qua ngưỡng cản này mà thường cần 2-3 phiên, thậm chí giá có thể lùi lại các mức hỗ trợ phía dưới để tích lũy trước khi đủ lực được vượt qua.

Cũng về mặt kỹ thuật, đường MA50 ở khu vực 1.477 điểm và trùng với khu vực đỉnh tháng 11/2021 đã trở thành ngưỡng hỗ trợ mới, đây là tín hiệu lạc quan vì đây là ngưỡng hỗ trợ khá tin cậy trong ngắn hạn.

Phiên hôm nay, nhóm ngân hàng tiếp tục giữ vai trò nâng đỡ thị trường nhưng đã có sự phân hóa khi VCB là mã kéo giảm điểm VN-Index lớn nhất, chiều ngược lại VPB, CTG, MBB… vẫn giữ được đà tăng.

Điểm đáng chú ý là ngoài nhóm ngân hàng, phiên hôm nay đã đã có thêm nhóm dầu khí đã trở lại nâng đỡ thị trường. 2 đại diện tiêu biểu là GAS và PLX có mức tăng khá tốt, đóng góp tổng cộng hơn 2 điểm tăng cho VN-Index. Giá dầu đang được hỗ trợ bởi tình hình địa chính trị vẫn phức tạp tại Đông Âu và nhu cầu dầu phục hồi tốt hơn dự đoán, dầu thô WTI và dầu Brent đều đang tăng rất tốt trên thị trường hàng hóa thế giới, dầu WTI đã trở lại ngưỡng cao nhất trong vòng 1 tháng qua là gần 86 USD/thùng.

Không có quá nhiều điều để nói trong phiên hôm nay, ngoại trừ nhóm cổ phiếu nóng bất động sản và xây dựng tiếp tục nhịp giảm thứ hai kể từ vùng đỉnh đầu tháng 1. Trong 24 mã giảm sàn HOSE hôm nay thì có rất nhiều cổ phiếu được ưa thích trước đó như KSB, DPG, NBB, CII, DRH, LDG, KHG, VCG…

Chốt phiên giao dịch, VN-Index tăng 2 điểm (+0,14%), lên 1.481,58 điểm với 225 mã tăng và 239 mã giảm, trong đó có 9 mã tăng trần và 24 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 813 triệu đơn vị, giá trị 23.502,4 tỷ đồng, tăng 8% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 45,6 triệu đơn vị, giá trị 1.573,5 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng dù một số mã lớn quay đầu điều chỉnh, nhưng số mã tăng vẫn chiếm đa số, trong đó LPB tăng trần lên 24.600 đồng. SHB tăng 3,74% lên 22.200 đồng; OCB, VPB, VIB, STB và HDB là những mã tăng hơn 2%; EIB, CTG, MSB, TCB từ 1% đến gần 2%. Trong đó, STB là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 48,9 triệu đơn vị. LPB cũng khớp tốt với 34,5 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần. MBB, CTG, VPB, SHB khớp từ hơn 15 triệu đơn vị đến hơn 20 triệu đơn vị.

Trong số 4 mã giảm, có VCB giảm 1,36% xuống 94.500 đồng, lấy đi của VN-Index gần 1,6 điểm; BID giảm 1,84% xuống 48.100 đồng, lấy đi của VN-Index gần 1,2 điểm.

Tuy nhiên, mã lấy đi của VN-Index nhiều điểm nhất hôm nay là MSN khi giảm 3,9% xuống 147.000 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị, lấy đi của VN-Index 1,8 điểm.

Nhóm chứng khoán vẫn chưa thể trở lại mạnh mẽ khi chỉ có 4 sắc xanh, còn lại đều giảm, trong đó giảm mạnh nhất là HCM hơn 3% xuống 35.000 đồng.

Nhóm bất động sản và xây dựng một số đã trở lại, nhưng nhiều mã chưa thoát khỏi mức giá sàn tiêu biểu như NBB, HAR, QCG, ROS, LDG, DRH, VRC..., hay CII, FCN, SGR, hay thậm chí VCG. Trong đó, ROS dù lực cầu bắt đáy hoạt động tích cực, nhưng trước lượng hàng tung ra quá lớn nên còn dư bán sàn tới hơn 5,7 triệu đơn vị, khớp 40,5 triệu đơn vị. Trong khi đó, FLC thoát mức sàn khi đóng cửa giảm 4% xuống 10.760 đồng, khớp 44,4 triệu đơn vị.

Ngoài ra, cũng có nhiều mã thị trường khác giảm sàn hôm nay như JVC, LCM, KSB, LCG, CTI, TCH…

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, HAG lại có phiên bật lại mạnh mẽ lên mức trần 12.650 đồng, sau 2 phiên giảm sàn liên tiếp. Khớp tới gần 32 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 1,5 triệu đơn vị.

Nhóm thép cũng có sự phân hóa, nhưng sắc xanh chiếm ưu thế, trong đó mã đầu ngành HPG duy trì đà tăng nhưng không mạnh mẽ như hôm qua với mức 0,5% lên 43.450 đồng, khớp hơn 15 triệu đơn vị.

Trên HNX, dù có 2 thời điểm rung lắc khá mạnh, nhưng chỉ số chính vẫn giữ được sắc xanh khi chốt phiên giao dịch hôm nay.

Đóng cửa, HNX-Index tăng 1,59 điểm (+0,39%), lên 411,82 điểm với 89 mã tăng (6 mã trần), 137 mã giảm (6 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,5 triệu đơn vị, giá trị 1.727 tỷ đồng, giảm 22% về khối lượng và 21% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,2 triệu đơn vị, giá trị 153 tỷ đồng.

CEO tiếp tục hồi phục tốt hôm nay, nhưng không giữ được sắc tím phiên thứ 2 liên tiếp. Đóng cửa CEO tăng 9,3% lên 68.500 đồng, khớp gần 6 triệu đơn vị. KLF cũng thoát bóng cổ phiếu họ hàng nhà FLC khi 1,9% lên 5.500 đồng, khớp hơn 6,2 triệu đơn vị, có lúc đã lên trần 5.900 đồng. Bên cạnh đó, HUT cũng có mức tăng tốt 2,4% lên 21.200 đồng, khớp 2,6 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, PVS, SHS, IDC, NVB chìm trong sắc đỏ, trong đó NVB giảm 6% xuống 30.000 đồng. PVS giảm 0,7% xuống 28.400 đồng, khớp 5,9 triệu đơn vị. SHS giảm 1% xuống 38.000 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị.

Hai mã vốn hóa lớn nhất là THD và KSF đều tăng lần lượt là 1,6% lên 172.000 đồng và 2% lên 103.500 đồng.

Ngoài ra, mã đáng chú ý khác là PVL quay trở lại giảm sàn xuống 10.700 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, đà tăng giữ vững trong phiên chiều khi đóng cửa, UPCoM-Index tăng 1,02 điểm (+0,95%), lên 109,05 điểm với 184 mã tăng (13 mã trần), 114 mã giảm (5 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 53 triệu đơn vị, giá trị 1.100 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2 triệu đơn vị, giá trị 34 tỷ đồng.

BSR là mã có giao dịch tốt nhất với 11,7 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,8% lên 25.400 đồng. Tiếp đến là 2 mã ngân hàng ABB và BVB với hơn 5 triệu đơn vị và hơn 4 triệu đơn vị, cũng đều đóng cửa tăng 5,6% lên 22.600 đồng và 20.800 đồng.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai đều tăng mạnh hơn thị trường cơ sở. Cụ thể, VN30-Index tăng 9,15 điểm (+0,6%), lên 1.525,31 điểm, trong khi hợp đồng đáo hạn tháng 2 tăng 15,1 điểm (1%), lên 1.519 điểm với 154.409 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 26.557 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó CVNM2114 do VCSC phát hành tăng mạnh nhất 70% lên 850 đồng, nhưng thanh khoản thấp, chỉ 32.500 đơn vị. Ở chiều ngược lại, một mã khác cũng do VCSC phát hành là CPNJ2107 giảm mạnh nhất 50% xuống 60 đồng, thanh khoản cũng chỉ 67.300 đơn vị. Hôm nay CSTB2110 do KIS phát hành có thanh khoản nhất với gần 2,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 9,9% lên 1.000 đồng. Ngoài ra, có thêm 5 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đều tăng giá, trong đó có 2 mã do SSI phát hành, 2 mã do HSC phát hành và mã còn lại do KIS phát hành. Đây đều là chứng quyền của STB, MBB, TCB và VRE.

T.Thuy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục