Giao dịch chứng khoán phiên chiều 21/3: Bluechip hồi sinh, VN-Index trở lại ngưỡng 1.030 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sức mạnh từ những cổ phiếu lớn như VHM và VCB, cũng như một số bluechip khác đã giúp thị trường lấy lại gần một nửa số điểm đã đánh rơi trong phiên hôm qua và quan trọng là VN-Index đã trở lại trên đường SMA 100 tại trên 1.030 điểm.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 21/3: Bluechip hồi sinh, VN-Index trở lại ngưỡng 1.030 điểm

Sau phiên sáng ảm đạm, thị trường bước vào phiên chiều đã tích cực hơn khá nhiều, khi VN-Index dần nhích lên, có thời điểm tăng hơn 12 điểm nhờ các bluechip đảo chiều tăng, với đầu tàu là VCB, VHM cùng một số cổ phiếu công ty chứng khoán, nguyên vật liệu khởi sắc…

Đà tăng tiếp tục lan khá rộng giúp bảng điện tử đổi sắc với các mã tăng chiếm áp đảo, tuy nhiên, sức ảnh hưởng đến chỉ số vẫn là ở một số mã lớn, nên khi các mã này rung lắc cũng đã khiến VN-Index biến động mạnh theo và kết phiên không giữ được mức cao nhất ngày, nhưng vẫn ở trên ngưỡng hỗ trợ 1.030 điểm (SMA 100). Tuy nhiên, thanh khoản vẫn là mối lo, khi tiếp tục suy giảm mạnh.

Đóng cửa, sàn HOSE có 279 mã tăng và 109 mã giảm, VN-Index tăng 9,33 điểm (+0,91%), lên 1.032,43 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 474,9 triệu đơn vị, giá trị 8.324 tỷ đồng, giảm hơn 16% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 93,3 triệu đơn vị, giá trị 1.646 tỷ đồng, trong đó, đáng kể có hơn 51,33 triệu cổ phiếu MSB, trị giá hơn 642 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu đáng chú ý nhất trong phiên này là VHM và VCB, khi là động lực chính cho chỉ số, với VHM có thời điểm chạm giá trần, trước khi đóng cửa sát mức giá cao nhất này ở 45.400 đồng, tương đương +6,7%. Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB cũng đã có lúc tăng tới 5,6%, nhưng gặp áp lực khá lớn về cuối phiên và đóng cửa chỉ còn +1,6% lên 86.500 đồng. Dù vậy, hai mã này vẫn đóng góp tới gần 5 điểm tích cực cho VN-Index.

Việc VCB hạ độ cao đã được bù đắp phần nào từ một số cổ phiếu khác nới đà đi lên như VPB +3,3% lên 20.350 đồng, khớp lệnh cao nhất nhóm VN30 và dẫn đầu thị trường với hơn 29,1 triệu đơn vị.

Theo sau là SSI +2,6% lên 20.000 đồng, khớp 17,5 triệu đơn vị, HPG +2,3% lên 20.450 đồng, khớp hơn 19 triệu đơn vị. Đây cũng là hai cổ phiếu thanh khoản chỉ đứng sau VPB trên sàn.

Các mã còn nhích hơn 1% còn VIB, MWG, CTG, VRE và STB, còn lại VNM, GAS, MBB, TCB... nhích nhẹ.

Ở chiều ngược lại, HDB và PLX là hai cổ phiếu giảm sâu nhất, nhưng cũng chỉ giảm hơn 2%, MSN -1,7%, PDR -1,7%, VJC -1,7%, đều thu hẹp đà giảm so với cuối phiên sáng.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đáng chú ý có ở một số cổ phiếu công ty chứng khoán, khi có mức tăng khá, ngoài SSI nêu trên thì CTS +5,6% lên 14.200 đồng, VCI +4,6% lên 29.300 đồng, FTS +4,5% lên 20.800 đồng, VND +3,1% lên 14.800 đồng, HCM +3% lên 23.900 đồng, BSI +2,9% lên 17.900 đồng.

Các cổ phiếu nguyên vật liệu với KSB thu hút lực cầu nhất khi leo lên giá trần +7% lên 26.900 đồng, khớp 4,15 triệu đơn vị, DHM +4,3% lên 12.100 đồng, NKG +4,3% lên 15.800 đồng, HSG +2,6% lên 16.100 đồng, khớp gần 9 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng, đầu tư công cũng diễn biến khá tích cực, như DXS, DIG, QCG, LCG, DXG với mức tăng từ 3% đến hơn 4%, các mã DRH KBC, KHG, CII, HHV, VCG, GEX cũng có được sắc xanh khi đóng cửa, khớp từ 2,2 triệu đến hơn 17,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index lùi về dưới tham chiếu ngay khi bước vào phiên chiều, nhưng động lực chung trên thị trường cũng đã thúc đẩy chỉ số này bật lên và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, sàn HNX có 104 mã tăng và 55 mã giảm, HNX-Index tăng 1,49 điểm (+0,74%), lên 203,11 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 36 triệu đơn vị, giá trị 522 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 9,87 triệu đơn vị, giá trị 275,2 tỷ đồng.

Các cổ phiếu đứng tham chiếu cuối phiên sáng đều đã xanh, dù phần lớn chỉ nhích khoảng 1% đến hơn 2%. Riêng LDP tăng trần +8,2% lên 5.300 đồng.

Các cổ phiếu DVM +4,7% lên 17.700 đồng, TNG +3,6% lên 17.300 đồng, BCC +3,6% lên 11.500 đồng là những mã tăng tốt nhất.

Các mã SHS, PVS nhích hơn 1%, khớp lệnh SHS cao nhất sàn với 8,16 triệu và PVS có 3 triệu đơn vị, CEO +2,4% lên 21.000 đồng, khớp 3,55 triệu đơn vị, MBS +2,3%, PVC +2,9%, AMV +2,7%, IDJ +2,6%...

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index lại gần như chỉ đi ngang quanh mức đáy cuối phiên sáng cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,46%), xuống 75,67 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,6 triệu đơn vị, giá trị 231,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,22 triệu đơn vị, giá trị 75,4 tỷ đồng.

Bảng điện tử vẫn phân hóa mạnh, với BSR, LMH, DFF, G36 giảm, các mã SBS, ABB, NHV, PFL, DIT, VGI, VLB, VGT, AMS nhích lên, trong khi vẫn nhiều cổ phiếu đứng tham chiếu với VHG, C4G, OIL, BOT, CEN, DDV, LCM…

Phiên này, cổ phiếu BSR vẫn là mã hút thanh khoản nhất với 6,78 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 2% xuống 14.900 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa tăng, với VN30F2304 đáo hạn gần nhất tăng 8,1 điểm, tương đương +0,79% lên 1.030,5 điểm, khớp lệnh hơn 414.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 61.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, đa phần các mã khớp lệnh cao đều có được sắc xanh, với CSTB2215 khớp hơn 1,52 triệu đơn vị đã tăng 11,9% lên 470 đồng/cq.

Tuy nhiên, hai mã tiếp theo với 1,39 triệu và 0,6 triệu đơn vị khớp lệnh là CSTB2218 và CPOW2204 đều chỉ có giá tham chiếu tại 60 đồng và 30 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục