Giao dịch chứng khoán phiên chiều 25/7: Cặp đôi HAG-HNG nổi sóng trở lại trong cảnh đìu hiu của thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý thận trọng chờ đợi thông tin quan trọng khiến thị trường có thêm phiên giao dịch ảm đạm với thanh khoản thấp nhất hơn 2 tuần, VN-Index cũng ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 25/7: Cặp đôi HAG-HNG nổi sóng trở lại trong cảnh đìu hiu của thị trường

Sau phiên sáng ảm đạm, thị trường bước vào phiên chiều không có trợ lực nào xuất hiện, giao dịch tiếp tục cầm chừng và yếu ớt, thanh khoản thấp, VN-Index theo đó chỉ loay hoay dưới tham chiếu ngay gần 1.190 điểm cho đến khi đóng cửa với thanh khoản giảm xuống mức thấp nhất kể từ 7/7.

Như vậy, thị trường có thêm một phiên giao dịch buồn tẻ, thanh khoản xuống thấp, dòng tiền phân hóa mạnh và chủ yếu tìm kiếm cơ hội ngắn hạn ở các mã vừa và nhỏ. Tuy nhiên, không nhiều cổ phiếu chiều lòng nhà đầu tư khi đa số đều yếu đi, dù vậy, vẫn còn một số điểm sáng hiếm hoi tại HAX, ST8, VRC, cùng sự trở lại của cặp đôi HAG-HNG.

Chốt phiên, sàn HOSE có 127 mã tăng và 321 mã giảm, VN-Index giảm 6,26 điểm (-0,52%), xuống 1.188,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 437,8 triệu đơn vị, giá trị 9.928,1 tỷ đồng, giảm hơn 8% về khối lượng và gần 9% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 27,7 triệu đơn vị, giá trị 1.168 tỷ đồng.

Các trụ cột hoạt động kém, với chỉ 9 cổ phiếu tăng trong rổ VN30 và trong đó nhích được hơn 1% chỉ có VNM +1,3% lên 72.900 đồng, VIC và VRE cùng tăng 1,2% lên 67.300 đồng và 26.300 đồng.

Ở chiều ngược lại, GVR giảm mạnh nhất, -3% xuống 22.800 đồng, GAS -2,9% xuống 104.700 đồng, TPB -2,3% xuống 27.400 đồng, SSI -2,2% xuống 20.450 đồng.

Các cổ phiếu PNJ, CTG, MBB, ACB, HPG, BVH, PLX, VPB, MWG giảm từ 1,2% đến 1,9%.

Trong đó, hai HPG và SSI dẫn đầu thanh khoản và cũng là hai cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh cao nhất HOSE với 20,72 triệu và 18,3 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số ngược dòng thị trường, giao dịch sôi động với HAX, ST8, VNS, VRC, khi đều tăng kịch trần, trong đó, ST8 ghi nhận phiên tăng trần thứ hai liên tiếp và 6 phiên gần nhất đều tăng mạnh với kế hoạch chia cổ tức đột biến tới 85% bằng tiền mặt.

Đáng chú ý không kém là sự trở lại mạnh mẽ của cặp đôi HAG-HNG, với HNG +6,7% lên 6.840 đồng, khớp hơn 12 triệu đơn vị và HAG +5,1% lên 11.400 đồng, khớp hơn 17,7 triệu đơn vị.

Ở những nơi khác, một số cổ phiếu riêng lẻ có mức tăng khá còn phải kể đến NT2 +4% lên 26.000 đồng, DBC +4,2% lên 27.500 đồng, HCM +4,5% lên 25.750 đồng, OGC +4,9% lên 12.750 đồng.

Các cổ phiếu BCM, LGH, CTF, CTI, HDG, HBC, TIP tăng từ 2% đến hơn 3%, với thanh khoản tốt nhất thuộc về HBC với hơn 5,2 triệu đơn vị.

Trái lại, nhóm cổ phiếu giảm sâu có những cái tên quen thuộc và có tính đầu cơ cao như LDG -6,3% xuống 9.210 đồng, APG -5,3% xuống 6.420 đồng, DLG -5,1% xuống 4.130 đồng, EVE -5,1% xuống 13.950 đồng, cặp đôi phân bón DCM -4,7% xuống 28.250 đồng, DPM -4,3% xuống 44.000 đồng.

Các cổ phiếu thép với TLH, HSG, NKG, POM đều giảm hơn 2%. Nhóm dầu khí với PSH, CNG, PVT, PET, PVD giảm từ 2,7% đến 4,4%, nhóm chứng khoán với VCI, VIX, TVB, TVS, ORS, CTS, mất từ 1,9% đến hơn 3%...

Ở các cổ phiếu thanh khoản cao, nhà FLC, ROS, AMD cũng giảm, trong đó, FLC -4,1% xuống 5.560 đồng. Các cổ phiếu TCH, BCG, DRH, CII, VCG, AAA, KBC, DXG, SCR, DIG, GEX cũng kết phiên trong sắc đỏ, khớp từ 2 triệu đến hơn 8,5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng diễn biến tương tự, khi vẫn ở dưới tham chiếu và thu hẹp đôi chút đà giảm so với cuối phiên sáng nhờ áp lực bán cũng không gia tăng mạnh.

Đóng cửa, sàn HNX có 62 mã tăng và 134 mã giảm, HNX-Index giảm 3,46 điểm (-1,2%), xuống 285,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58,8 triệu đơn vị, giá trị 1.193,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,56 triệu đơn vị, giá trị 126 tỷ đồng.

Cổ phiếu nổi bật nhất phiên này là SJE, khi tăng hết biên độ +9,8% lên 40.400 đồng, khớp lệnh đột biến với hơn 2,22 triệu đơn vị, chiếm tới hơn 10% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của mã này.

Lác đác sắc xanh tại HUT +2,1% lên 29.100 đồng, IDJ +2,9% lên 14.300 đồng, MBS +3,4% lên 21.000 đồng.

Phần còn lại, đa số chìm trong sắc đỏ, như SHS, PVS, CEO APS, TNG, IDC, PVC, TVC, ART, SCG, BCC, TAR, NDN…

Thanh khoản SHS cao nhất sàn với 8,57 triệu đơn vị, PVS theo sau với 8,46 triệu đơn vị, CEO khớp 5,7 triệu đơn vị và giảm khá sâu, -4,7% xuống 22.500 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng gần như ít thay đổi, khi chỉ dao động nhẹ quanh vùng đáy của phiên sáng cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,49 điểm (-0,55%), xuống 88,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30 triệu đơn vị, giá trị 567,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,92 triệu đơn vị, giá trị 49,1 tỷ đồng.

Giao dịch cũng rất ảm đạm, với VGT, VTP LMH, CST còn tăng và ngoài CST +4,3% thì còn lại chỉ nhích nhẹ.

Phần còn lại đều đi xuống, với BSR -4,4% xuống 24.100 đồng, khớp lệnh cao nhất với hơn 10 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều mất điểm, với VN30F2208 giảm 3,7 điểm, tương đương -0,3% xuống 1.221,9 điểm, khớp lệnh hơn 187.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 36.400 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này ba mã giao dịch sôi động nhất không có mã nào tăng, với CTCB2203 đứng tham chiếu tại 10 đồng/cq, khớp 2,3 triệu đơn vị; CHPG2213 giảm 3,1% xuống 1.240 đồng/cq, khớp 1,26 triệu đơn vị; CPOW2203 giảm 7,5% xuống 370 đồng/cq, khớp 1,1 triệu đơn vị.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục