Cổ phiếu thép hồi phục mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù báo cáo lỗ trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022, nhưng cổ phiếu thép đang là nhóm hồi phục mạnh nhất.
Tập đoàn Hoa Sen hiện đã hết tồn kho giá cao, chỉ còn tồn kho giá thấp . Tập đoàn Hoa Sen hiện đã hết tồn kho giá cao, chỉ còn tồn kho giá thấp .

Hưởng lợi từ tồn kho giá thấp

Theo Trading Economics, từ ngày 1/11/2022 đến 14/3/2023, giá thép thanh vằn tăng 24,2%, từ 3.487 CNY/tấn lên 4.330 CNY/tấn (đỉnh trước đó là 5.900 CNY/tấn), còn giá thép cán nóng (HRC) tăng 80%, từ 709 USD/tấn lên 1.276 USD/tấn (đỉnh trước đó là 1.942 USD/tấn).

Như vậy, sau khi liên tục giảm mạnh từ cuối năm 2021, giá thép có diễn biến tăng trong những tháng gần đây, nhất là giai đoạn đầu năm 2023. Đây là tín hiệu tốt cho các công ty sản xuất thép trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Giá thép thế giới hồi phục một phần do Trung Quốc không còn thực hiện chiến lược Zero Covid, kỳ vọng nhu cầu xây dựng sẽ quay trở lại tại quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới này.

Với việc giá thép đang trên đà hồi phục, nhà đầu tư kỳ vọng, doanh nghiệp thép sẽ hưởng lợi, bởi vì tồn kho giá thấp đã được trích lập trong giai đoạn trước đó. Đặc biệt, giai đoạn cuối năm 2022, do ảnh hưởng bởi giá thép liên tục lao dốc, đa số doanh nghiệp thép ghi nhận tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, phải đẩy mạnh trích lập dự phòng giảm giá tồn kho.

Đón nhận các tín hiệu tích cực, nhóm cổ phiếu thép có mức tăng cao so với thị trường chung. Thống kê từ ngày 15/11/2022 đến 14/3/2023, nhóm 5 công ty thép gồm Hoà Phát, Hoa Sen, Nam Kim, SMC và Thép Tiến Lên có giá cổ phiếu tăng trung bình 76% so với mức tăng của chỉ số VN-Index là 14,1% trong cùng thời gian.

Mới đây, tại Đại hội cổ đông thường niên 2023, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoa Sen cho biết, thời điểm xấu nhất của ngành thép đã qua đi, Công ty hết tồn kho giá cao, hiện chỉ còn tồn kho giá thấp.

Sau khi lỗ 680,2 tỷ đồng trong quý I niên độ tài chính 2022 - 2023 (1/10/2022 - 31/12/2022), Hoa Sen dự kiến lỗ thêm hơn trăm tỷ đồng vào tháng 1/2023, luỹ kế 4 tháng đầu năm niên độ 2022 - 2023 lỗ hơn 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang tháng 2/2023, Công ty có lãi khoảng 50 tỷ đồng, tháng 3/2023 dự kiến lãi trăm tỷ đồng.

Hiện tại, hàng tồn kho của Hoa Sen đủ dùng đến tháng 5/2023, giá thép thấp mà Công ty mua trong năm ngoái là 510 USD/tấn và tồn kho trung bình khoảng 630 USD/tấn. Trong khi đó, giá thép cán nóng (HRC) của Formosa hiện đã lên tới 680 USD/tấn và đơn hàng từ Trung Quốc có giá dao động quanh mức 700 USD/tấn.

Chính vì vậy, Hoa Sen dự kiến sẽ lãi tốt trong những tháng tới, bù lỗ cho 4 tháng đầu niên độ tài chính 2022 - 2023.

“Chưa bao giờ, Hoa Sen tốt như bây giờ, với những điều kiện căn bản để phát triển trong tương lai. Hiện tại, lợi nhuận mảng tôn cao hơn đối thủ 10% nhờ thương hiệu, lợi nhuận xuất khẩu cao hơn 3 - 5% so với đối thủ, chi phí khấu hao thấp nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành”, ông Lê Phước Vũ nhấn mạnh.

Câu chuyện của Hoa Sen có thể là câu chuyện điển hình của các doanh nghiệp thép trong nước khi tồn kho giá cao đã được ghi nhận chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2022, giai đoạn đầu năm 2023 có tồn kho giá thấp, tránh được tình trạng kinh doanh dưới giá vốn như nửa cuối năm ngoái.

Trong báo cáo mới đây về nhóm doanh nghiệp thép, Công ty Chứng khoán SSI dự báo, nhu cầu thép dẹt thành phẩm có thể tiếp tục suy yếu, chủ yếu do kênh xuất khẩu có mức nền cao trong nửa đầu năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp thép có khả năng sẽ được cải thiện nhờ giá HRC hồi phục, qua đó hoàn nhập trích lập dự phòng hàng tồn kho. Kể từ tháng 11/2022, giá tôn mạ trung bình hồi phục khoảng 10% trong 3 tháng, nhưng thấp hơn đà hồi phục từ 25 - 30% của giá HRC trên thế giới.

Tuy nhiên, nhu cầu yếu có thể khiến các doanh nghiệp thép gặp khó khăn trong việc chuyển chi phí đầu vào sang giá bán như giai đoạn 2020 - 2021, nhất là ở thị trường nội địa.

Thận trọng với ảnh hưởng chéo từ lĩnh vực bất động sản

Giá thép đang hồi phục mang lại kỳ vọng về bức tranh tài chính của các doanh nghiệp ngành thép sẽ sáng hơn. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng gián tiếp từ các chủ đầu tư dự án bất động sản thương mại gặp khó khăn dòng tiền và công nợ khó đòi có thể phát sinh.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) đang phát sinh thêm công nợ của một tập đoàn bất động sản khoảng 1.000 tỷ đồng, gây rủi ro trích lập dự phòng và ảnh hưởng lên sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp.

Sản lượng tiêu thụ thép của Việt Nam trong quý IV/2022 giảm còn 3,7 triệu tấn. Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, VSA.

Sản lượng tiêu thụ thép của Việt Nam trong quý IV/2022 giảm còn 3,7 triệu tấn. Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, VSA.

SMC chỉ là một trong những doanh nghiệp ngành thép đang cung cấp trực tiếp nguyên vật liệu xây dựng cho khách hàng là các công ty xây dựng, chủ đầu tư mà chưa thu tiền.

Ngược lại, một công ty xây dựng có lịch sử hoạt động 35 năm không trả được tiền cho các nhà thầu phụ, dẫn tới các nhà thầu phụ ngừng thi công. Để trấn an nhà thầu phụ, công ty muốn thay đổi hình thức chi trả từ tiền mặt sang tài sản, do các chủ đầu tư thanh toán cho công ty bằng tài sản.

Dự phóng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng năm 2023. Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, VSA.

Dự phóng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng năm 2023. Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, VSA.

Đáng lưu ý, kênh trái phiếu doanh nghiệp được nhận định chưa thể hồi phục trong ngắn hạn, nhà đầu tư trái phiếu vẫn đang mất niềm tin. Điều này tiếp tục ảnh hưởng tới dòng tiền và khả năng triển khai của các dự án bất động sản, từ đó ảnh hưởng tới doanh nghiệp phụ trợ như nhóm thép khi có rủi ro phát sinh công nợ khó đòi, phải trích lập nợ xấu trong thời gian tới.

Những tuần gần đây, Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà nước nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu (giãn nợ, cho phép trả lãi và gốc trái phiếu bằng tài sản thay tiền mặt), hạ lãi suất điều hành, đặc biệt là triển khai gói hỗ trợ nhà ở xã hội lên tới 120.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiệu ứng của chính sách thường có độ trễ nhất định và đối tượng hưởng lợi thực sự của chính sách sẽ cần thời gian nhất định. Trong khi đó, khó khăn trước mắt về dòng tiền của doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án vẫn đang hiện hữu và khó có thể giải quyết ngay lập tức.

Chính vì vậy, nhóm doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng như thép có thể chịu ảnh hưởng liên đới về nợ khó đòi trong thời gian tới, nhất là một số đơn vị cung cấp hàng hoá bán chịu như SMC.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục