Giao dịch chứng khoán phiên chiều 24/11: Thị trường phân hóa, nhóm thép gây ấn tượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền yếu và thiếu động lực, trong khi những thông tin gỡ vướng trên thị trường trái phiếu, bất động sản chưa được như kỳ vọng của nhà đầu tư khiến thị trường đang trải qua những phiên giao dịch tương đối ảm đạm. Dù vậy, vẫn có những điểm sáng nhất định, như nhóm cổ phiếu thép hôm nay là một ví dụ.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 24/11: Thị trường phân hóa, nhóm thép gây ấn tượng

Giao dịch vẫn khá nhàm chán nối tiếp trong phiên chiều, VN-Index giảm thêm đôi chút và giằng co nhẹ quanh ngưỡng 940 điểm do áp lực phân hóa cao và thanh khoản ở mức thấp.

Tuy nhiên, tại ngưỡng 946 điểm, một số bluechip nới đà tăng, trong khi số mã giảm cũng đã thu hẹp, thậm chí không ít đảo chiều tăng đã giúp VN-Index leo một mạch lên trên tham chiếu và nhích thêm đôi chút trong phiên ATC.

Đóng cửa, sàn HOSE có 218 mã tăng và 214 mã giảm, VN-Index tăng 1,71 điểm (+0,18%), lên 947,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 543 triệu đơn vị, giá trị 8.358,3 tỷ đồng, tương đương về khối lượng và tăng hơn 6% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 61 triệu đơn vị, giá trị 1.397 tỷ đồng.

Nhóm VN30 tích cực hơn hẳn so với cuối phiên sáng với 18 mã tăng, 9 mã giảm, cùng TPB, MBB, FPT đứng tham chiếu.

Trong đó, ở nhóm cổ phiếu tăng điểm, HPG là điểm sáng lớn, khi tăng 4% lên 14.350 đồng, khớp lệnh hơn 31,1 triệu đơn vị, cao nhất nhóm và cũng lớn nhất thị trường.

Tăng tốt khác còn có những STB +4% lên 18.200 đồng, GVR +3,6% lên 13.000 đồng, PLX +3,2% lên 27.500 đồng, VNM +2,3% lên 81.200 đồng, nhóm nhà Vin cũng nới đà đi lên, với VRE +3,6% lên 27.100 đồng, VIC +2,2% lên 61.000 đồng, VHM +1,4% lên 45.000 đồng.

Các cổ phiếu HDB SSI, POW, BID, ACB nhích từ 1% đến 1,7%, còn lại VPB, TCB, VJC, CTG tăng nhẹ.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu PDR vẫn chất sàn hơn 88,1 triệu đơn vị dư bán, MWG cũng giảm sàn -6,9% xuống 37.700 đồng, khớp 7,86 triệu đơn vị.

Cổ phiếu NVL phiên này hơn 128 triệu cổ phiếu phiên kỷ lục 22/11 về tài khoản vẫn nằm sàn -7% xuống 21.950 đồng, khớp hơn 3,27 triệu đơn vị, và số dư bán giá sàn từ hơn 15 triệu đơn vị cuối phiên sáng đã vọt lên hơn 45,6 triệu đơn vị khi đóng cửa.

Một cổ phiếu khác cũng đã có thời điểm giảm sàn là KDH, trước khi thu hẹp đà đi xuống, đóng cửa giảm 3,9% xuống 21.000 đồng.

Cổ phiếu MSN cũng thoát mức đáy trong phiên, nhưng vẫn còn giảm khá mạnh -4,2% xuống 89.000 đồng.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dòng tiền phân hóa, nhà đầu tư lọc tìm cơ hội tại một số cổ phiếu riêng lẻ trong các nhóm ngành khác nhau như bất động sản, xây dựng, công ty chứng khoán, nông nghiệp, dịch vụ…

Chẳng hạn như ở nhóm bđs, xây dựng với DPG tăng trần lên 23.500 đồng, ITC +6,7% lên 7.470 đồng, NLG +6,1% lên 23.500 đồng, NBB +5,8% lên 12.800 đồng, DRH +4,2% lên 3.200 đồng, DXG +3,1% lên 9.900 đồng…

Nhóm công ty chứng khoán có APG và VIX tăng kịch trần lên 3.740 đồng và 6.890 đồng, HCM +5,9% lên 18.750 đồng, FTS +3,6% lên 15.800 đồng.

Nhóm thủy sản, nông nghiệp, hóa chất, có HAG, GIL tăng hết biên độ, DBC +4,3% lên 12.000 đồng, ANV +3,8% lên 19.000 đồng…

Một số cổ phiếu logistics với GMD +5% lên 46.000 đồng, TMS +4,4% lên 66.500 đồng, VNL +4,1% lên 20.300 đồng…

Nhóm cổ phiếu thép là nhóm tăng mạnh và đồng thuận cao nhất, ngoài HPG tăng 4% nêu trên thì HSG giữ giá trần +7% lên 9.200 đồng, khớp 13,8 triệu đơn vị, NKG +6,8% lên 9.920 đồng, khớp 6,6 triệu đơn vị, POM +3,7% lên 4.170 đồng, TLH +3,7% lên 5.600 đồng.

Ở chiều ngược lại, thêm một số cổ phiếu bị bán mạnh và giảm sàn như ABS, ADG, IBC, OGC, DTL, HPX, PET…trong đó, HPX khớp chỉ được 1.800 đơn vị và còn dư bán giá sàn hơn 63,3 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu bán lẻ lớn phiên này bị bán ồ ạt, ngoài MWG thì DGW và FRT cũng đều lùi về giá sàn tại 35.100 đồng và 57.800 đồng.

Giảm sâu khác còn có QCG, TIP, TLD, PVD, DXS, EVG, SAM, YEG, với mức giảm từ 3,5% đến hơn 6%.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng tiếp tục giảm trong phiên chiều và thêm nhiều cổ phiếu đảo chiều tăng đã giúp chỉ số này bật lên trên tham chiếu ở những phút cuối.

Đóng cửa, sàn HNX có 71 mã tăng và 97 mã giảm, HNX-Index tăng 0,22 điểm (+0,11%), lên 191,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58,2 triệu đơn vị, giá trị 661,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,23 triệu đơn vị, giá trị 16,2 tỷ đồng.

Những cổ phiếu bật lên khoe sắc tím có CEO, IDJ, APS, API, L14, với CEO khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn với hơn 10,8 triệu đơn vị.

Tăng điểm khác còn có SHS +4,4% lên 7.100 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 11,1 triệu đơn vị.

Các mã TNG, IDC, MBS tăng hơn 2%, HUT nhích nhẹ 0,7%, VGS +7,6% lên 8.500 đồng.

Các mã giảm có BII, MST, TTH và VC2, khi đều giảm sàn, PVC -4,9% xuống 9.800 đồng, còn PVS, TIG, TAR giảm nhẹ.

Trên UpCoM, nhiều cổ phiếu cũng hãm được đà giảm, đưa UpCoM-Index dần hồi phục, nhưng không may mắn như hai sàn chính, chỉ số này chưa thể chạm tham chiếu khi đóng cửa.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,15 điểm (-0,22%), xuống 67,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26 triệu đơn vị, giá trị 256,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,11 triệu đơn vị, giá trị 30,6 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu BOT và DSC vẫn yên vị ở mức giá sàn cuối phiên sáng tại 2.700 đồng và 48.000 đồng.

Các cổ phiếu còn lại đều thu hẹp đà đi xuống, với BSR từ mức giảm gần 10% trong phiên đã chỉ còn -3,7% xuống 13.100 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 8,42 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, với VN30F2212 tăng 14,8 điểm, tương đương +1,6% lên 938,9 điểm, khớp lệnh hơn 445.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 44.400 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, hai mã đáng chú ý là CMWG2212 và CHPG2220, khi phiên này hút giao dịch nhất với 5,64 triệu và 2,33 triệu đơn vị.

Trong đó, CMWG2212 giảm mạnh 28,6% xuống 50 đồng/cq, còn CHPG2220 lại tăng 100% lên 20 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục