Ngoài ra, sức ép cũng thêm phần gia tăng sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 chỉ đạt 4,4%, giảm 0,5 điểm % so với dự báo trước đó. Nguyên nhân chính là số mắc Covid-19 ngày càng tăng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa và lạm phát tăng.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng đã kéo lùi nhóm cổ phiếu công nghệ với Tesla giảm 1,25%, cổ phiếu Nvidia mất 4,5%, còn Microsoft mất 2,7%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngân hàng và năng lượng, những lĩnh vực được hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế và lợi suất tăng, đã giúp thị trường hãm bớt đà rơi với cổ phiếu của Bank of America và Citigroup đều tăng 2%. Cổ phiếu Occidental Petroleum và APA Corp đều vọt hơn 8%.
Bên cạnh đó, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV vẫn đang diễn ra thuận lợi với 79 trong S&P 500 đã báo cáo lợi nhuận với 81% mang lại kết quả tốt hơn mong đợi.
Phiên này, cổ phiếu IBM đã tăng 5,7% sau khi gã khổng lồ công nghệ thông tin đánh bại các dự báo của Phố Wall, nhờ sức mạnh trong mảng kinh doanh điện toán đám mây và tư vấn của họ.
American Express vượt ước tính lợi nhuận quý IV, giúp cổ phiếu của công ty tín dụng tiêu dùng tăng 8,9%, trong khi Johnson & Johnson tăng 2,9% sau khi dự kiến lợi nhuận sẽ tăng 46% vào năm 2022 nhờ vào việc bán vắc-xin.
Hiện tại, giới đầu tư đang chờ đợi những cập nhật chính sách sau cuộc họp diễn ra 2 ngày của Fed kết thúc vào ngày 26/01 và bài phát biểu của chủ tịch Fed sau đó.
Kết thúc phiên 25/1, chỉ số Dow Jones giảm 66,77 điểm (-0,19%), xuống 34.297,73 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 53,68 điểm (-1,22%), xuống 4.346,45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 315,83 điểm (-2,28%), xuống 13.539,30 điểm.
Chứng khoán châu Âu hồi phục sau phiên bán tháo hôm qua, khi giới đầu tư tìm được các món hời và một số công ty lớn có báo cáo kết quả kinh doanh tích cực.
Đóng cửa, chỉ số Stoxx 600 tăng 0,8% lên 460,02 điểm, trong đó, các ngân hàng tăng 2,9% để dẫn đầu mức tăng.
Dù vậy, đà tăng của các chỉ số bị chặn lại khá nhiều do các nhà giao dịch đang ngày càng cảnh giác về viễn cảnh tăng lãi suất và cắt giảm các gói kích thích tiền tệ khổng lồ của các ngân hàng trung ương.
Phiên này, cổ phiếu Ericsson đã tăng gần 8%, sau khi đánh bại kỳ vọng lợi nhuận của thị trường trong quý IV nhờ nhu cầu cao đối với thiết bị mạng 5G.
Tương tự, nhà sản xuất phần mềm Thụy Sĩ Logitech đã tăng 6% sau khi doanh số quý vừa qua tăng cao hơn dự kiến và và nâng cao triển vọng lợi nhuận trong năm nay.
Tất cả sự chú ý hiện đang đổ dồn vào cuộc họp của Fed kéo dài trong hai ngày và cuộc họp báo tiếp theo của Chủ tịch Jerome Powell.
Kết thúc phiên 25/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 74,31 điểm (+1,02%), lên 7.371,46 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 112,74 điểm (+0,75%), lên 15.123,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 50,17 điểm (+0,74%), lên 6.837,96 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng, do sự thận trọng của các nhà đầu tư đối với tình hình ở Ukraine, rủi ro lạm phát và lo ngại về việc Fed tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến.
Chứng khoán Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng, bởi tâm lý thị trường suy yếu do lo ngại Fed sẽ thắt chặt chính sách và những bất ổn chính trị quốc tế trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, do các gã khổng lồ công nghệ và công ty tài chính kéo lùi, do lo ngại rằng Fed sẽ thắt chặt chính sách và căng thẳng địa chính trị gia tăng liên quan đến Ukraine.
Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm mạnh, lo ngại về căng thẳng địa chính trị của Ukraine và chính sách tiền tệ của Mỹ gây hoang mang.
Kết thúc phiên 25/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 457,03 điểm (-1,66%), xuống 27.131,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 91,04 điểm (-2,58%), xuống 3.433,06 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 412,85 điểm (-1,67%), xuống 24.243,61 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 71,61 điểm (-2,56%), xuống 2.720,39 điểm.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Ba nối dài đà đi lên, do căng thẳng xung quanh biên giới Ukraine tiếp tục giúp dòng tiền chảy vào kim loại quý.
Kết thúc phiên 25/1, giá vàng giao ngay giảm tăng 4,7 USD lên 1.847,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm gần USD xuống 1.847,6 USD/ounce.
Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ (API) ước tính lượng dầu thô giảm trong tuần này là 872.000 thùng, sau khi các nhà phân tích dự đoán mức giảm 400.000 thùng.
Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm khoảng 75 triệu thùng kể từ đầu năm 2021 và khoảng 17 triệu thùng kể từ đầu năm 2020.
Trong tuần trước, API báo cáo dự trữ dầu thô tăng 1,404 triệu thùng sau khi các nhà phân tích dự đoán mức giảm 1,367 triệu thùng.
Giá dầu đã giao dịch tăng vào thứ Ba trước khi dữ liệu này được công bố và những lo ngại về địa chính trị và nhu cầu mạnh mẽ cũng góp phần đẩy giá dầu thô lên.
Kết thúc phiên 25/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 2,29 USD (+2,68%), lên 85,60 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,93 USD (+2,19%), lên 88,20 USD/thùng.